Mãn nhãn với Ngày hội trình diễn cây Nêu

VHO - Hôm nay 23.11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra Ngày hội trình diễn cây Nêu với chủ đề “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cây Nêu trong thời kỳ hội nhập và phát triển” nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc. Ngày hội có sự tham gia của các tỉnh, thành phố có nghi thức dựng cây nêu gồm: Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắk Lắk và Đà Nẵng.

Mãn nhãn với Ngày hội trình diễn cây Nêu - Anh 1

Người Mường khi chọn dựng cây Nêu là những chàng trai khỏe mạnh, tướng mạo khôi ngô

Các đoàn đã lựa chọn và dàn dựng trích đoạn giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa, mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian có giá trị đặc sắc tiêu biểu của dân tộc tại địa phương mình.

Mở đầu là phần trình diễn “Lễ hội cây Nêu của người Mường” tỉnh Thanh Hóa. Hằng năm, dân tộc Mường làm lễ lên Nêu để xua đi cái xấu của năm cũ và đón cái tốt lành trong năm mới đến. Cây Nêu càng đẹp thì năm mới sẽ có nhiều điều vui, cái tốt. Để dựng cây Nêu, người dân bản Mường sẽ chọn ra các chàng trai có tướng mạo khôi ngô, thông minh, tài giỏi, khỏe như cây rừng, mạnh mẽ như đá núi. Khi tìm được cây tre thẳng có nhiều đốt, cao khoảng 6 -8m và còn nguyên ngọn, gốc còn nguyên bầu, họ sẽ tỉa sạch nhánh và lá phía dưới, chỉ để lại tán tròn ở phần ngọn. Dọc theo thân tre, người Mường hay treo những vật dụng lao động như cuốc, bừa, dao được đan bằng tre. Phía trên ngọn Nêu thường treo những dải lụa nhiều màu để xua đi những điềm xấu và mang lại may mắn cho những ngày xuân mới.

Cụ Phạm Thị Tắng, dân tộc Mường ( huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa), chủ lễ trình diễn cây Nêu của  người Mường tại Ngày hội cho biết: “Năm nay được ra Hà Nội tôi rất vui. Ở nhà vui một, thì đến với Ngày hội thì tôi vui mười. Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, người Mường chúng tôi giao lưu văn hóa, thể thao với các dân tộc anh em trên cả nước. Đây cũng là dịp giữ gìn, phát huy nghi lễ, tín ngưỡng, truyền thống, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Mường Thanh Hóa. Thế hệ chúng tôi đã già, chỉ mong sao con cháu giữ gìn được những di sản phi vật thể. Con cháu sau này làm sao vừa giữ gìn vừa phát huy, không để di sản bị mai một là chúng tôi vui lắm”.

Mãn nhãn với Ngày hội trình diễn cây Nêu - Anh 2

Cây Nêu của dân tộc Thái trắng, tỉnh Sơn La được trình bày qua “Lễ Hết chá”

Cây Nêu của dân tộc Thái trắng, tỉnh Sơn La được trình bày qua “Lễ Hết chá.” Đây là lễ tạ ơn của người được các thầy mo chữa cho khỏi bệnh, lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần sông, thần núi, thổ địa đã giúp con người ở trần gian duy trì cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ông Hoàng Văn Mín (bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La) cho biết, đây là một nghi lễ truyền thống đặc sắc của cộng đồng người  Thái trắng tại bản Áng. Lễ Hết chá được hình thành từ việc các thầy cúng (Mọ Mụn) là những người bốc thuốc nam và cúng, chữa khỏi bệnh cho người ốm sau đó thầy cúng nhận họ làm con nuôi. Lễ Hết chá là một trong những nghi lễ độc đáo, được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng dân tộc Thái. “Bản thân tôi thổi sáo Mọ Mụn từ năm 16 tuổi, nay cũng đã gần 80 mà chưa truyền được cho ai. Người trẻ giờ không muốn học và cũng ít còn đam mê những lời ca, tiếng sáo truyền thống của cha ông. Đó là điều chúng tôi trăn trở. Mong rằng qua những lần trình diễn như thế này, lớp trẻ thêm hiểu, thêm yêu thích và tiếp nối những di sản mà cha ông để lại.”, ông Hoàng Văn Mín cho biết.

Mãn nhãn với Ngày hội trình diễn cây Nêu - Anh 3

Cộng đồng người Cơ tu, Đà Nẵng trình diễn cây Nêu “Lễ ăn trâu mừng lúa nước”

Trong khi đó, cộng đồng người Cơ tu, Đà Nẵng trình diễn cây Nêu “Lễ ăn trâu mừng lúa nước” quan niệm kết nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh. Là nơi để tạ ơn trời đất, dẫn lối cho tổ tiên, những người đã khuất về cõi vĩnh hằng.

Cộng đồng người Cơ tu ở Đà Nẵng hiện nay có khoảng 1.500 người, sống tại ba thôn: Tà Lang, Giàn Bí của xã Hoà Bắc và Phú Túc của xã Hoà Phú. Người Cơ tu Đà Nẵng là nhóm Cơ tu vùng thấp nên được gọi là Cơ tu nal. Khu vực sinh sống người Cơ tu ở xã Hoà Bắc nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi chúa và Vườn Quốc gia Bạch Mã; vùng người Cơ tu ở xã Hoà Phú sinh sống nằm về phía Nam của ngọn núi Bà Nà. Địa vực cư trú của đồng bào là những dải đất hẹp ven các con suối được hình thành từ những dãy núi cao. Nơi cộng đồng sinh sống có nhiều thác ghềnh kỳ ảo tuyệt đẹp, những cánh rừng nguyên sinh đa dạng rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế du lịch.

Trên mảnh đất Đà Nẵng, đồng bào Cơ Tu đã không ngừng sáng tạo, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của dân tộc mình. Người Cơ tu Đà Nẵng hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện trong tất cả các mặt đời sống xã hội như luật tục, tổ chức cộng đồng, hôn nhân - gia đình, nhà ở, đời sống văn nghệ, ẩm thực... Những năm gần đây, do ảnh hưởng của quá trình hội nhập và giao lưu, tiếp xúc diễn ra mạnh mẽ trên diện rộng nên văn hóa của người Cơ tu Đà Nẵng đã có những biến đổi khá rõ nét. Để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, cộng đồng người Cơ tu Đà Nẵng đã cùng với chính quyền không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển văn hóa thông qua các hoạt động phục dựng lễ hội, liên hoan văn hóa – thể thao và mở rộng giao lưu học hỏi để làm giàu vốn văn hóa của mình. Thông qua các hoạt động này, bản sắc của đồng bào được bảo tồn và phát triển. Từ đó, người Cơ tu Đà Nẵng được biết đến với tư cách là một cộng đồng góp phần làm đa dạng văn hóa của Đà Nẵng.

Trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Cơ Tu, cây Nêu như là một biểu tượng văn hóa và không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế. Hình thức sử dụng cây Nêu của người Cơ tu rất đa dạng: cây Nêu trong bản làng, cây Nêu trong gia đình, cây nêu lễ hội, cây Nêu trong tang ma. Cây Nêu có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần thế tục và tâm linh sâu xa, bởi theo quan niệm của người Cơ tu, cây Nêu là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh, là nơi dân làng dựng lên để tế lễ tạ ơn trời đất, là nơi dẫn lối cho tổ tiên, những người đã khuất được về với cõi vĩnh hằng, là lãnh địa bất khả xâm phạm quả tà ma và quỉ dữ; là nơi kết nối con người với con người, nhà này với nhà khác, làng này với làng khác, tạo nên một cộng đồng cùng chung sống đoàn kết, ấm no.

Trong đời sống tinh thần của người Cơ Tu, cây nêu như một biểu tượng văn hóa không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế. Bởi theo quan niệm của họ, cây nêu là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh.

Tiết mục “Lễ cúng sức khỏe” của dân tộc Ê Đê, tỉnh Đắk Lắk cũng thu hút sự tham dự đông đảo của người dân và du khách.

Cây Nêu là biểu tượng tâm linh, người Ê Đê gọi là Gơng drai, được trang trí đơn giản không cầu kỳ, họa tiết trang trí đơn giản vừa đủ để đáp ứng nhu cầu tâm linh và ước vọng trong cuộc sống của cá nhân và cả cộng đồng.

Nhìn biểu tượng và hoạ tiết trên cây Nêu người đến dự lễ có thể biết nội dung và ý nghĩa của nghi lễ đang thực hiện của từng nghi lễ tại ơn hoặc cầu an, cầu no đủ, cầu sức khoẻ cho gia đình hoặc cộng đồng…do người Ê đê thường tổ chức các nghi lễ trong nhà nên cây nêu bị giới hạn về chiều cao, thấp nhất nhưng vững nhất, so với cây cột lễ của các dân tộc bản địa Tây nguyên.

Hình tượng và hoạ tiết cây Nêu được chia thành 5 phần rõ ràng: đầu, cổ, ngực, bụng, chân. Mỗi phần đều mang một ý nghĩa, biểu tượng riêng như phần đầu biểu tượng như bông chuối rừng, ngầm ý cầu mong sự sinh sôi, con đàn, cháu đống; phần cổ: cầu mong sự an lành, mạnh khoẻ; phần ngực cầu no đủ, hạnh phúc; phần bụng: định kỳ tổ chức nghi lễ (khắc vòng quanh thân cây nêu 3, 5, 7 lần); phần chân: cầu mưa thuận gió hòa…

Dù có sự khác biệt không đáng kể về kích thước và hình dáng cây Nêu theo từng vùng và từng nhóm người của dân tộc Ê đê, nhưng có chung quan niệm về biểu tượng và cách trang trí cây Nêu theo quan niệm tín ngưỡng. Do vậy, cây Nêu không thể thiếu trong các nghi lễ của dân tộc Ê đê. Dù nó chỉ đơn giản là một thân cây atang hoặc cầu kỳ và uy nghi như thân hình của một vị thần, nhưng nó đều mang những thông điệp cầu xin và phù hộ cho cuộc sống an lành và sung túc của tất cả mọi người, mọi nhà và tất cả cộng đồng.

Ông Y Tum Ayũn (Buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) xúc động cho biết: “Năm nay tôi đã 81 tuổi rồi, cũng nhiều lần được trình diễn di sản cha ông để lại ở các nơi. Tôi mong sao con cháu luôn ghi nhớ, nối tiếp những gì mà đời trước để lại. Được ra Hà Nội trình diễn, tôi rất vui khi được thể hiện văn hóa của dân tộc mình. Chúng tôi cũng được gặp gỡ người dân tộc khác, được giao lưu và hiểu thêm về văn hóa của họ.”

 Tham gia Ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023,  đoàn nghệ nhân và diễn viên của Đắk Lawsk trình diễn nghi lễ Ngă yang asei mlei, có nghĩa là (Lễ cúng mừng sức khỏe) của dân tộc Ê đê. Lễ cúng gồm hai phần: phần thứ nhất cúng báo với ông bà tổ tiên; phần thứ hai Lễ cúng sức khoẻ. Bắt đầu vào lễ, dàn chiêng tấu bài Drông tuê, có nghĩa là (đón khách).

HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc