Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở Yên Bái là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

VHO - Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vừa được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian.

Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở Yên Bái là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Anh 1

Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải là di sản văn hóa quý giá của người Mông ở Yên Bái. Ảnh: T.L

Theo Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ngày 10.11 về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian. 

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống là di sản đã tồn tại và phát triển trong suốt quá trình lịch sử tộc người, khẳng định được vai trò và sức sống của mình trong đời sống quá khứ và đương đại. Với chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo, màu sắc và chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên, Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải là bản sắc, là tâm hồn, là niềm tự hào của người Mông nơi vùng cao tỉnh Yên Bái.

Theo truyền thống văn hóa của người Mông thì hầu hết nữ giới từ khi còn là thiếu niên đều học vẽ hoa văn trên vải, khi đến đến tuổi trưởng thành đều có khả năng sử dụng thuần thục nghệ thuật này, trước tiên là phục vụ nhu cầu y phục của chính bản thân, gia đình và hôn lễ cá nhân, sau đó là tạo các vật dụng để biếu, tặng, trao đổi. Hoa văn được tạo ra từ nghệ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải của người Mông là sản phẩm của lao động thủ công, đồng thời mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan, vũ trụ quan của tộc người. Đây là một hệ thống tri thức dân gian góp phần tạo nên sản phẩm vật chất đặc trưng, là tín hiệu quan trọng bậc nhất để nhận biết về tộc người cũng như các nhóm địa phương tộc người đầu tiên của đồng bào Mông.

Việc Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không chỉ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông ở các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái mà còn giúp đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm trong thời gian tới.

Q.VY

Ý kiến bạn đọc