Phát triển du lịch vùng đồng bào thiểu số và miền núi Bình Định

VHO - Triển khai Dự án số 6 bảo tồn văn hoá gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bình Định đang phát huy các di tích lịch sử, văn hoá phục vụ phát triển du lịch tại các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân và Tây Sơ, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, mời gọi "đại bàng" về làm tổ tại các địa phương này.

Theo ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Định, trong thời gian vừa qua, Bình Định ưu tiên tập trung bố trí kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện các dự án bảo tồn các di tích lịch sử, văn hoá phục vụ phát triển du lịch tại các huyện miền núi gồm: Dự án Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, tuyến đường chính trong Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh; trồng cây hoa Anh đào, cây Mai anh đào, cây Phượng tím tại Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xã Vĩnh Sơn….

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện cho các dự án thuộc Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc và thiểu số như: Dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Gộp Nước Ló xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão; xây dựng mới nhà văn hóa thôn T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân; xây dựng mới nhà văn hoá - khu thể thao làng Cát, xã Canh Liên, huyện Vân Canh,…nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu để thu hút du khách.

Phát triển du lịch vùng đồng bào thiểu số và miền núi Bình Định - Anh 1

Diễn tấu cồng chiêng của đồng bào Bana tại vùng cao

Tính riêng trong giai đoạn từ 2021 đến nay, Bình Định đã mời gọi, thu hút 17 dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng 49.747 tỉ đồng (trong đó, năm 2021 thu hút 9 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 39.540 tỉ đồng; năm 2022 thu hút 5 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 4.918 tỉ đồng; 6 tháng năm 2023 thu hút 3 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5.289 tỉ đồng).

Tuy nhiên, các huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân và Tây Sơn vẫn chưa có "đại bàng" về làm tổ. Để khắc phục việc này, vừa qua, Sở KH&ĐT Bình Định cùng các cơ quan liên quan phối hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Vietravel, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) và các hãng hàng không Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty cổ phần hàng không lữ hành Việt Nam (Viettravel), Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet… xây dựng chi tiết kế hoạch mời gọi đầu tư du lịch tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Bình Định.

Nằm trong tuyến liên hoàn của vùng duyên hải miền Trung, Bình Định được thiên nhiên ban tặng rất nhiều danh lam thắng cảnh và một dải biển bờ nên thơ, xinh đẹp. Tuy nhiên, Bình Định không chỉ có những tài nguyên du lịch trên mà còn có còn có những bản làng với không gian sống, văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực đậm chất vùng cao. Đó là những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. 

Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT Bình Định, thời gian tới, Sở cùng các cơ quan liên quan, các địa phương phối hợp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, các địa phương miền núi tập trung khai thác du lịch sinh thái, du lịch văn hoá gắn với làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc… Cùng đó, lồng ghép xúc tiến du lịch Bình Định, giới thiệu các điểm đến du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong các đợt xúc tiến đầu tư, các buổi làm việc với các đoàn công tác.

Phát triển du lịch vùng đồng bào thiểu số và miền núi Bình Định - Anh 2

Nét đẹp hoang sơ của thung lũng An Toàn, nơi được ví von là “cổng trời” của Bình Định

Hạ tầng sẽ là động lực giúp cho kinh tế và du lịch huyện miền núi Vĩnh Thạnh, nơi tập trung sinh sống của đồng bào Bana được phát triển. Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Đến nay, chúng tôi đã quy hoạch xây dựng mở mới 2 tuyến đường kết nối từ đường Đông Trường Sơn qua xã Vĩnh Sơn với cao tốc Bắc Nam, huyện Hoài Ân, thị xã Hoài Nhơn, quốc lộ 1A và các địa phương phía Đông. Cùng với đó, kết nối thị trấn Vĩnh Thạnh với các đô thị ven biển của huyện Phù Cát, TP. Quy Nhơn nhằm phá thế “ngõ cụt”; nâng cấp 2 tuyến đường ĐT637, ĐH29 kết nối Cảng hàng không Phù Cát, TP. Quy Nhơn với các điểm quy hoạch du lịch trên địa bàn huyện như: Thành Tà Kơn, thác Lơpin, Hang Dơi, vườn cam Nguyễn Huệ, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xã Vĩnh Sơn, hồ thủy lợi Định Bình, suối Hoa Trang rừng Tà Má, Khu du lịch suối nước nóng Vĩnh Thịnh, điện gió Vĩnh Thuận, tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh...

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho rằng: Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Định, khai thác, xây dựng thành sản phẩm phát triển du lịch thì cần chú trọng, tận dụng sự hỗ trợ của các chương trình, đặc biệt là Dự án 6. Đồng thời, quan tâm triển khai hiệu quả việc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc