Phim kinh dị Việt: Mạo hiểm hay thời cơ?

VHO- Dòng phim kinh dị trong nước đã rơi vào thế khó chồng khó sau thất bại của hàng loạt dự án ra rạp bị lép vế so với “bom tấn” quốc tế. Dù được khẳng định, đây là mảnh đất màu mỡ được nhiều nhà sản xuất quan tâm, thế nhưng phía trước vẫn còn rất nhiều thách thức, và liệu các phim sắp ra mắt sẽ có thể xoay ngược tình thế để lội ngược dòng?

Phim kinh dị Việt: Mạo hiểm hay thời cơ? - Anh 1

Hình ảnh đám cưới chuột trong bộ phim “Kẻ ăn hồn”, dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào ngày 8.12 tới đây

Phong độ trồi sụt

Có thể thấy, so với những dòng phim khác, phim kinh dị “kén chọn” cả người xem lẫn người thực hiện. Vì vậy, đây được coi là mảng đề tài khó nhằn và chỉ dành cho những nhà sản xuất thích mạo hiểm. Nếu như trước đây, với sự kiểm duyệt gắt gao, nhiều đạo diễn “than trời” vì khó có thể đột phá hay mang đến những sáng tạo mới. Thì gần đây, quy định về kiểm duyệt đã cởi mở, nới lỏng hơn, các đạo diễn có thể thoải mái hơn trong sáng tạo, tưởng tượng để cho ra đời một bộ phim kinh dị đúng nghĩa. Cùng với đó, làm phim kinh dị cũng không quá tốn tài chính hay phức tạp về bối cảnh…; đặc biệt, phim rất “hút” khán giả bởi những tình huống chứa đựng “nút thắt” thót tim khó ai ngờ tới. Vì thế, phim kinh dị thực sự là mảnh đất màu mỡ của các nhà sản xuất trong nước lẫn quốc tế.

Tuy nhiên, thời gian qua, phim kinh dị Việt chỉ tăng lên về số lượng, còn chất lượng vẫn là “dấu chấm hỏi”. Nhìn chung, yếu tố chính khiến dòng phim này chưa cạnh tranh được với phim cùng đề tài trong khu vực và quốc tế là yếu về kịch bản, cách kể và tạo hình. Câu chuyện phim kém hấp dẫn, tay nghề còn quá “non” của một số đạo diễn, cùng với các yếu tố kỹ thuật như âm thanh, hình ảnh, hóa trang, kỹ xảo, bối cảnh… chưa được làm “tới nơi tới chốn” khiến cho không ít bộ phim thất bại “trong vòng một nốt nhạc”. Còn với truyền hình dài tập, thì các nhà làm phim kinh dị vẫn còn rụt rè chưa dám lấn sân.

Dù khó khăn là thế, nhưng phim kinh dị của điện ảnh nước nhà cũng đã có tín hiệu vui. Như bộ phim tâm lý, kinh dị Người lắng nghe, lời thì thầm (đạo diễn Khoa Nguyễn) đã chinh phục được một số giải thưởng quốc tế: 3 giải thưởng tại LHP quốc tế nghệ thuật châu Á - AFAIFF 2021, giải thưởng Bộ phim điện ảnh xuất sắc nhất tại LHP New York và các hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc Hình ảnh xuất sắc tại LHP London. Hay bộ phim truyền hình Trại hoa đỏ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Di Li, được chính thức phát sóng trên gần 200 nước qua nền tảng Netflix, không chỉ là niềm vui của đạo diễn Victor Vũ mà còn là niềm tự hào chung của phim Việt. Trại hoa đỏ là dự án dài tập hiếm hoi của phim Việt khai thác đề tài trinh thám, kinh dị, mang đậm tính quốc tế, được đầu tư chỉn chu, mang đến cho người xem những giây phút hồi hộp bởi những tình huống gay cấn, ngạt thở.

Trước đó, thị trường điện ảnh nội địa cũng từng có một số phim kinh dị thu hút khán giả và đạt được doanh thu cao như: Quả tim máu, Lật mặt: Nhà có khách, Thất Sơn tâm linh, Bắc kim thang… Và tới đây, chúng ta vẫn còn nhiều phim thể loại kinh dị, giật gân đang chờ ra rạp như: Người mặt trời (đạo diễn Timothy Linh Bùi), Móng vuốt (đạo diễn Lê Thanh Sơn)… Điều này cho thấy, các nhà làm phim nước nhà vẫn đang ấp ủ, nuôi hy vọng với dòng phim khó nhằn này.

Góp gió thành bão

Trước tình trạng phim kinh dị Việt có dấu hiệu “đuối sức” thì đạo diễn Trần Hữu Tấn đã nhen nhóm lên ngọn lửa hy vọng thêm một lần nữa: Sau nhiều tuần ra mắt, Tết ở làng Địa Ngục của anh vẫn giữ phong độ và trụ vững ở top 1 phim được xem nhiều nhất trên nền tảng trực tuyến. Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên từng gây sốt trong năm 2022 của nhà văn Thảo Trang. 12 tập phim sẽ chinh phục khán giả nhờ chất liệu kinh dị được lấy cảm hứng từ văn hóa tâm linh đã quen thuộc với người Việt. Trong đó, 5 vụ án kinh dị truyền tải quan niệm “gieo nhân nào gặp quả nấy” với màu sắc kinh dị tới cực điểm. Bên cạnh việc sử dụng chất liệu tâm linh thông qua những truyền thuyết quen thuộc với người Việt, Tết ở làng Địa Ngục còn ghi điểm về mặt bối cảnh, hóa trang cũng như diễn xuất. Chính sự tương quan giữa bối cảnh và truyện phim càng góp phần củng cố chất ly kỳ, rùng rợn đặc biệt của series kinh dị dài tập này qua cảnh núi rừng Đông Bắc âm u, hùng vĩ.

Và ngay khi những tập phim kinh dị cổ trang Tết ở làng Địa Ngục đang “hot”, thì bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân cũng công bố những hình ảnh tà mị của phim điện ảnh Kẻ ăn hồn, dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 8.12 tới đây. Kẻ ăn hồn là tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang, cũng nằm trong “vũ trụ” Làng Địa Ngục. Vì vậy, ngoài hình ảnh đám cưới chuột, khán giả còn được chiêu đãi thị giác những hình tượng đậm văn hóa Việt như rối nước, thủy đình, bài vè... Cùng với đó, những chi tiết vốn là biểu tượng được yêu thích trong series Tết ở làng Địa Ngục như bà Vạn lái đò chở vong hồn, mồ hôi máu, đom đóm câu hồn… cũng sẽ tái hiện trên màn ảnh rộng với trải nghiệm điện ảnh. Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: “Với tôi, dù là làm phim kinh dị, vẫn phải thể hiện tình yêu văn hóa và tôn vinh văn hóa trong tác phẩm. Ở Kẻ ăn hồn, tôi gửi gắm sự biết ơn và tình yêu dành cho văn hóa bản địa qua phục trang của phim. Đề bài tôi đặt ra cho ê kíp của mình chính là làm mọi thứ phải thuần Việt nhất trong khả năng. Vì vậy, các bộ áo đều dựa trên nền Việt phục”. Nam đạo diễn cũng hy vọng, qua loạt hình tượng dân gian độc đáo, Kẻ ăn hồn sẽ mang đến một “vị phim” văn hóa linh dị, mới lạ tại phòng vé tháng 12 này.

Có thể thấy, phim kinh dị Việt đang tăng nhanh về số lượng lẫn chất lượng, nhưng để có thành công về doanh thu thì chỉ những tác phẩm khai thác chất liệu dân gian, kịch bản tốt, thể hiện đúng và dễ hiểu mới có thể làm nên chuyện. Cùng với đó, sự cộng hưởng từ nhu cầu thưởng thức và tinh thần cầu tiến của các nhà phim cũng sẽ là điểm sáng giúp cho phim kinh dị “made in Vietnam” được nâng tầm trong tương lai. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc