Du lịch xanh tại làng rau hơn 300 tuổi

VHO- Nghề trồng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được Bộ VHTTDL chính thức công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nằm ở hạng mục tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống vào tháng 4.2022.

Du lịch xanh tại làng rau hơn 300 tuổi - Anh 1

Nghề trồng rau Trà Quế được công nhận DSVH phi vật thể quốc gia vào tháng 4.2022

Sự ghi danh này là cơ hội giúp lan tỏa và nâng cao hơn nữa thương hiệu làng rau Trà Quế, Hội An trong định hướng phát triển Quảng Nam- điểm đến du lịch xanh, là động lực để làng nghề truyền thống hơn 300 tuổi này kiên trì trở thành điểm đến du lịch xanh, du lịch sinh thái gắn với sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đặc trưng của làng nghề. 
Nghề trồng rau ở Trà Quế là một trong những nghề truyền thống nổi tiếng của Hội An, được hình thành và phát triển cách đây hơn 300 năm. Làng rau hiện rộng khoảng 18 hecta với hơn 200 hộ nông dân theo nghề trồng rau. Được bao bọc với hệ thống sông đầm thuận lợi cho việc chuyên canh trồng rau, với sự ưu đãi đặc biệt của thổ nhưỡng, cùng sự canh tác bằng phương pháp truyền thống thâm canh, bón phân hữu cơ, rau Trà Quế có mùi thơm đặc trưng, từng được các thủy thủ trên các thương thuyền nước ngoài như Pháp, Hà Lan, Ả Rập, Trung Hoa tìm mua khi các tàu này ghé vào Hội An lấy hàng, lấy nước ngọt và thực phẩm. Cùng diễn trình lịch sử - văn hóa lâu đời, người dân thuần hậu, chất phác, làng nghề này hiện đang được bảo tồn và phát huy hiệu quả và là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến Hội An.

Du lịch xanh tại làng rau hơn 300 tuổi - Anh 2

Nông dân canh tác phương pháp truyền thống, bón phân hữu cơ

Bí quyết để rau Trà Quế thơm ngon chính là bón lót cho đất trồng rau bằng rong từ đầm Trà Quế và sông Để Võng. Điểm đặc biệt của sản xuất rau ở làng Trà Quế là sử dụng phương pháp sản xuất rau hữu cơ kết hợp giữa thực hành truyền thống và hiện đại; sử dụng phân bón hữu cơ không chứa các chất hóa học. 
Ở làng rau Trà Quế có khoảng 40 loại với hương vị đặc trưng, lá rau nhỏ nhưng khi ăn lại giòn và thơm. Một số loại rau Trà Quế cũng được sử dụng như một phương thuốc chữa bệnh truyền thống như: sả, tỏi, hẹ, hành, nén, rau tần, rau húng, ngò, diếp cá, rau má, rau đắng, ….
Người dân làng rau Trà Quế canh tác và cung cấp rau cho nhiều thị trường ở Quảng Nam-Đà Nẵng, sống và thu nhập từ nghề khá ổn định. Tháng 3.2009, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau Trà Quế - Cẩm Hà.     
Từ nghề trồng rau Trà Quế đã hình thành nên nguồn tri thức dân gian bản địa rất đa dạng và độc đáo, những di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến trồng rau, đặc biệt là những phong tục, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến nghề nghiệp đã được cộng đồng Nhân dân thường xuyên thực hành, trao truyền di sản.
Với lịch sử phát triển hàng trăm năm, bảo tồn nguyên vẹn những đặc điểm của lối sống nông nghiệp truyền thống vốn có, làng rau Trà Quế hiện là một trong những điểm du lịch nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.

Du lịch xanh tại làng rau hơn 300 tuổi - Anh 3

Du khách trải nghiệm “một ngày làm nông dân” với người dân Trà Quế

Mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp đã có thương hiệu như làng rau Trà Quế đã tạo ra điểm đến, tour tuyến mới làm đa dạng thêm sản phẩm du lịch địa phương. Đồng thời làm giảm áp lực quá tải tại những trung tâm du lịch như Hội An, kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao chi tiêu của khách du lịch, tạo được thiện cảm lớn cho du khách, đặc biệt là thị trường khách châu Âu, Đông Bắc Á. 
Tour du lịch với hoạt động trải nghiệm “Một ngày làm cư dân làng rau Trà Quế” được du khách yêu thích và là sản phẩm du lịch rất nổi tiếng của làng nghề này. Tháng 09.2019, thành phố Hội An đã phê duyệt Phương án “Phát triển du lịch cộng đồng tại Làng rau Trà Quế“ dựa trên sự đồng thuận và hợp tác trước hết từ chính những người dân tại làng Trà Quế. 
Từ đầu năm 2020, Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An đã khai trương điểm tham quan làng rau Trà Quế, đưa vào chương trình tham quan các di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với quá trình phát triển của làng và tăng cường công tác quản lý các hoạt động trong làng theo hướng thân thiện với môi trường. 
Nhiều công ty du lịch – lữ hành đã tổ chức các tour đưa khách khám phá làng rau Trà Quế, tham quan, tập làm nông dân cùng với người làng, tham gia các buổi “cooking-class” cùng chế biến và thưởng thức các món ăn từ rau Trà Quế, thư giãn với các hương liệu cây cỏ thiên nhiên của làng rau,…

Du lịch xanh tại làng rau hơn 300 tuổi - Anh 4

Du khách thích thú “check-in” cùng nông dân tại làng rau Trà Quế

Ông Mai Lụa, một nông dân ở làng chia sẻ: Người làng Trà Quế tự hào vì họ sống nhờ nghề trồng rau và nghề làm rau sạch này cũng đã mang lại cho làng danh tiếng như một cách khẳng định thương hiệu làng nghề. Bên cạnh trồng rau sạch bán, nông dân ở làng có thêm nghề “hướng dẫn viên” giúp du khách đến làng rau cùng trải nghiệm các quy trình trồng rau như xới đất, giâm rau, ủ bón phân vớt từ rong, cùng thu hoạch và chế biến các món ẩm thực từ rau, tham quan các điểm di tích trong làng, …đã mang lại thêm nguồn thu nhập cho người làng rau. 

Du lịch xanh tại làng rau hơn 300 tuổi - Anh 5

Lễ cúng cầu Bông truyền thống của làng rau Trà Quế 

Ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm, người làng rau lại tổ chức Lễ hội Cầu Bông để bày tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân có công khai phá làng rau, cầu mưa thuận gió hòa, làng rau bội thu. Các phẩm vật được dân làng dâng cúng trong Lễ Cầu Bông ở làng rau Trà Quế là các sản vật từ chăn nuôi và trồng trọt, đánh bắt tại địa phương. Lễ hội là nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân làng Trà Quế, góp phần bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Cũng là lễ hội truyền thống để du khách tìm hiểu về nghề trồng rau truyền thống, tạo thêm sản phẩm đặc biệt cho khách du lịch đến đây có góc nhìn mới hơn về làng rau Trà Quế của vùng đất Hội An.

* Trang thông tin  có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc