Hướng đi mới cho tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP

VHO - Du lịch nông thôn ở Nam Định với trọng tâm du lịch cộng đồng lấy giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của các vùng quê, cảnh quan sinh thái nông nghiệp để khai thác; tạo mối liên kết, bổ trợ cho các dòng sản phẩm du lịch khác, việc xây dựng các sản phẩm OCOP gắn liền với du lịch tỉnh Nam Định thực sự rất có thị trường, rất có tiềm năng.

Hướng đi mới cho tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP - Anh 1

Xác định Chương trình OCOP là một trong những chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng khai thác phát huy nội lực và gia tăng giá trị để tạo nguồn lực tại chỗ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 330 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, có 2 sản phẩm nghêu thịt hộp Lenger (Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam) và gạo sạch chất lượng cao 888 (Công ty TNHH Toản Xuân) được UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh rất đa dạng, phong phú, mang tính đặc trưng cho từng vùng miền, từ các loại thực phẩm, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ đến sản phẩm du lịch nông thôn.

Tại Hải Hậu các mô hình du lịch cộng đồng, mô hình nông thôn mới và mô hình văn hóa kiểu mẫu tiêu biểu, mô hình vườn mẫu sản xuất nông nghiệp sạch tại các xã Hải Châu, Hải Bắc, Hải Đông, Hải Thanh, Hải Xuân, Hải Tân, Hải Quang, Hải An đã được hình thành. Nhiều địa phương hình thành các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm đạt chất lượng và mang nét đặc trưng Hải Hậu... phục vụ khách du lịch như: Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại các xã Hải Minh, Hải Anh, Hải Trung; làng nghề kèn đồng tại Hải Minh; làng nghề cây cảnh nghệ thuật tại Hải Sơn, thị trấn Cồn, Hải Lý; làng nghề sản xuất bánh kẹo Đông Cường, thị trấn Yên Định. Đã hình thành các điểm du lịch gắn với văn hóa tâm linh tại các cơ sở thờ tự (đền, chùa, nhà thờ,...), nhất là tại các cơ sở đã được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh như: Cầu Ngói - Chùa Lương - Đền thờ Tứ Tổ, Chùa Phúc Hải, Đền Bảo Ninh, An Trạch; các nhà thờ xứ Quần Phương, Hưng Nghĩa, Xương Điền.

Hướng đi mới cho tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP - Anh 2

Ông Đỗ Quang Trung-  Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định chia sẻ: Loại hình du lịch nông thôn với nhiều ưu điểm về bảo vệ môi trường, tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân thông qua việc trao quyền cho cộng đồng, tăng cường sự tham gia của họ trong việc ra quyết định, chia sẻ lợi ích kinh tế từ du lịch cho nền kinh tế địa phương. Ngoài ra, việc hình thành các điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy còn góp phần tích cực trong việc khôi phục các nguồn lợi thủy sản, động thực vật đặc sản, bảo vệ phát triển rừng và môi trường bền vững, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, đại diện cho địa phương, tạo nét khác biệt với các sản phẩm du lịch khác của vùng. Tiêu biểu là các khu, điểm du lịch có sự tham gia của người dân tại các làng nghề: làng hoa cây cảnh Vị Khê, rối nước Hồng Quang (Nam Trực), Ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh), làng kèn đồng Phạm Pháo (Hải Hậu), làng nghề làm muối Bạch Long (Giao Thủy)… Hiện nay, các điểm du lịch cộng đồng Ecohost Hải Hậu, Khu du lịch sinh thái núi Ngăm, Bảo tàng Đồng quê, Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân đều có website riêng để cập nhật thông tin, quảng bá hình ảnh của điểm du lịch, nhiều hình thức giới thiệu sản phẩm được triển khai như bản đồ, tập gấp, tờ rơi, các trang facebook, zalo, tiktok… Các điểm du lịch cộng đồng bước đầu đã có sự liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường khách.Bên cạnh các sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng, Nam Định còn có các sản phẩm du lịch đang dần hình thành; trong đó các chương trình du lịch gắn với lễ hội đã dần đi vào nề nếp như: Hội chợ Viềng xuân, Lễ khai ấn Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy… đã tạo nên nét độc đáo của sản phẩm du lịch văn hoá ngày càng thu hút nhiều du khách. Các khu du lịch biển cũng nỗ lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giữ gìn cảnh quan môi trường, trở thành điểm du lịch biển được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến nghỉ mát, tắm biển.

Hướng đi mới cho tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP - Anh 3

Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Nam Định: Phần nhiều sản phẩm OCOP tại Nam Định do hộ kinh doanh cá thể ở các làng nghề hoặc do các hợp tác xã sản xuất ra. Các chủ thể OCOP này có điểm mạnh là làng nghề truyền thống hoặc bí quyết gia truyền nhưng có điểm yếu trong khâu phân phối, phát triển thương hiệu. Vì vậy, nhiều sản phẩm OCOP ra đời bằng kinh nghiệm và tâm huyết của người sản xuất nhưng chưa được nhiều du khách biết đến. Trong khi đó, công ty du lịch với đặc thù thường xuyên nắm bắt nhu cầu thay đổi từng ngày của du khách nên dễ dàng tìm ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhóm khách hàng của mình, thậm chí có thể định hướng nhu cầu của khách hàng theo chương trình tour. Với vai trò cầu nối giữa du khách và các sản phẩm OCOP, thời gian tới, Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tiến hành khảo sát, định hướng phát triển cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trở thành điểm đến du lịch. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và chủ thể OCOP.

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết: Thời gian tới, các địa phương cần rà soát, quy hoạch, định hướng, xây dựng kế hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng liên kết vùng. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chính sách xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khảo sát toàn diện thực trạng phát triển các mô hình du lịch nông thôn hiện có, xây dựng bản đồ du lịch với các tour, tuyến, điểm du lịch. Đồng thời xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù, độc đáo của các địa phương để hấp dẫn, lôi cuốn du khách đến tham quan, trải nghiệm, đặc biệt hướng đến đối tượng du khách có khả năng chi tiêu lớn. Sản phẩm OCOP, hoạt động du lịch còn nhiều dư địa để phát triển. Với hướng phát triển này trong thời gian tới sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

TÙNG LÂM

Ý kiến bạn đọc