Huyền thoại về thành đá cổ Tà Kơn

VHO- Thành đá cổ Tà Kơn khiến cho du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những nét đẹp nguyên sơ, hùng vĩ được thiên nhiên ban tặng.

Huyền thoại về thành đá cổ Tà Kơn - Anh 1

 Thời gian qua, thành Tà Kơn hút khách đến tham quan

Tà Kơn thuộc vùng đất Vĩnh Sơn, huyện miền núi Vĩnh Thạnh được xem là “Đà Lạt của Bình Định” bởi khí hậu ôn đới, nằm trên núi cao. Theo Bảo tàng Bình Định, di tích lịch sử danh thắng Tà Kơn nằm ở độ cao hơn 700m so với mực nước biển, cách trung tâm xã Vĩnh Sơn chừng 6 km về hướng Tây Nam và cách thị trấn huyện Vĩnh Thạnh hơn 50 km về phía Nam.

Tà Kơn và khu vườn cam Nguyễn Huệ (khu vực trung tâm xã Vĩnh Sơn hiện nay) là một căn cứ trong buổi đầu khởi binh của phong trào Tây Sơn vào đầu thế kỷ XVIII. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tà Kơn đã bị địch lấy làm căn cứ và cho xây dựng sân bay dã chiến trực thăng (Sân bay Tà Kơn). Hiện nay, thành đá cổ Tà Kơn được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh và bên dưới sườn núi là những cột đá tự nhiên được xếp chồng đều đặn chẳng khác nghệ thuật sắp đặt hiện nay. Nói về ý nghĩa của cụm từ “Tà Kơn”, già làng Đinh Chương (ở làng K8, xã Vĩnh Sơn) cho biết, Tà Kơn trong ngôn ngữ Bana có nghĩa là “chồng lên nhau”, ý muốn nói đến những hòn đá được xếp chồng lên nhau một cách rất kỳ lạ. Quá trình xây thành, giữ thành Tà Kơn được kể lại bằng Hơ Mon (hát kể sử thi Ba Na) đắm màu huyền thoại. Một truyền thuyết cho rằng Tà Kơn xưa kia vốn là nhà của 3 anh em, gồm 2 vị vua Trum, Trăm và nàng công chúa xinh đẹp, thông minh tên Bia Tơni.

Cũng theo già làng Đinh Chương, do bức tường đá chạy thành một vệt dài theo sườn núi và giữa núi rừng đại ngàn hùng vĩ của Vĩnh Sơn nên ngày xưa gọi là thành, con người đã thổi vào những khối đá kỳ vĩ này sinh khí. Một sức sống nhân văn, một văn hóa cự thạch để đề cao tinh thần bất khuất chống xâm lược. Có truyền thuyết khác cho rằng, thành Tà Kơn gắn liền với nàng Hơ Bia xinh đẹp. Thần núi muốn cưới Hơ Bia làm vợ, nhưng thần có khuôn mặt bằng đá, dưới cằm có yếm như yếm bò cái trông rất xấu xí nên Hơ Bia không hài lòng, yêu cầu nếu thần vượt qua được ba cuộc thử tài của nàng thì sẽ chấp nhận lời cầu hôn. Thần núi đều vượt qua tất cả những lần thử tài nên hai người thành vợ chồng, cùng nhau xây dựng thành Tà Kơn. Bên cạnh truyền thuyết của người Bana, có ý kiến cho rằng thành đá Tà Kơn do anh em nhà Tây Sơn xây dựng nên. Khi ba anh em nhà Tây Sơn chiêu binh mãi mã, người Bana hưởng ứng rất mạnh mẽ và họ đã cùng nhau dựng nên thành Tà Kơn làm cứ điểm bí mật.

Huyền thoại về thành đá cổ Tà Kơn - Anh 2

 Thành đá cổ Tà Kơn gồm những cột đá tự nhiên được xếp chồng như nghệ thuật sắp đặt hiện nay

Theo TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định), thành Tà Kơn là những khối đá hình trụ được hình thành qua biến đổi kiến tạo địa chất thuộc địa khối Kon Tum được cấu tạo bởi nham thạch cổ nhất, có niên đại từ 1,8-2 triệu năm, cũng là nơi cư trú của cư dân bản địa Bana Kriêm. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này không chỉ trở thành danh thắng nơi núi rừng này mà nó đã đi vào sử thi của họ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đến tham quan các di tích, danh thắng Tà Kơn, năm 2022, UBND tỉnh Bình Định đã triển khai dự án Đường tuần tra bảo vệ rừng Khu di tích thành đá Tà Kơn.

Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, đường vào thành Tà Kơn giờ đã được bê tông hóa, rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, đây là lợi thế để Vĩnh Thạnh phát triển du lịch sinh thái. Ngoài điểm nhấn là thành Tà Kơn ở làng K8, còn có vườn cam Nguyễn Huệ ở làng K2 cùng thuộc xã Vĩnh Sơn; động Hang Dơi, suối Tà Má, công trình thủy điện Vĩnh Sơn, hồ chứa nước Định Bình…, mỗi nơi có vẻ đẹp hoang sơ riêng. Bên cạnh đó, người Bana Vĩnh Thạnh còn có những lễ hội, những bài hát Hơ Mon, nhạc cụ dân tộc, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm. Đó là những “món ăn” tinh thần độc đáo của núi rừng mà người miền xuôi không có.

Triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã mang đến những cơ hội mới để Vĩnh Thạnh bảo tồn, phục dựng văn hóa truyền thống; khai thác tiềm năng văn hóa, phát triển du lịch tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có thành đá Tà Kơn của người Bana. Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho hay, hiện nay Sở đang phối hợp với UBND huyện Vĩnh Thạnh xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Trong đó, trước mắt tập trung vào 3 điểm tham quan du lịch gồm: Làng Hà Ri - suối Tà Má, thành đá Tà Kơn và làng K3 gắn kết với Vĩnh Sơn. Thời gian qua, các điểm này cũng đã từng bước được đầu tư, thu hút khách tham quan, du lịch.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Bình Định và các công ty lữ hành xây dựng các chương trình tour, tuyến, kết nối với các điểm du lịch phía Nam tỉnh như TP Quy Nhơn - huyện Tây Sơn với Vĩnh Thạnh cũng như đến các tỉnh Tây Nguyên để tạo thành chương trình tham quan hấp dẫn”, bà Chung nói. 

 PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc