Thêm nguồn lực và điều kiện cần thiết cho báo chí phát triển

VHO - Sáng nay 16.11 tại thành phố Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị Tổng kết 17 năm Giải Báo chí quốc gia và tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2023 - 2024.

Thêm nguồn lực và điều kiện cần thiết cho báo chí phát triển - Anh 1

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại Hội nghị

Dự Hội nghị có Ủy viên BCH TƯ Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng; lãnh đạo Ban, ngành TƯ.

Về phía tỉnh Hòa Bình có Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Ngọc Kiên; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Chương.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; 20 Liên chi hội và 100 Chi hội nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Hội Nhà báo Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tại Chiến khu Việt Bắc  vào ngày 21.4.1950, đến nay đã có 73 năm trưởng thành và phát triển. Trải qua 11 kỳ Đại hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự quản lý và quan tâm của Nhà nước, tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với gần 25.000 hội viên - nhà báo sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội và 218 Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam đã thực sự trở thành “ngôi nhà chung” tập hợp, đoàn kết rộng rãi những người làm báo cả nước, tạo môi trường sinh hoạt nghề nghiệp bổ ích, thiết thực cho các cấp Hội, thúc đẩy phong trào nghiệp vụ, gìn giữ ngọn lửa say nghề, phát huy tinh thần cống hiến của hội viên, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh kịp thời những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng nền báo chí giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân...

Thêm nguồn lực và điều kiện cần thiết cho báo chí phát triển - Anh 2

Các đại biểu dự Hội nghị

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các đại biểu dự Hội nghị quan tâm các nội dung: thứ nhất, là tập trung đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của Giải; thứ hai, là về phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương; thứ ba, là đóng góp của Chương trình đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương; thứ tư, là về việc tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác; thứ năm, là về các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm; thủ tục ký hợp đồng, thanh quyết toán và các vấn đề tài chính – kế toán.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, phát biểu chào mừng Hội nghị, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí và các hoạt động thiết thực của Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội, cơ quan báo chí góp phần nâng cao hiệu quả định hướng, tuyên truyền thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, xây dựng "Nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và Nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng”. Xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng về trình độ nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Giới thiệu một số nét nổi bật về vùng đất, con người và tình hình phát triển KT-XH của tỉnh Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các nhà báo, cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành tuyên truyền phản ánh tiềm năng, lợi thế, mảnh đất con người Hòa Bình để góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.

Thêm nguồn lực và điều kiện cần thiết cho báo chí phát triển - Anh 3

Toạ đàm tại Hội nghị

Báo cáo Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 558 ngày 8.4.2021 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị cho biết, Chương trình thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đối với sự nghiệp đổi mới báo chí cả nước nói chung, đối với hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao của các cấp Hội nói riêng. Triển khai Chương trình, báo chí cả nước có thêm nguồn lực và thu được nhiều kết quả tốt đẹp, tạo diện mạo mới cho báo chí nước ta trong thời kì hội nhập, đổi mới, phát triển. Các tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022 đã ưu tiên tập trung vào các đề tài lớn quy định tại Quyết định 558. Để hỗ trợ thực hiện, hằng năm Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể; đồng thời thành lập Hội đồng xét duyệt, nghiệm thu để xét duyệt, phân bổ kinh phí hỗ trợ và định mức tác phẩm.

Để đảm bảo thực hiện tốt Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định 558, hằng năm Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản hướng dẫn thực hiện gửi các cấp Hội cùng với định mức số lượng tác phẩm đặt hàng theo mức kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ.  Năm 2023, ngân sách nhà nước đã cấp kinh phí hỗ trợ báo chí chất lượng cao. Về kinh phí hỗ trợ năm 2024, ngày 19.9.2023, Bộ Tài chính có Công văn số 10037 về dự kiến kinh phí thực hiện Chương trình theo Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó có nội dung đáng chú ý là "Bộ Tài chính chưa có cơ sở để thông báo dự kiến kinh phí thực hiện Chương trình năm 2024". Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục: thứ nhất, nguồn hỗ trợ tuy đã được điều chỉnh tăng (khoảng 1,5-1,6 lần so với giai đoạn trước, tùy từng đơn vị) và là điều kiện cơ bản để Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam quyết định tăng số lượng Chi hội Nhà báo vào diện được hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, nhìn chung kinh phí hỗ trợ vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cần hỗ trợ của các đơn vị. Công tác hỗ trợ chưa được triển khai đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, chưa có sự thống nhất trong cả nước. Thứ hai, mức hỗ trợ bình quân cho một tác phẩm rất thấp, do nguồn kinh phí hỗ trợ thấp, số đơn vị cần hỗ trợ lại nhiều nên Hội đồng thẩm định và xét duyệt Trung ương Hội phải chia đều cho các đơn vị, các đơn vị cấp Hội lại phải chia đều cho hội viên theo mức bình quân. Thứ ba, thiếu kinh phí cho việc bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao và phổ biến tác phẩm. Thứ tư, mục tiêu, phương thức hỗ trợ chưa có sự thống nhất giữa các đơn vị, chưa phù hợp với sự chuyển đổi nền kinh tế của đất nước.

Thêm nguồn lực và điều kiện cần thiết cho báo chí phát triển - Anh 4

Các đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề “Báo chí khu vực phía Bắc tác phẩm chất lượng cao với chủ đề dân tộc và miền núi” do Bảo tàng báo chí Việt Nam thực hiện

Thứ năm, để triển khai Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới", và thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, các cấp Hội Nhà báo và người làm báo trong cả nước rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh mức kinh phí hỗ trợ để có thêm nguồn kinh phí tiếp cận với phương thức tác nghiệp hiện đại và có thêm nguồn động viên khi “dấn thân” tác nghiệp trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Chương trình hỗ trợ hoạt động báo chí theo Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ giúp hội viên Hội Nhà báo Việt Nam có thêm điều kiện cần thiết để tiếp tục đi đầu đảm đương thông tin những sự kiện lớn, quan trọng tác động tích cực đến đời sống xã hội.

Các tham luận của tại Hội nghị đã tập trung thảo luận với các vấn đề như: Phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng Bộ, chính quyền địa phương; Tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cáo tham gia Gaiir, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác; Các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm; Đóng góp của chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Nhân dịp này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề: Báo chí khu vực phía Bắc tác phẩm chất lượng cao với chủ đề dân tộc và miền núi.

THANH BÌNH

Ý kiến bạn đọc