Đẩy mạnh truyền thông chính sách ở vùng dân tộc thiểu số

VHO- Trong những năm qua, nhiều chính sách lớn về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được ban hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Ngày 14.10.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1719-QĐ/TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, bao gồm 10 dự án thành phần. Chính sách đã có, nhưng để các chính sách này đến được với đồng bào, đi vào đời sống, mang lại hiệu quả như mục tiêu đặt ra, vai trò của công tác tuyên truyền là rất quan trọng và không thể thiếu.

Đẩy mạnh truyền thông chính sách ở vùng dân tộc thiểu số - Anh 1

 Đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiếp nhận các chủ trương, chính sách thông qua kết nối Internet (ảnh tư liệu)

Trên thực tế, hệ thống truyền thông trực tiếp ở cơ sở đang dần được củng cố và phát triển. Ở hầu hết các thôn, bản xa xôi, mạng điện thoại đã được tăng cường, loa truyền thanh, nhà văn hóa thôn, bản, ấp là nơi cung cấp thông tin thường xuyên, thiết thực cho đồng bào. Hoạt động tuyên truyền miệng được đề cao thông qua già làng, trưởng bản, người uy tín, đội ngũ báo cáo viên, bộ đội biên phòng, giáo viên, cán bộ y tế. Việc treo nhiều panô, áp phích, phát băng đĩa, tờ rơi... đã góp phần thông tin, giải thích, hướng dẫn đồng bào thực hiện pháp luật, chính sách mới, xây dựng lối sống văn hóa, bảo vệ môi trường, khuyến học, bảo vệ an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành VHTTDL, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thanh Sơn cho biết, việc truyền thông chính sách tại địa bàn cơ sở vừa có tầm quan trọng vừa có những yêu cầu mang tính cối lõi là truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, dễ đi vào lòng dân, từ đó người dân biết, tham gia và tự giác thực hiện. Đối với những người làm công tác truyền thông chính sách, cần lưu ý tới chủ thể, đối tượng chịu sự tác động của các chính sách tại địa bàn, cụ thể đối với vùng DTTS thì chủ thể, đối tượng quan trọng là người có uy tín, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, thầy cúng, đối với địa bàn có tôn giáo mà chủ thể đối tượng chịu sự tác động của chính sách ở cơ sở là các tín đồ như nhà tu hành, chức sắc, chức việc. Song song với những đối tượng này thì nhân lực phối hợp truyền thông có thể là trưởng thôn, trưởng bản, các đoàn thể chính trị xã hội tại địa bàn dân cư, các hội hiếu học, dòng họ...

Có rất nhiều giải pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác truyền thông cho đồng bào DTTS như: Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng tham gia làm công tác tuyên truyền, nhất là đội ngũ cán bộ thôn, bản, những người có uy tín, đội ngũ biên tập viên, phát thanh viên của đài truyền thanh xã; Tăng cường nội dung tuyên truyền bằng tiếng dân tộc; Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên là người dân tộc thiểu số ở cơ sở; Kết hợp tốt các hình thức tuyên truyền, tăng cường tuyên truyền, vận động trực tiếp; Chế độ đãi ngộ xứng đáng cho người làm công tác tuyên truyền; Bảo đảm cơ sở vật chất, tài chính phục vụ cho hoạt động tuyên truyền...

Truyền thông chính sách đối với đồng bào DTTS là vô cùng cần thiết, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đồng thời giúp người DTTS nhận thức sâu sắc hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quá trình đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế.

HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc