Khơi thông nguồn lực phát triển văn hoá - Bài 2: Kỳ vọng về một quyết sách kịp thời, tạo bước đột phá

VHO - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV quyết nghị trong năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Từ quyết sách này, nhiều đại biểu kỳ vọng, Chương trình sẽ đủ tầm bao quát, mang tính tổng thể. Các chính sách trong Chương trình sẽ xử lý đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn thể chế, chính sách, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Khơi thông nguồn lực phát triển văn hoá - Bài 2: Kỳ vọng về một quyết sách kịp thời, tạo bước đột phá - Anh 1

Nhiều chuyên gia mong muốn Chương trình sớm được phê duyệt để giải quyết bài toán về nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích đang có nguy cơ xuống cấp và mai một. Ảnh minh họa một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại tỉnh Bến Tre

Tạo sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam

Trong các diễn đàn, hội thảo, hội nghị, các buổi làm việc với Bộ VHTTDL, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội thường xuyên nhấn mạnh đến sự cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Điều này thể hiện việc Quốc hội từng bước thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đồng thời cũng cho thấy tính cấp thiết, tính đúng đắn và hiệu quả của việc phát hiện vấn đề - nêu giải pháp một cách kịp thời trong hoạt động của Quốc hội.  

Theo đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, trong các giai đoạn trước, đầu tư tổng thể cho văn hóa được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi Chương trình này kết thúc vào năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn ở cấp Trung ương và địa phương và từ nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm (giai đoạn 2017-2021 chi chưa đến 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước), nên không đủ để tiếp tục duy trì hoạt động, khai thác vận hành, cải tạo các thiết chế văn hóa; bảo tồn, nâng cấp các di tích văn hóa đang tiếp tục bị xuống cấp cũng như bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học.

“Một số Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình khác được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt thời gian qua có hướng tới mục tiêu an sinh xã hội nhưng chưa tạo được động lực, nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hóa một cách hiệu quả, tổng thể. Chính vì vậy, nhiều mục tiêu mà ngành văn hóa đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trước đây cho đến nay vẫn chưa đạt được. Thực tế cấp bách này đòi hỏi phải có một chương trình mang tính tổng thể để văn hoá phát triển, xứng với kỳ vọng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước”, đại biểu tỉnh Bình Phước nêu quan điểm.

Khơi thông nguồn lực phát triển văn hoá - Bài 2: Kỳ vọng về một quyết sách kịp thời, tạo bước đột phá - Anh 3

Đại biểu Phan Viết Lượng nhấn mạnh thực tiễn cấp bách hiện nay đòi hỏi phải có một chương trình mang tính tổng thể để văn hoá phát triển

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, nếu được xây dựng và ban hành, đây sẽ là Chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hoá, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, cụ thể hoá quan điểm văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.

Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai thành công Chương trình sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

“Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, thể hiện vai trò kịp thời phát hiện, tháo gỡ những vướng mắc để văn hoá phát triển. Điều này khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cho lĩnh vực văn hoá và vai trò quan trọng của Quốc hội trong việc kịp thời phát hiện, tháo gỡ cũng như thúc đẩy việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực phát triển văn hóa hiện nay”, đại biểu Nguyễn Hải Anh đánh giá.

Khơi thông nguồn lực phát triển văn hoá - Bài 2: Kỳ vọng về một quyết sách kịp thời, tạo bước đột phá - Anh 4

Đại biểu Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã rất quan tâm đến lĩnh vực văn hoá

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng cho rằng, chương trình gồm 9 dự án thành phần: Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Cùng với đó sẽ là các giải pháp căn cơ, toàn diện và phù hợp trong từng nhóm lĩnh vực. Vì vậy, nếu được xây dựng và ban hành, đây sẽ là Chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hoá, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, cụ thể hoá quan điểm văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.

Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai thành công chương trình sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Gỡ thể chế, khơi nguồn lực

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, nguồn lực nội sinh quan trọng của sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đầu tư cho văn hóa, xây dựng con người là đầu tư cơ bản cho phát triển, tạo ra động lực, nguồn lực để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc trường tồn.

Nhấn mạnh công cuộc chấn hưng văn hóa luôn phải được bắt đầu từ yếu tố trung tâm là con người, trong đó trọng tâm là thế hệ trẻ, bởi họ là nguồn lực chính trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh kỳ vọng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sẽ chú trọng đến giới trẻ, phải tạo ra được bước đột phá trong xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, năng lực thụ hưởng và tham gia chủ động vào hoạt động sáng tạo văn hóa của nhân dân, xây dựng tư tưởng, đạo đức và lối sống lành mạnh, văn minh, góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 cần sớm được thông qua để góp phần vào mục tiêu chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam giai đoạn hiện nay.

 “Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng và ban hành một Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mang tính tổng thể, bao quát để giải quyết các điểm nghẽn trong thực tiễn hiện nay. Việc Chính phủ trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia này vào năm 2024 sẽ trở thành một điểm nhấn quan trọng, có tính chất dẫn dắt, định hướng, với giải pháp căn cơ và lâu dài để ngành văn hóa phát triển xứng tầm với kinh tế và chính trị”. 

(Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương)

“Trong xu thế mới hiện nay khi thế giới đang phát triển đa cực, phức tạp, bất định khiến cho những vấn đề liên quan về kinh tế, chính trị - xã hội, tư tưởng cũng sẽ bị tác động theo. Vì vậy yêu cầu về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây cũng là định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tôi rất mong Chương trình sớm được cơ quan chuyên môn xây dựng và Chính phủ sớm tham mưu để Quốc hội có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và cho ý kiến toàn diện, sâu sắc hơn”, đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế nói.

Bà Nguyễn Thị Sửu cũng cho rằng, Chương trình sớm được phê duyệt sẽ giải quyết bài toán về nguồn lực đầu tư cho con người là chủ thể chấn hưng văn hóa và nguồn lực về tài chính nhằm bảo tồn, tôn tạo các di tích đang có nguy cơ xuống cấp và mai một. Hiện chúng ta có rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đang đứng trước nguy cơ xuống cấp và mai một, nếu không được bảo tồn kịp thời thì sẽ vĩnh viễn bị mất đi. Bên cạnh đó chúng ta cần phải rà soát lại các thiết chế văn hóa, xem cái nào phù hợp, cái nào cần nâng cấp hoặc cần điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay.

Thực tế cho thấy nhiều thiết chế đã rời rạc do tác động của di cư, thiên tai, sáp nhập các đơn vị hành chính… Bên cạnh việc sớm ban hành Chương trình mục tiêu này, chúng ta cũng cần phải có sự đột phá về thể chế, chính sách để văn hóa phát triển, như sức mạnh nội sinh vốn có.

Trước thực trạng “xâm lăng văn hóa”, “nhập siêu văn hóa” và nhu cầu bức thiết phải có thêm nguồn lực cho lĩnh vực đặc biệt quan trọng này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là rất cần thiết. Nếu Chương trình được Quốc hội thông qua, đây sẽ là nguồn lực to lớn, mang tính định hướng, để giải quyết những vấn đề căn cơ liên quan đến văn hóa.

Khơi thông nguồn lực phát triển văn hoá - Bài 2: Kỳ vọng về một quyết sách kịp thời, tạo bước đột phá - Anh 5

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thống nhất quan điểm về phát triển văn hoá phải bao gồm cả thể chế và nguồn lực

Thống nhất với quan điểm về phát triển văn hoá phải bao gồm cả thể chế và nguồn lực, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương mong muốn Chính phủ sẽ có giải pháp căn cơ, lâu dài để kiến tạo thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Thể chế, chính sách trình Quốc hội thông qua phải tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc, tồn tại lâu nay trong thực tiễn của ngành văn hóa.

Cùng với đó, chúng ta cần phải dành nguồn lực tương xứng đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Nếu nhiệm kỳ trước, tổng chi ngân sách nhà nước cho văn hóa chỉ đạt 1,7%, thì đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã đề xuất Chính phủ đặt mục tiêu đạt chi cho văn hóa 2% tổng chi ngân sách nhà nước hăng năm. Từ đó sẽ đầu tư đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm cho lĩnh vực văn hoá.

Kỳ vọng về một quyết sách kịp thời, tạo bước đột phá, tin rằng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa Việt Nam sẽ được  sớm xây dựng, trình Quốc hội thông qua. Bởi đây là "ý Đảng, lòng dân", là mong mỏi, là nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước, để văn hóa là mục tiêu, là động lực phát triển, là nguồn lực nội sinh phát triển bền vững đất nước.

THU SÂM –  LAN HƯƠNG – LÊ ANH - BÍCH NGỌC

Ý kiến bạn đọc