Gắn du lịch nông nghiệp với sản phẩm OCOP: Nền nông nghiệp đa giá trị

VHO - Du lịch cộng đồng, điểm du lịch là một trong 6 nhóm sản phẩm thuộc Chương trình OCOP được đề cập tới tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây được xem là nhóm sản phẩm Thừa Thiên Huế có tiềm năng lớn, các vùng nông thôn ở tỉnh Thừa Thiên Huế sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, cảnh quan hoang sơ chưa đưa vào khai thác, sản xuất nông nghiệp gắn với văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng… Đây là những yếu tố quan trọng để hình thành điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

Gắn du lịch nông nghiệp với sản phẩm OCOP: Nền nông nghiệp đa giá trị - Anh 1

Thực tế cho thấy, giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại không chỉ đơn thuần là thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác như định hình nền nông nghiệp xanh, bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa của nông thôn...

Nâng tầm du lịch, nâng cao đời sống người dân

Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim) huyện A Lưới  đã trở thành điểm du lịch cấp tỉnh, là sản phẩm OCOP 3 sao của A Lưới. Thung lũng nhỏ A Nôr cách trung tâm thị trấn A Lưới khoảng 3 km về hướng Bắc, đường đi đã được đầu tư nâng cấp, chỉnh trang nên trở thành điểm đến thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước. HTX du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr có 17 thành viên, được phân công tổ chức hoạt động bài bản theo các tổ lưu trú, dịch vụ, trải nghiệm, an ninh trật tự…Cách làng không xa là thác A Nôr thơ mộng, nước quanh năm trong vắt, mát lành. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ tắm gội với phương pháp truyền thống xưa của đồng bào vùng cao, tát nước bắt cá, check-in, ngắm cảnh thiên nhiên núi rừng… Du khách thoải mái lựa chọn các cơ sở lưu trú phù hợp tại làng A Nôr như: Homestay Quốc Cảnh, Nhuận Thoa, Nguyệt Nhi, A Nor House, Bungalow Cá Tầm, Hồ Sơn, Hồ Trâm, Toni Nguyên… và tham gia các dịch vụ, hoạt động trải nghiệm như biểu diễn dân ca, dân vũ; tìm hiểu những tập tục trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào Pa Cô; làm bánh A quát truyền thống; đan lát các vật dụng thường ngày như A poq, Ka ria, Ka ôi, A đêng…; thưởng thức những món ăn, thức uống đặc trưng của địa phương. Trong đêm yên tĩnh, giữa ánh lửa bập bùng, điệu dân vũ rộn ràng, say đắm, quyện với âm hưởng dập dìu của tiếng trống chiêng, tiếng khèn bè, đưa người xem trải nghiệm các cung bậc cảm xúc thăng hoa. Hiện chương trình Một ngày làm già làng Pa Cô cũng đã thu hút rất đông du khách trải nghiệm, khám phá.

Gắn du lịch nông nghiệp với sản phẩm OCOP: Nền nông nghiệp đa giá trị - Anh 2

Quảng Điền với sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh thành sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch nông nghiệp nông thôn. Nét đặc trưng của Tour du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch tiềm năng tại điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh, đó là ngoài được sự phục vụ  chu đáo, tận tình của đội ngũ hướng dẫn viên không chuyên của huyện và của người dân địa phương, trên hành trình du lich dụ khách sẽ được trải nghiệm với nhiều hoạt động như: Bắt hải sản bằng “Nò - Sáo” chèo thuyền SUP khám phá làng chài Ngư Mỹ Thạnh; ngắm hoàng hôn trên vùng phá Tam Giang; thưởng thức những món ăn siêu ngon được chế biến từ sản vật vùng phá. Ngoài ra, du khách còn được chụp những tấm hình tuyệt đẹp ở làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh - Những bức bích họa được vẻ trên tường nhà người dân, thể hiện cảnh vật, cuộc sống của người dân trên vùng phá Tam Giang và đặc biệt du khách sẽ trở thành một người dân đi chợ khi đến với chợ nổi trên phá Tam giang vào lúc trời tờ sáng.

Theo ông Trần Quốc Thắng - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện cho biết “Phát triển du lịch biển và đầm phá là một trong những chủ trương và định hướng lớn trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Quảng Điền trong giai đoạn 2020 - 2025, với quyết tâm tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện chuyển từ nông nghiệp dần sang công nghiệp và dịch vụ du lịch. Vì vậy, trong giai đoạn này, huyện Quảng Điền tiếp tục kêu gọi tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư khai thác du lịch biển và đầm phá. Đồng thời, huyện sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, kết nối các tuor tuyến để thu hút du khách đến với vùng đất giàu tiềm năng văn hóa lịch sử và mến khách Quảng Điền.

Cần sự hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp

Gắn du lịch nông nghiệp với sản phẩm OCOP là hướng đi đúng, nhưng để tạo ra hiệu quả, cần triển khai giải pháp phù hợp. Theo đại diện một số doanh nghiệp lữ hành, hiện nay loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phát triển nhưng chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững. Du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam cần tuyên truyền thay đổi tư duy của các chủ thể tham gia xây dựng và triển khai các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn phục vụ du khách phải làm sao để người nông dân, hợp tác xã, trang trại muốn làm du lịch ngay cả khi nông, lâm, thủy sản được tiêu thụ tốt, khi kinh tế nông nghiệp thành công và các doanh nghiệp lữ hành chung tay, đồng hành cùng các điểm đến nông thôn làm du lịch.

Thừa Thiên Huế có thế mạnh về du lịch di sản văn hóa và nguồn tài nguyên phục vụ du lịch hết sức đa dạng. Song, một số mô hình du lịch cũng cần phải đầu tư, nghiên cứu để tiếp tục tạo ra hiệu quả. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ tỉnh năm 2023, Sở Du lịch tổ chức các chương trình khảo sát, học tập các mô hình du lịch trong đó có mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch OCOP. Những chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, vận hành, quản lý và phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch OCOP, khâu giải quyết các vướng mắc về thủ tục là cơ sở giúp các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch nghiên cứu áp dụng phù hợp thực tiễn.

Gắn du lịch nông nghiệp với sản phẩm OCOP: Nền nông nghiệp đa giá trị - Anh 3

Trên những đặc điểm chung là hoạt động du lịch được tổ chức trên địa bàn nông thôn, cần khai thác các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê - gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn; tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng nông thôn; trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống.

Tính đến thời điểm hiện tại, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình MTQG xây dựng NTM đã bước đầu thu được những kết quả khả quan, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực; nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nghiệp nông thôn sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của cộng đồng vùng nông thôn (bản làng, nhà truyền thống), các thiết chế văn hóa làng (đình, đền, giếng nước...), các cơ sở sản xuất nghề truyền thống, cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước, dịch vụ viễn thông...) gắn với môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa và các hoạt động sinh hoạt sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư. Đây là điểm mà du lịch Cố đô có thể khai thác.

Chuỗi giá trị trong du lịch nông thôn phải đến được những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp (hộ dân kinh doanh du lịch, doanh nghiệp kết nối) và những người hưởng lợi gián tiếp (nông dân tham gia vào cung cấp sản phẩm nông nghiệp trong du lịch, những người có tay nghề, chuyên môn trong việc tạo ra các sản phẩm trong du lịch nông thôn...). Tuy nhiên, cần “bàn tay” của doanh nghiệp hợp lực với người dân, từ khâu đào tạo đội ngũ, lên thực đơn ẩm thực, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch hay sáng tạo các trải nghiệm.

* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

Đình Bảo

Ý kiến bạn đọc