Đề nghị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân

VHO - Sáng ngày 3.12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam tiếp tục ngày làm việc thứ ba và bế mạc Đại hội. Dự ngày làm việc thứ ba của Đại hội có bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Đề nghị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân - Anh 1

Đoàn Chủ tịch điều hành ngày làm việc thứ 3 Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Sau phiên thảo luận tại hội trường, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn với Đảng, Nhà nước  Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (diễn ra ngày 2.12), Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp, lựa chọn một số vấn đề lớn để báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

 Theo đó, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) đề nghị Ban Bí thư quan tâm tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9.1.2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, lao động khu công nghiệp, khu chế xuất và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; định hướng, có kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW, 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW vào năm 2026.

Về sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019, cần quy định mỗi năm người sử dụng lao động phải dành ít nhất 1 ngày để công nhân, người lao động được học tập chính trị, pháp luật; khuyến khích các đơn vị thương lượng để có nhiều hơn 1 ngày.

Đề nghị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân - Anh 2

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu báo cáo kiến nghị của người lao động

CNVCLĐ cũng đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm tính đặc thù của tổ chức Công đoàn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động; đảm bảo các điều kiện hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới; ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy người lao động có việc làm bền vững, lương đủ sống và đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động.

Huy động nguồn lực toàn xã hội thúc đẩy Đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp  giai đoạn 2021-2030; quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân; hoàn thiện pháp luật về BHXH, BHYT, giúp người lao động nhận rõ lợi ích, có niềm tin ở lại lâu dài với hệ thống bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động không chỉ lúc đang làm việc mà cả lúc họ nghỉ hưu.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, CBVCLĐ mong muốn cần sớm sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động. Cụ thể, Chính phủ giao Bộ LĐ,TB&XH chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sớm thực hiện nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 101/2019/QH14) “…Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.”, hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, tết hàng năm vào thời điểm thích hợp, vì số ngày nghỉ này của nước ta đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5-6 ngày. Nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc Khánh (nghỉ từ mùng 2-5.9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.

Đề nghị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân - Anh 3

Các đại biểu dự Đại hội

Bên cạnh đó, CNCVLĐ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng BHXH, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động.

Qua đó, khắc phục tình trạng bỏ qua hoặc xử nhẹ doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích người lao động của chính quyền một số địa phương. Đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật việc việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, không để lợi dụng việc thành lập, hoạt động để xâm phạm quyền lợi người lao động, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm mất an ninh, trật tự.

Chính phủ sớm có chủ trương trình cấp có thẩm quyền có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hơn 200 nghìn người lao động bị nợ BHXH do doanh nghiệp giải thể, pháp sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu.

Ngoài ra, CNVCLĐ cũng bày tỏ cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy và sự phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động công đoàn.

Lãnh đạo cấp ủy các cấp, nhất là những địa phương, ngành có đông công nhân, quan hệ lao động phức tạp cần định kỳ làm việc với ban thường vụ công đoàn các cấp. Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu vào cấp ủy các cấp tỉ lệ cần thiết cán bộ trưởng thành từ công nhân, phong trào công nhân và công đoàn.

Chính quyền các cấp tích cực phối hợp với công đoàn trong việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi người lao động. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, các tổ chức và doanh nghiệp cần tích cực phối hợp hơn nữa với công đoàn các cấp trong việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, hội viên và người lao động.

“Những kiến nghị trên đây là mong muốn, nguyện vọng chung của đông đảo công nhân lao động và cán bộ công đoàn cả nước trân trọng gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Kính mong được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ghi nhận, quan tâm xem xét, giải quyết”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.

Ngày làm việc thứ 3 của Đại hội sẽ bao gồm các nội dung: Đại biểu tham luận; Báo cáo tiếp thu, giải trình vào dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; Báo cáo tiếp thu, giải trình Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); Đại hội thảo luận, biểu quyết thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Báo cáo kết quả phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII; Báo cáo kết quả phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII…

QUỲNH HOA; ảnh: VĂN CÔNG

Ý kiến bạn đọc