Cây Nêu trong đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc

VHO - Ngày hội trình diễn cây Nêu vừa diễn ra tại Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) là một hoạt động văn hóa đặc sắc, gắn với những nghi thức, tập tục của từng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cây Nêu trong đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc - Anh 1

Nghi thức buộc chỉ vào cổ con nuôi trong Lễ hội "Then Kin Pang” dân tộc Thái

“Lễ hội cây Nêu của người Mường” tỉnh Thanh Hóa là một nét đẹp văn hóa được gìn giữ nhiều đời nay. Hằng năm, dân tộc Mường làm “Lễ lên Nêu” để xua đi cái xấu của năm cũ và đón cái tốt lành trong năm mới đến. Cây Nêu càng đẹp thì năm mới sẽ có nhiều điều vui, cái tốt. Dọc theo thân tre, người Mường hay treo những vật dụng lao động như cuốc, bừa, dao được đan bằng tre. Phía trên ngọn Nêu thường treo những dải lụa nhiều màu để xua đi những điềm xấu và mang lại may mắn cho những ngày xuân mới. Lễ “Dựng cây Nêu” hay còn gọi là “Lễ lên Nêu” là phong tục không thể thiếu của mỗi gia đình người Mường ở Thanh Hóa, nghi lễ không chỉ mang giá trị văn hóa độc đáo mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc gắn với đời sống văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của người Mường.

Cây Nêu trong đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc - Anh 2

 Cây Nêu có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa người Mường

Còn cây Nêu của dân tộc Thái trắng, tỉnh Sơn La được thể hiện qua “Lễ Hết Chá”. Để tổ chức “Lễ Hết Chá”, ngoài việc chuẩn bị lễ vật dâng lên thần linh thì việc làm cây Nêu rất quan trọng. Cây Nêu kết nối con người với thần linh và là trung tâm của các nghi lễ. “Lễ Hết Chá” là một hình thức sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa gắn kết cộng đồng, bản làng, thể hiện tính nhân văn.

Cây Nêu trong đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc - Anh 3

 Lễ “Hết Chá” của người Thái

Trong khi đó, cộng đồng người Cơ Tu ở Đà Nẵng trình diễn cây Nêu với “Lễ ăn trâu mừng lúa nước” quan niệm kết nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh. Trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Cơ Tu, cây Nêu như là một biểu tượng văn hóa và không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế. Hình thức sử dụng cây Nêu của người Cơ Tu rất đa dạng (cây Nêu trong bản làng, cây Nêu trong gia đình, cây Nêu lễ hội, cây Nêu trong tang ma). Cây Nêu có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần thế tục và tâm linh sâu xa, bởi theo quan niệm của người Cơ Tu, cây Nêu là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh, là nơi dân làng dựng lên để tế lễ tạ ơn trời đất, là nơi dẫn lối cho tổ tiên, những người đã khuất được về với cõi vĩnh hằng; là nơi kết nối con người với con người, nhà này với nhà khác, làng này với làng khác, tạo nên một cộng đồng cùng chung sống đoàn kết, ấm no.

Cây Nêu trong đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc - Anh 4
 

 “Lễ ăn trâu mừng lúa nước” của người Cơ Tu

Trong khi đó, cộng đồng người Ca Dong của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với nghi lễ cúng máng nước (Tết máng nước) thường được tổ chức vào ngày đầu năm mới sau khi kết thúc lễ hội ăn trâu vì theo quan niệm của đồng bào thì vào mùa này nguồn nước trong rừng sẽ trong lành, mát mẻ. Hình ảnh cây Nêu biểu tượng cho những bông lúa, hạt ngô được mùa nặng trĩu, cho sự ấm no và đồng thời để cúng thần linh, núi rừng đã che chở cho dân làng có mùa vụ bội thu, có sức khỏe và bình an.

Cây Nêu trong đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc - Anh 5

Múa cồng chiêng, hát đối đáp là hoạt động không thể thiếu trong “Lễ cúng máng nước” của người Ca Dong

Cây Nêu trong đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc - Anh 6

“Lễ cúng máng nước” của người Ca Dong

Với người Thái Đen (Lai Châu), Lễ hội Then Kin Pang (tiếng Thái có nghĩa là Then xuống trần chơi hội cây nêu) là lễ hội lớn nhất, thể hiện rõ nhất bản sắc của tộc người Thái. Để có một ngày hội tưng bừng, người Thái dựng một cây Nêu (sặng pang) được làm từ một cây chuối rừng và hai cây cau rừng ghép lại, đồng thời được trang trí đẹp mắt. Trong suốt lễ hội Then Kin Pang, nhiều nghi lễ được diễn ra như thỉnh thần ma về dự lễ, trừ tà, buộc chỉ vào cổ con nuôi, múa khăn, múa tăng bẳng… 

 Phóng sự ảnh HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc