Đi bộ cũng phải đi cho đúng

VHO- Đi bộ ở đây không phải tập thể dục ở trong khuôn viên nào đó, mà đi bộ là hình thức tham gia giao thông. Nhưng từ trước đến nay, nhiều người từ trẻ cho đến già chẳng hề để ý mình đi bộ thế nào cho đúng với quy định của pháp luật, mà thích đi kiểu gì thì cứ thản nhiên. Thói quen này đã ăn sâu trong nếp nghĩ “hồn nhiên như cô tiên”, theo kiểu nhìn trước, ngó sau là băng qua đường nên đã dẫn đến nhiều tình huống tai nạn giao thông nghiêm trọng.

l  Thay đổi thói quen này thật khó, song không thể để mãi tình trạng đi bộ “cắt mặt” xe, lao qua dải phân cách, luồn lách qua hàng trăm phương tiện như “chỗ không người”, thậm chí vì vội đuổi theo xe buýt mà bất chấp tính mạng, liều như con thiêu thân không cần biết xe cộ đang băng băng trên đường. Đến đây người viết nhớ mãi hình ảnh một cặp đôi du khách nước ngoài chuẩn bị sang đường ở phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tại nút giao đường Nguyễn Du với Lê Duẩn, hai du khách cứ đứng chờ tín hiệu dành cho người đi bộ. Nhưng có lẽ hôm đó đèn tín hiệu “chập chờn”, họ cứ ngước mắt trông phía đèn, rồi lắc đầu đi xuôi vỉa hè lên phố khác để qua phần đường dành cho người đi bộ.

Những ngày gần đây, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội ra quân tại một số điểm giao thông ở quận Cầu Giấy để tiến hành xử lý người đi bộ sai quy định. Chứng kiến cảnh người đi bộ sai quy định bị cảnh sát giao thông mời vào làm việc, nhắc nhở và nộp phạt, gần như ai nấy đều ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhiều người cự cãi, hằng ngày vẫn băng qua dải phân cách để sang đường cho nhanh giữa lưu lượng phương tiện lớn đang di chuyển, có thấy ai nhắc nhở hay cảnh báo gì đâu, bây giờ “bày vẽ” phải nộp phạt. Có bạn sinh viên còn lấy lý do... rất buồn cười, “em ở nhà trọ ngay đối diện trường, băng qua đây cho nhanh, chứ lên cầu bộ hành phía kia thì xa lắm. Mà không chỉ mình em, còn có nhiều bạn khác cũng đi bộ băng ngang như vậy, không thấy ai xử lý, chỉ mình em bị nộp phạt thì thật oan”. Bao giờ mình mới tạo thành nếp đi bộ văn minh?

Ngơ ngác, ngạc nhiên, lớn hơn nữa là phản ứng với lực lượng chức năng bằng cách to tiếng, cự cãi... là đúng rồi, vì trước đó nhiều người không biết đã có quy định xử phạt người đi bộ sai quy định. Có người trông đã lớn tuổi “lý luận” khi bị yêu cầu nộp phạt: “Tôi không biết có quy định này là không có tội. Không có tội, tôi không nộp phạt. Muốn để người dân biết quy định thì phải tuyên truyền trên loa đài của phường, tổ dân phố hay trên báo đài, chứ đùng cái xử phạt người dân là không thoả đáng”. Nghe qua cũng thấy phần nào đung đúng, vì lâu nay chúng ta tuyên truyền những hành vi vi phạm như nồng độ cồn; chạy xe quá tốc độ; chở hàng cồng kềnh quá khổ, nhỏ hơn chút nữa là không đội mũ bảo hiểm..., mấy ai để ý hành vi đi bộ sai quy định. Vì thế để cho người dân “tâm phục khẩu phục”, bên cạnh người tham gia giao thông phải tự tìm hiểu các quy định có liên quan, mặt khác lực lượng chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức với mật độ dày đặc hơn…

Xử phạt người đi bộ sai quy định là việc làm vô cùng cần thiết của lực lượng chức năng, nhất là ở những thành phố lớn. Những hành vi liều lĩnh băng qua dải phân cách hoặc không đảm bảo an toàn... cần phải được xử lý nghiêm, để tạo thành nếp sống văn minh cho người đi bộ. Hiện mức xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng chỉ mới từ 60 nghìn đến 100 nghìn đối với người đi bộ sai quy định. Sắp tới cần điều chỉnh nâng cao chế tài xử phạt để người dân chấp hành đầy đủ hơn. 

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc