Sức sống mới ở Hành Tín Tây

VHO- Nằm ở phía Nam của huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), xã Hành Tín Tây giờ đã khoác lên mình chiếc áo mới. Từ sự đầu tư hiệu quả của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn như thay da đổi thịt, người dân có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Sức sống mới ở Hành Tín Tây - Anh 1

Hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết

Cây cầu được xây vững chãi bắc qua hai bờ sông Vệ dẫn đến Trung tâm xã, các tuyến đường bê tông đi vào thôn xóm được nối liền, tạo cho Hành Tín Tây một dáng vóc vùng quê năng động trong phát triển kinh tế, mở hướng thoát nghèo và làm giàu, tạo thế phát triển mới bền vững trong những năm tiếp theo.

Trước đây xã Hành Tín Tây là xã thuần nông với xuất phát điểm thấp, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng không vì khó khăn mà ỷ lại, những năm qua, chính quyền và nhân dân trong xã đã đồng lòng vượt qua gian khó và vươn lên. Gia đình chị Nguyễn Thị Nguyên ở thôn Tân Phú, xã Hành Tín Tây luôn nằm trong diện hộ nghèo của thôn. Khó khăn càng chồng chất khi bản thân chị là nạn nhân chất độc da cam hay đau ốm, các con đều đang trong tuổi ăn tuổi học.

Sức sống mới ở Hành Tín Tây - Anh 2

 Đời sống văn hóa tinh thần người dân được nâng cao, giữ gìn nét đẹp văn hóa

Nắm được hoàn cảnh của gia đình chị Nguyên, địa phương đã kịp thời hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng nhà ở. Có được chỗ ở ổn định, địa phương tiếp tục hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản, 100 con gà giống và máy nghiền thức ăn gia súc. Đây chính là động lực để gia đình chị Nguyên vươn lên lúc khó khăn nhất. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành 15 triệu đồng và 100 triệu đồng qua kênh của Hội Nông dân xã, vợ chồng chị tận dụng 1,5ha đất của gia đình ở đồi Gò Làng để trồng trọt, chăn nuôi. Hiện chị Nguyên sở hữu 100 gốc tiêu đang cho thu hoạch. Trong chuồng có gần 500 con gà, vịt, 2 con bò và 8 con lợn. Ngoài ra, còn có vườn cây cau, cây ăn quả mít, sầu riêng… của gia đình chị cũng bắt đầu cho thu hoạch.

“Từ con bò cái sinh sản ban đầu được Nhà nước hỗ trợ tôi nuôi bán được 2 lứa 30 triệu đồng, hiện chuẩn bị cho lứa thứ 3. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, thu nhập kinh tế dần ổn định, gia đình tôi bắt đầu phát triển thoát khỏi hộ nghèo. Đến nay, tôi đã mua sắm được nhiều vật dụng giá trị cho gia đình. Nuôi hai con gái đang học Đại học ở TP.HCM”, chị Nguyên vui mừng nói.

Sức sống mới ở Hành Tín Tây - Anh 3

 Chiếc cầu bắc qua sông Vệ đến xã Hành Tín Tây tạo diện mạo mới cho địa phương

Xã Hành Tín Tây, có diện tích tự nhiên 3925,29 ha với 1.296 hộ, 5.197 khẩu. Trong đó, có 2 thôn 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số Hrê với tổng số 192 hộ, chiếm 13% dân số toàn xã. Đồng hành cùng người dân trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn.

Theo Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây Mai Văn Tường, xác định rõ một trong những yếu tố quan trọng nhất để giảm nghèo bền vững chính là phải thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng, công tác tuyên truyền, phổ biến luôn được địa phương quan tâm triển khai. Việc triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ mang lại hiệu quả cho người dân mà còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, giúp người nghèo tiếp cận với các cơ chế, chính sách về giảm nghèo, cập nhật kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất, các mô hình giảm nghèo hiệu quả…

Sức sống mới ở Hành Tín Tây - Anh 4

Gia đình chị Nguyễn Thị Nguyên được địa phương quan tâm, hỗ trợ phát triển kinh tế

Nhiều phong trào thi đua giảm nghèo, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững đã được các tổ chức chính trị - xã hội triển khai hiệu quả như “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”,“Mẹ đỡ đầu” của Hội Phụ nữ; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” của Hội Nông dân; Đoàn Thanh niên các cấp với phong trào “Thanh niên làm kinh tế giỏi”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”; Hội Cựu chiến binh với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi”…

Sức sống mới ở Hành Tín Tây - Anh 5

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội LHPN xã Hành Tín Tây giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Theo ông Mai Văn Tường, với các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo, tính đến cuối năm 2023, toàn xã còn 92 hộ nghèo (chiếm 7,16%), 99 hộ cận nghèo (chiếm 8%). “Người dân trong xã luôn ý thức được việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, phong tục tập quán đẹp, ý nghĩa nhân văn sâu sắc… có thể lưu truyền cho thế hệ mai sau. Tích cực gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua việc thành lập và duy trì hiệu quả 2 đội cồng chiêng ở thôn Trũng Kè 1, Trũng Kè 2. Toàn xã có 8/8 thôn có nhà văn hóa, 1.012 hộ gia đình văn hóa. Thu nhập bình quân đầu người 45 triệu đồng/người/năm”, ông Tường chia sẻ thêm. 

 NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc