Đặc sắc làn điệu dân ca dân tộc Thái ở Quỳnh Nhai

VHO - Huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) là vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét độc đáo riêng, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu. Dân tộc Thái ở Quỳnh Nhai có nhiều phong tục tập quán tốt đẹp đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Dac sac lan dieu dan ca dan toc Thai o Quynh Nhai - Anh 1

Lớp tập huấn có sự tham gia của 50 học viên và 4 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú là những người am hiểu về dân ca dân tộc Thái 

Ông Phạm Hồng Thu, Phó giám đốc Sở VHTTDL Sơn La cho biết, người Thái ở Quỳnh Nhai chiếm số lượng đông, cư trú lâu đời, ổn định, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Nói đến người Thái chúng ta không thể không nhắc đến các làn điệu dân ca dân tộc Thái với những nét đặc sắc riêng có. Nội dung của các làn điệu dân ca dân tộc Thái ý nghĩa giáo dục con người nhớ về cội nguồn dân tộc, quê hương mình, hàm chứa sâu sắc mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, anh em, tình yêu đôi lứa, trong lao động sản xuất.

Từ xa xưa, dân ca Thái đã trở thành một phần thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, gắn liền với tín ngưỡng, đời sống tâm linh và các hoạt động trong đời sống xã hội. Đó là hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến của đồng bào Thái, ra đời từ rất sớm và gắn bó với sự hình thành, phát triển của cộng đồng dân tộc Thái.

Các làn điệu dân ca dân tộc Thái mang đặc trưng riêng biệt của đồng bào Thái, thể hiện sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Thái, có tác dụng khích lệ, động viên tích cực đến đời sống tinh thần, quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng. Là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ sáng tác ở các mảng nghệ thuật: ca khúc, múa, thơ, văn, kịch ngắn, tấu nói phục vụ cuộc sống.

Dac sac lan dieu dan ca dan toc Thai o Quynh Nhai - Anh 2

Các nghệ nhân, học viên trong trang phục truyền thống dân tộc Thái 

Hiện nay, ở Quỳnh Nhai số người biết hát dân ca và thuộc các làn điệu dân ca Thái chủ yếu tập trung ở người lớn tuổi (từ 40 tuổi trở lên), thế hệ trẻ phần lớn không biết hát và không mặn mà với nghệ thuật truyền thống. Do đó, nguy cơ thất truyền, mai một của các làn điệu hát dân ca dân tộc Thái là rất lớn. Vì vậy, để bảo tồn gìn giữ và phát huy dân ca Thái cần phải có sự vào cuộc của các cấp các ngành với nhiều giải pháp khoa học phù hợp thì việc bảo tồn dân ca Thái mới thật sự có hiệu quả.

Những năm gần đây, một số nghệ nhân rất có ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn các làn điệu dân ca của dân tộc. Họ tự sưu tầm, ghi chép, dịch nghĩa các làn điệu dân ca dân tộc Thái và lưu giữ cẩn thận những cuốn sách cổ của dân tộc, coi đó là di sản văn hóa đặc trưng, độc đáo của dân tộc; một số nơi đã thành lập CLB hát dân ca Thái nhưng không nhiều.

Dac sac lan dieu dan ca dan toc Thai o Quynh Nhai - Anh 3

 Lớp tập huấn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái

Ông Phạm Hồng Thu cho biết thêm, để thực hiện có hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn Sơn La nói chung, huyện Quỳnh Nhai nói riêng, ngày 22.11, Sở VHTTDL Sơn La và UBND huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy dân ca của người Thái tại xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai. Với sự tham gia của 50 học viên và 4 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú là những người am hiểu về dân ca dân tộc Thái hướng dẫn, truyền dạy.

Tham gia lớp tập huấn các học viên sẽ được các nghệ nhân- chủ thể nắm giữ di sản, các chuyên gia phổ biến truyền dạy phương pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái gắn với các hoạt động văn hóa cơ sở, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái. Đổi mới tổ chức và nhân rộng các mô hình CLB dân ca truyền thống của dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch. Từ đó, phát huy vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy các làn điệu dân ca đặc sắc của dân tộc Thái huyện Quỳnh Nhai.

Các học viên được các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy cách thức thể hiện các làn điệu dân ca như: Hát Long té (khắp tản chụ siết xương); Hát Then (khắp then trong lễ hội); Hát Sao xiên (hát chúc mừng nhà mới, mừng tuổi, mừng đón con dâu ,con rể); Hát được mùa (khắp trong tăng gia sản xuất, nuôi trồng)...

Có thể nói, trong kho tàng âm nhạc dân gian Thái thì dân ca Thái có vai trò và vị trí hết sức quan trọng, từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người Thái ở Quỳnh Nhai. Dân ca dân tộc Thái đa dạng thể loại, cách diễn xướng phong phú, mỗi làn điệu là một sắc thái khác nhau, diễn tả trọn vẹn về cuộc sống, tình cảm, về hiện tại và những ước mơ với ca từ thiết tha, sâu lắng, đi vào lòng người.

Dac sac lan dieu dan ca dan toc Thai o Quynh Nhai - Anh 4

Học viên sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy cách thức thể hiện nhiều làn điệu dân ca Thái

Thời gian tới, Sở VHTTDL Sơn La, UBND huyện Quỳnh Nhai cần tăng cường tuyên truyền, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đồng bào dân tộc Thái cũng như khai thác hiệu quả mô hình CLB dân ca trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Thường xuyên tổ chức ngày hội, hội thi hội diễn văn nghệ quần chúng nhằm thu hút sự tham gia của những người yêu thích làn điệu hát dân ca Thái, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, qua đó phát hiện, bồi dưỡng trao truyền cho những nhân tố, hạt nhân văn hóa, văn nghệ là thế hệ trẻ nhằm gìn giữ lâu bền các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của cha ông.

VY OANH

Ý kiến bạn đọc