Việt Nam cam kết cùng ASEAN phục hồi du lịch
VHO - Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN lần thứ 29 diễn ra tại thành phố Luang Prabang (Lào), Hội nghị Bộ trưởng Du lịch và Giao thông vận tải ASEAN vừa được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan du lịch và giao thông vận tải các nước thành viên ASEAN. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cùng nhóm công tác đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch và Giao thông vận tải ASEAN diễn ra từ sự thống nhất của các Bộ trưởng Du lịch ASEAN về tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ với ngành Giao thông vận tải tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 26 diễn ra vào ngày 4.2.2023 tại Yogyakarta, Indonesia.
Khách du lịch bằng đường hàng không, đường biển đang tăng trở lại
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các nội dung, gồm: Các lĩnh vực hợp tác có thể thực hiện bao gồm các giải pháp cải thiện khả năng tiếp cận các điểm đến ưu tiên nhằm khuyến khích hoạt động du lịch trong nội khối ASEAN; giải pháp để giao thông vận tải và du lịch có thể hỗ trợ tạo thuận lợi cho việc đi lại; mở rộng quy mô phối hợp và hợp tác liên ngành thông qua việc thành lập Nhóm công tác đặc biệt bao gồm các đại diện được chỉ định từ các Cơ quan Du lịch Quốc gia (NTO) ASEAN và Hội nghị quan chức cấp cao Giao thông vận tải (STOM) ASEAN.
Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành Du lịch toàn cầu, khiến hàng triệu việc làm gặp nguy hiểm và hàng chục nghìn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đứng trước bờ vực phá sản và kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Do đó, phục hồi ngành Du lịch là điều bắt buộc trong chiến lược phục hồi kinh tế của ASEAN, nhất là khi du lịch có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế với 14,3% GDP của khu vực và 13,7% tổng số việc làm trong khu vực. Hiện nay, khi cuộc khủng hoảng đại dịch đã tương đối được kiểm soát, du lịch đang chứng tỏ là một thành phần quan trọng không chỉ đối với sự phục hồi kinh tế của khu vực mà còn đối với sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai của khu vực. Dựa trên số liệu sơ bộ của năm 2022, doanh thu du lịch của ASEAN tăng 1.706% so với cùng kỳ năm ngoái. ASEAN cũng ghi nhận lượng khách quốc tế tăng 1.223% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ việc nới lỏng các hạn chế đi lại của các quốc gia thành viên ASEAN. Tỉ lệ lấp đầy khách sạn cũng tăng đáng kể so với năm 2021.
Đã có sự thay đổi đáng kể từ sau khi các Chính phủ trên thế giới bắt đầu nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19. Hoạt động du lịch tiếp tục được nối lại cùng với sự phục hồi kinh tế của các nước ASEAN đã tạo ra nhu cầu du lịch mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất vẫn là đối phó với các vấn đề về năng lực đón khách của điểm đến do thiếu nhân lực, đặc biệt liên quan đến các hãng hàng không, sân bay và tàu biển. Tình trạng thiếu lao động có thể cản trở tiến trình phục hồi du lịch và việc cải thiện cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho sự gia tăng du lịch thời điểm này là rất quan trọng. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ngành Hàng không toàn cầu đã bắt đầu cho thấy sự cải thiện. Trong tháng 6. 2022, lưu lượng bay nội địa và quốc tế đạt trung bình 70% so với giai đoạn trước đại dịch năm 2019. Cụ thể, lưu lượng bay nội địa đạt 81% và lưu lượng bay quốc tế đạt 65%. Về vấn đề này vẫn cần lưu ý để giải quyết một cách tổng thể và toàn diện trong khu vực vì ngành Hàng không vẫn chưa hoàn toàn phục hồi trở lại mức trước đại dịch.
ASEAN và EU gần đây đã ký kết Hiệp định Vận tải hàng không toàn diện ASEAN - EU, đây là hiệp định vận tải hàng không liên khối đầu tiên trên thế giới và phản ánh tư duy, chính sách mới nhất về quy định vận tải hàng không. Điều này không chỉ góp phần tăng cường thương mại và đầu tư mà còn góp phần thúc đẩy du lịch và kết nối con người với con người trên diện rộng. Các Bộ trưởng Du lịch và Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN đã thảo luận cách tiếp cận khả thi nhằm khôi phục ngành Du lịch, khuyến khích hơn nữa các chuyến du lịch nội khối ASEAN và khai thác thị trường tiềm năng to lớn với hơn 650 triệu người. Dự kiến, tầng lớp trung lưu đang phát triển của khu vực sẽ đạt 65% dân số vào năm 2030. Đây là lý do thuyết phục để thảo luận cấp cao về các vấn đề xuyên suốt và có tầm quan trọng chiến lược của hai ngành.
Cập nhật về tình hình phục hồi của ngành hàng không và tàu biển Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, hiện tại, ở Việt Nam có 64 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác thị trường quốc tế với trên 169 đường bay quốc tế kết nối 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hệ thống cảng biển hành khách quốc tế hiện đại của Việt Nam có khả năng đón các tàu lớn có sức chứa tới 6.000 du khách. “Chúng tôi cũng đang tích cực cải thiện cơ sở hạ tầng của các sân bay, cảng biển và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đồng thời, đầu tư xây dựng mới sân bay, cảng biển quốc tế tại một số trung tâm du lịch quan trọng và điểm đến tiềm năng để đáp ứng nhu cầu du lịch tăng trưởng trong thời gian tới”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chia sẻ.
Tháng 8.2023, Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra chính sách thị thực mới, kéo dài thời hạn lưu trú cho các thị trường được Việt Nam miễn thị thực và chính thức áp dụng thị thực điện tử cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện du lịch thông suốt hơn cho khách du lịch quốc tế.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến
Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhận định, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp và đặc biệt có mối liên hệ chặt chẽ với ngành giao thông vận tải. Giao thông phát triển và khả năng kết nối thuận tiện, thông suốt chắc chắn sẽ tạo điều kiện thu hút khách du lịch.
Qua hai bài trình bày của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế và Hiệp hội các hãng Tàu biển Quốc tế, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ vui mừng khi nhu cầu di chuyển của khách du lịch trên đường hàng không và đường biển đang phục hồi ổn định sau đại dịch. Mạng lưới đường bay kết nối nội khối ASEAN cũng như với các khu vực bên ngoài đang dần được mở lại với tần suất cao hơn, một số đường bay mới tới các điểm đến tiềm năng cũng đã được khai thác đưa vào hoạt động. Du lịch tàu biển chưa hoàn toàn phục hồi, tuy nhiên các tuyến hành trình đường biển cũng đã dần nhộn nhịp trở lại, nhiều chuyến tàu cập cảng hơn và đạt công suất cao hơn so với năm trước.
Về định hướng tương lai cho các sáng kiến liên ngành, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch và Giao thông vận tải như tăng cường kết nối hàng không ngay trong ASEAN. Tăng tần suất và mở thêm các đường bay thẳng giữa các thủ đô và thành phố lớn của các nước thành viên để thực sự xúc tiến du lịch nội khối và tiết kiệm thời gian đi lại cho khách du lịch. Nâng cao chất lượng đội ngũ lao động và dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu khách tăng lên sau đại dịch. Hướng tới phát triển du lịch bền vững, tăng cường hợp tác công-tư để triển khai các sáng kiến mới về giảm thiểu phát thải ròng bằng không và trung hòa carbon.
Với sự tham gia của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn cũng như đại diện từ khối tư nhân trong khu vực, Hội nghị đã thảo luận, đưa ra những giải pháp và định hướng hợp tác phù hợp cho cả hai ngành, bởi du lịch và giao thông luôn có mối quan hệ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau để cùng phát triển. Theo đề xuất của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam, các đại biểu cũng đã thảo luận, đưa ra hoạt động hợp tác khả thi nhằm giải quyết các vấn đề chung mà cả hai lĩnh vực cùng quan tâm. Đồng thời, khuyến khích các nước ASEAN cùng quan tâm, đầu tư hơn nữa vào các hoạt động xúc tiến du lịch và tăng cường giao thông cho nội khối. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với ngành Du lịch và Giao thông vận tải của ASEAN để đẩy mạnh phục hồi du lịch, tăng cường lưu lượng, tần suất các chuyến bay và mở rộng hành trình đường biển.
Hội nghị cũng thảo luận và thông qua Tuyên bố Bộ trưởng chung của Hội nghị giữa Bộ trưởng Du lịch và Giao thông vận tải ASEAN, cũng như xem xét và thông qua Báo cáo Hội nghị Bộ trưởng Du lịch và Giao thông vận tải ASEAN được tổ chức vào ngày 10.11 tại Luang Prabang (Lào).
Chúng tôi cũng đang tích cực cải thiện cơ sở hạ tầng của các sân bay, cảng biển và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đồng thời, đầu tư xây dựng mới sân bay, cảng biển quốc tế tại một số trung tâm du lịch quan trọng và điểm đến tiềm năng để đáp ứng nhu cầu du lịch tăng trưởng trong thời gian tới. (Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG) |
TỐ LINH - NGHIÊM HÙNG