Rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam

VHO - Sáng 30.11 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã tổ chức buổi làm việc về công tác tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam.

Dự buổi làm việc có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; đại diện các Bộ: Tài chính; TT&TT; Công thương; Ngoại giao; NN&PTNT, GD&ĐT…

Theo ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức Hội nghị.

Rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam - Anh 1

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng phát biểu tại buổi làm việc

Hiện tại, công tác chuẩn bị cho hội nghị đang được thực hiện với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, đảm bảo chất lượng. Nội dung thảo luận tại hội nghị đang được rà soát kỹ lưỡng, chọn việc, chọn điểm để thảo luận. Sau buổi làm việc, Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo trung tâm cũng như báo cáo chuyên đề phục vụ hội nghị.

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đã cho ý kiến về chương trình, kịch bản điều hành, báo cáo tham luận… Đại diện các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL và các Bộ liên quan đều nhất trí chọn những lĩnh vực trọng tâm để thảo luận tại hội nghị; đồng thời cần tổng hợp những khó khăn, đề xuất các giải pháp để Chính phủ tháo gỡ. 

Các đại biểu đánh giá nhìn chung, dự thảo báo cáo trung tâm đã có cái nhìn tổng thể về kết quả thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Tuy nhiên, dự thảo vẫn cần được nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện theo hướng bám sát Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá.

Đặc biệt, các đại biểu mong muốn hội nghị sẽ nêu bật được tầm quan trọng của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng; cũng như đề ra được những giải pháp nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tăng cường đóng góp của công nghiệp văn hóa vào GDP và phát triển kinh tế - xã hội. 

Trước đó, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nhấn mạnh các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện nhằm thu hút cao nhất các nguồn lực trong xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa; đồng thời gắn phát triển công nghiệp văn hóa với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam… Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. 

Rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam - Anh 2

Toàn cảnh buổi làm việc

Do đó, các đại biểu đề nghị cần đưa vào hội nghị những nội dung quan trọng, bám sát định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Những gì đã làm được và làm chưa tốt đều cần thẳng thắn nhìn nhận để phát huy và khắc phục triệt để. Đồng thời, cần tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan, làm cơ sở cho công nghiệp văn hóa phát triển thuận lợi, bền vững.

Công nghiệp văn hoá đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững và đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hoá đã góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. 

Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hoá có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát huy và kết hợp được các yếu tố tự nhiên, văn hoá, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Tại Hội nghị lần này, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá cần có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam; phát triển công nghiệp văn hoá gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc… sẽ một lần nữa được khẳng định.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc