Để phục hồi và phát triển ngành du lịch: Cần tư duy theo hướng bền vững

VHO- Hội thảo Đào tạo cấp quản lý về chính sách và chiến lược du lịch lần thứ 17 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 13-16.11 do UNWTO và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) tổ chức. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt tham dự và có bài phát biểu tại Lễ khai mạc.

Để phục hồi và phát triển ngành du lịch: Cần tư duy theo hướng bền vững - Anh 1

 Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp

Quan tâm hơn đến tăng trưởng xanh

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhận định, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trên bình diện toàn cầu đã khiến cả thế giới nhận ra vai trò và tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống con người. Giờ đây, chính du lịch đang góp phần tích cực nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Theo báo cáo của Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới tại Đại hội đồng lần thứ 25 vừa qua, khách du lịch quốc tế trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 700 triệu lượt, phục hồi được 84% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả phục hồi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chậm hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Điều này đặt ra thách thức chung cho khu vực, cũng như mang đến nhiều cơ hội nếu như biết cách nắm bắt.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng để phục hồi và phát triển ngành Du lịch trong giai đoạn mới này, cần nhìn nhận và tư duy lại về du lịch theo hướng bền vững và tự cường, quan tâm hơn đến tăng trưởng xanh và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý và xúc tiến điểm đến. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò thiết yếu của nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực du lịch - Giải quyết những thách thức sau Covid-19”, hội thảo lần này thực sự rất nhạy bén, đặt ưu tiên giải quyết một trong những khó khăn lớn nhất của ngành sau đại dịch, đó là đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng đội ngũ lao động du lịch.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt kỳ vọng hội thảo lần này sẽ có nhiều đề xuất giải pháp hữu ích, hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoạch định các chính sách, chương trình, chiến lược phù hợp. Từ đó, đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ lao động chất lượng, có khả năng thích ứng cao và bền bỉ, sẵn sàng ứng phó trước khủng hoảng cũng như góp phần chung tay đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển ngành Du lịch châu Á - Thái Bình Dương mạnh mẽ và tự cường hơn.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đồng quan điểm rằng tình trạng thiếu nhân lực vẫn là một vấn đề nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp du lịch khi họ phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu đi lại cao, ông Harry Hwang, Giám đốc điều hành Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNWTO, Hội đồng chuyên gia của UNWTO nêu ví dụ cụ thể từ trường hợp của châu Á - Thái Bình Dương, sau khi một số thị trường nguồn và điểm đến trong khu vực mở cửa trở lại gần đây, đặc biệt là từ Trung Quốc. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch càng trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế là đại dịch đã khiến các doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa và sa thải hàng loạt nhân viên, dẫn đến việc người lao động phải sang các lĩnh vực kinh doanh khác.

Giám đốc điều hành Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNWTO tin tưởng rằng, hội thảo sẽ có những thảo luận, chia sẻ suy nghĩ, kinh nghiệm rất hấp dẫn và thú vị cùng với chuyên gia tư vấn chính của UNWTO cũng như nhiều diễn giả và chuyên gia khác đến từ giới học thuật, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong việc giải quyết những thách thức về lao động mà ngành Du lịch đang phải đối mặt trong thời điểm hậu đại dịch.

Theo báo cáo về tình hình du lịch của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), trong năm 2023 ngành Du lịch và lữ hành toàn cầu đã phục hồi hơn 95% so với năm 2019, đây cũng là năm hoạt động du lịch và lữ hành toàn cầu đạt mức tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên dự báo thời gian tới, ngành Du lịch sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong đó có khó khăn lớn về phục hồi và phát triển nguồn nhân lực. Tại thành phố Đà Nẵng, khó khăn nhất hiện nay là khan hiếm nguồn cung nhân lực chất lượng cao, đặc biệt tại các cấp quản lý điểm đến, quản lý về chính sách, quản lý điều hành, trưởng và nhân viên các bộ phận dịch vụ có tay nghề kinh nghiệm, chuyên gia tư vấn xây dựng chiến lược phát triển du lịch…

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố Đà Nẵng được định vị là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn và là cửa ngõ quốc tế của miền Trung, Việt Nam. Đến nay với hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch hoàn chỉnh, sản phẩm du lịch da dạng và đặc sắc cùng đội ngũ nguồn nhân lực cơ bản, Đà Nẵng đã và đang khẳng định thương hiệu là điểm đến được yêu thích trên bản đồ du lịch thế giới với nhiều giải thưởng, danh hiệu do các tổ chức, tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. “Thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ UNWTO, các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức thêm nhiều sự kiện ý nghĩa giúp các điểm đến nâng cao năng lực phục vụ, đổi mới, sáng tạo, chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả trong quản lý, kinh doanh, và phát triển du lịch bền vững”, ông Trần Chí Cường khẳng định.

Hội thảo Đào tạo cấp quản lý về Chính sách và Chiến lược Du lịch lần thứ 17 của UNWTO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là sự kiện thường niên nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực cho các nước thành viên. Hội thảo lần này với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực du lịch - Giải quyết những thách thức sau Covid-19” diễn ra từ ngày 13-16.11, gồm Phiên khai mạc, Diễn đàn UNWTO về Phát triển nguồn nhân lực trong ngành Du lịch và bốn phiên thảo luận chuyên đề, bao gồm các bài phát biểu chính, phần hỏi đáp, thảo luận, trình bày và tham luận của các quốc gia thành viên. 

 

 TỐ LINH - BẢO AN

Ý kiến bạn đọc