Nhân lên giá trị văn hóa truyền thống

VHO- Xu hướng du lịch gắn với tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa bản địa đang ngày càng hấp dẫn du khách. Nắm bắt xu hướng này, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch để tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Nhân lên giá trị văn hóa truyền thống - Anh 1

 Lớp tập huấn có sự tham gia của hơn 40 học viên

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương của tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm tới việc khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Ninh Thuận về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục xác định quan điểm chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm tạo ra các sản phẩm mới lạ, khác biệt, mang nét đặc trưng riêng của tỉnh.

Để khai thác và phát triển bền vững loại hình du lịch văn hóa, tỉnh Ninh Thuận tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại khu du lịch trọng điểm. Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với giá trị lịch sử, văn hóa các dân tộc theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, có tính dài hạn và cạnh tranh cao. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực, ý tưởng từ tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế tham gia đầu tư dự án phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng; tăng cường tổ chức nhiều đoàn khảo sát với sự tham gia của đơn vị lữ hành nhằm giúp địa phương xây dựng sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, đó là mới đây Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bác Ái phối hợp với xã Phước Tiến tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy về bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể cho hơn 40 học viên là đối tượng được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy về bảo tồn các loại hình nhạc cụ truyền thống, về tập quán xã hội (luật tục, hương ước, quy ước cộng đồng, dân tộc Raglai). Đây là hoạt động thực hiện kế hoạch của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bác Ái nhằm triển khai thực hiện Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

Nhân lên giá trị văn hóa truyền thống - Anh 2

 Phục dựng “Lễ báo hiếu” của đồng bào dân tộc Raglai

Lớp tập huấn nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Phát huy vai trò cộng đồng, xã hội hóa trong công tác quản lý, bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa dân gian, của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển các loại hình du lịch. Đối tượng thụ hưởng là các nghệ nhân, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư, các điểm đến du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cán bộ, công chức làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch và các lĩnh vực có liên quan ở cơ sở; các đơn vị, hộ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại địa phương.

Thông qua lớp tập huấn, các học viên được truyền dạy phương pháp, kỹ năng bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian, sử dụng biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc Raglai, bảo tồn lễ hội truyền thống dân tộc Raglai, cơ chế hỗ trợ kinh phí cho nghệ nhân ưu tú, người dân tộc thiểu số truyền dạy văn hóa phi vật thể. Dàn dựng và biểu diễn các chương trình văn nghệ dân gian phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa, xã hội, ngày lễ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân. Giới thiệu nét đẹp văn hóa đặc sắc của gia đình, thôn, làng xã trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi; giới thiệu các kỹ năng, phương pháp bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số và miền núi; các mô hình phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm du lịch vùng dân tộc thiểu số.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới huyện Bác Ái sẽ tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm của địa phương, xác định cụ thể không gian quy hoạch, vị trí, địa điểm, quy mô từng dự án làm cơ sở thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tập trung xây dựng, hình thành 3 nhóm sản phẩm chính đó là: Phát triển các loại sản phẩm trải nghiệm trong hệ sinh thái thiên nhiên; phát triển du lịch văn hóa cộng đồng tại các xã có thế mạnh, dựa trên cơ sở hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là những sản phẩm đặc trưng của dân tộc Raglai (lễ hội, dân ca, dân vũ, ẩm thực, rượu cần, trái cây, nhà sàn lưu trú...) gắn với khai thác các giá trị di tích lịch sử; phát triển du lịch nông nghiệp. Tập trung huy động, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề, các giá trị văn hóa phi vật thể. Tăng cường nguồn nhân lực du lịch, kết hợp sử dụng nguồn lực ngân sách của huyện và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. 

 HƯƠNG LAN

Ý kiến bạn đọc