Nước rút đến đâu, khắc phục ngay để đón du khách

VHO- Hôm qua 16.11, công tác khắc phục, dọn dẹp vệ sinh sau trận mưa lũ đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai từ sáng sớm, song song với đó hoạt động đón khách tham quan đã mở cửa trở lại. Nhiều cơ sở lưu trú, các điểm dịch vụ tại Huế còn ảnh hưởng bởi ngập lụt, chính quyền địa phương và ngành du lịch cũng lưu ý yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

Nước rút đến đâu, khắc phục ngay để đón du khách - Anh 1

 Khu vực Hoàng thành bị ngập sâu trong trận mưa lũ vừa qua

Đợt mưa lũ lớn từ tối 14.11 đến nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã gây ngập lụt trên diện rộng, mực nước sông Hương và sông Bồ đều vượt báo động 3, trong đó lũ trên sông Hương cao hơn đỉnh lũ lớn của tháng 10.2020.

Nhiều điểm di tích, điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú và dịch vụ cũng bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Công tác phòng chống, khắc phục, dọn dẹp tại các điểm di tích và đảm bảo an toàn cho du khách được ngành văn hóa, du lịch triển khai từ sớm. Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đợt lũ lớn đã làm ngập lụt nhiều điểm di tích ở khu vực Kinh thành Huế và lân cận, như di tích Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu bị ngập sâu hơn 1m; khuôn viên di tích Tam Tòa (hiện là trụ sở của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), các di tích trong khu di sản Hoàng thành Huế bị ngập khoảng 0,4m. Tuy nhiên, các công trình di tích bên trong Đại Nội có nền móng cao và kiên cố nên không bị ảnh hưởng đến kết cấu.

Nước rút đến đâu, khắc phục ngay để đón du khách - Anh 2

Nước rút đến đâu, khắc phục ngay để đón du khách - Anh 3

 Sáng sớm 16.11, cán bộ, nhân viên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dọn dẹp vệ sinh trước cổng Ngọ Môn

Ngay sau khi nước sông Hương rút dần, từ 5h sáng qua 16.11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã huy động lực lượng của các đơn vị tập trung khắc phục, dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo cảnh quan môi trường. Những điểm di tích chính, các lối đi chính bên trong Đại Nội Huế được khẩn trương dọn dẹp sạch sẽ, đảm bảo đón khách trở lại. Các khu vực khác, lực lượng của Trung tâm tiếp tục công tác khắc phục, dọn bùn, dự kiến đến chiều cùng ngày sẽ hoàn thành. Ngoài khu vực ở Kinh thành Huế ở hạ lưu sông Hương, khu vực di tích lăng Minh Mạng ở khu vực thượng nguồn (đoạn qua xã Hương Thọ, TP Huế) cũng bị ngập lụt. Do nằm ven sông nên lượng bùn non rất lớn, Trung tâm đã cắt cử một đội cán bộ, nhân viên túc trực, nước rút đến đâu là dọn đến đó để dễ vệ sinh, đảm bảo cảnh quan.

 Sau khi nước rút, chúng tôi ngay lập tức tập trung nhân lực khắc phục dọn dẹp vệ sinh môi trường, cảnh quan. Rất may, các điểm sạt lở ở khu vực điện Hòn Chén vừa được khắc phục tạm thời trước đó không bị ảnh hưởng trong đợt mưa lớn lần này. Lo lắng nhất là các cơn bão, dù các công trình di tích đã được giằng chống an toàn nhưng vẫn lo sợ, vì phần lớn các cấu kiện làm bằng gỗ.

(Ông LÊ CÔNG SƠN, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)

Theo ông Lê Công Sơn, Trung tâm đã có các phương án ứng phó với mưa bão, lũ lụt hằng năm nên công tác chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Các điểm di tích đều có cán bộ trực và kịp thời báo cáo, xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra. Trước đợt lũ lớn này, Trung tâm đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, các điểm di tích kê cao đồ đạc, đặc biệt là các điểm di tích có trưng bày hiện vật, cổ vật. “Sau khi nước rút, chúng tôi ngay lập tức tập trung nhân lực khắc phục dọn dẹp vệ sinh môi trường, cảnh quan. Rất may, các điểm sạt lở ở khu vực điện Hòn Chén vừa được khắc phục tạm thời trước đó không bị ảnh hưởng trong đợt mưa lớn lần này. Lo lắng nhất là các cơn bão, dù các công trình di tích đã được giằng chống an toàn nhưng vẫn lo sợ, vì phần lớn các cấu kiện làm bằng gỗ”, ông Lê Công Sơn thông tin. 

 Chủ động hỗ trợ du khách

Nước rút đến đâu, khắc phục ngay để đón du khách - Anh 4

 Du khách tham quan Đại Nội Huế ngày 16.11

Thống kê của ngành du lịch, trong 2 ngày 15-16.11 có khoảng 10.000 khách du lịch lưu trú tại Huế, trong đó khách quốc tế khoảng 5.600. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khi có thông tin dự báo mưa lớn, Sở đã yêu cầu các cơ sở lưu trú chuẩn bị lương thực đủ cho 2-3 ngày với số lượng khách hiện có. Đồng thời, nhắc nhở để du khách không di chuyển đến các khu vực ngập lụt đảm bảo an toàn. Những khách sạn cao tầng thì không đáng ngại, nhưng các cơ sở homestay luôn sợ ngập lụt nên đơn vị đã kết nối với chính quyền địa phương cơ sở để hỗ trợ những vấn đề cần thiết.

“Một số đoàn khách cần đến sân bay trong khi nước ngập, chúng tôi đã nhờ lực lượng Công an, giao thông để di chuyển bằng thuyền theo từng đoạn đường và phải sử dụng xe tải về sân bay để tránh ngập lụt. Nhiều trường hợp du khách được hàng không hỗ trợ để dời chuyến bay muộn hơn. Sở cũng sớm thông tin đến các đơn vị lữ hành ở 2 đầu đất nước về tình hình lũ lụt ở Huế để các đơn vị điều chỉnh lịch trình tham quan Đà Nẵng, Hội An xong mới ra Huế”, ông Nguyễn Văn Phúc nói.

Dù mực nước sông Hương đang xuống chậm, nhưng dự báo đêm 16.11 và ngày 17.11 sẽ có mưa lớn, nguy cơ lũ chồng lũ, ngành du lịch tiếp tục có chỉ đạo các cơ sở lưu trú, lữ hành, kinh doanh dịch vụ có những phương án ứng phó, đảm bảo an toàn. Đồng thời thông báo, những trường hợp du khách cần sự hỗ trợ sẽ liên hệ trực tiếp tổng đài của tỉnh 19001075.

 Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện số 1095/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ. Theo đó, yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, tập trung một số nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân: Tiếp tục chỉ đạo, huy động lực lượng tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, chủ động sơ tán, di dời ngay người và phương tiện (bao gồm cả các hộ dân và các cơ quan, đơn vị) ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét. Triển khai lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.

Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, quyết định việc cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt. Phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, hạn chế tối đa thiệt hại. Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm đối với các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là những hộ dân buộc phải sơ tán do ngập lụt, sạt lở, các hộ dân ở khu vực bị ngập sâu chia cắt, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở. Kịp thời tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để hỗ trợ người dân sơ tán và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống.

Chỉ đạo công tác khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, vệ sinh môi trường, khôi phục các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, học tập của học sinh ngay sau khi lũ rút… P.V

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc