Trưng bày đầu máy xe lửa hơi nước tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

VHO - Những chiếc đầu máy xe lửa hơi nước -biểu tượng của ngành Đường sắt Việt Nam sẽ được trưng bày tại Vườn Nhãn (Long Biên), trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 (từ 17-26.11), gợi nhớ lại một phần ký ức xưa.

Trưng bày đầu máy xe lửa hơi nước tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - Anh 1

Trưng bày đầu máy xe lửa hơi nước thời chống Mỹ

Từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô - Nhà máy xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo. Di sản được đánh thức để tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển Thủ đô.
Đến với triển lãm Đầu máy xe lửa hơi nước, người dân và du khách được nhìn lại một trong những biểu tượng của ngành Đường sắt- nhân chứng đã tham gia vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Những chiếc đầu máy xe lửa hơi nước cũng là niềm tự hào của ngành Đường sắt một thời gian khó.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm lần đầu được biết đến với tư cách một tổ hợp sáng tạo nghệ thuật độc đáo nhờ vào việc cải tạo, thiết kế, sắp đặt các không gian nhà xưởng, kho bãi thành những không gian nghệ thuật, đồng thời với việc tổ chức các hoạt động sáng tạo. Hệ sinh thái nhà máy bao gồm các phân xưởng 3B1, 3B2, 5B hay trạm điện 33B... sẽ trở thành các không gian triển lãm kết hợp hiệu ứng thị giác mới lạ. 
Đây là điểm nhấn trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 nhằm khơi “dòng chảy” di sản, nhất là các di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo đặc sắc.
Các không gian Pavilion (những công trình kiến trúc đem tới không gian mở, nơi diễn ra các hoạt động...) mang tới những câu chuyện và các cung bậc cảm xúc khác nhau về Thủ đô ngàn năm dưới góc nhìn khác biệt, một Hà Nội sáng tạo và đậm chất nghệ thuật. 
Lần đầu tiên âm nhạc, thời trang cũng sẽ được mang lên không gian nhà máy cũ này. Các chương trình có thể kể đến như: Trình diễn cổ phục "Vân Long lưu vũ", show nhạc Rock "Dòng chảy", show Acoustic "Giai điệu tự hào", trình diễn âm thanh “Âm cảnh Ga Hà Nội” hay trình diễn nghệ thuật "Đường trường", "Đối thoại Đôi bờ”…
Nhiều triển lãm được trưng bày tại không gian sáng tạo của Nhà máy xe lửa Gia Lâm như: "Thí điểm kiến trúc và sắp đặt không gian Ga”, triển lãm “Chuyển động ngoại biên #2”, triển lãm tư liệu “Thủy phủ”, sắp đặt hội họa “Tiếng gọi”…

Trưng bày đầu máy xe lửa hơi nước tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - Anh 2

Hình ảnh đầu máy cổ nhất do Thụy Sĩ sản xuất sẽ trở thành một không gian triển lãm

Đặc biệt, triển lãm “Thí điểm kiến trúc và sắp đặt không gian Ga” được thực hiện bởi kiến trúc sư Đặng Ngọc Tú và cộng sự, cũng được diễn ra tại 3 địa điểm: ga Long Biên, ga Gia Lâm, ga Hà Nội. Đây là triển lãm đầu tiên được phối hợp thi công, sắp xếp giữa 3 nhà ga có tuổi đời lịch sử. 
Dịp này, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng tổ chức tuyến tàu di sản ga Hà Nội - Long Biên - Gia Lâm. Tuyến tàu trải nghiệm kết nối hai bên bờ sông Hồng, xuất phát từ nhà ga Hà Nội, đến ga Long Biên, qua cầu Long Biên và kết thúc tại nhà ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm để tham gia các hoạt động sáng tạo. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tăng cường các toa tàu nghệ thuật đặc biệt, trên đó trưng bày các tác phẩm trong khuôn khổ triển lãm “Chuyển động ngoại biên #2”.
Trong khoảng năm 65 của thế kỷ XX, các kỹ sư Nhà máy xe lửa Gia Lâm cùng với sự giúp đỡ của kỹ sư Trung Quốc đã nghiên cứu thiết kế thành công đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước mang số hiệu 141-179. Sau đó, khoảng 50 chiếc đầu máy chủng loại này mang tên Tự lực được sản xuất để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở miền Bắc.
Những chiếc đầu máy xe lửa cũng là một trong những chứng nhân lịch sử tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Những năm chiến tranh chống Mỹ leo thang, việc chế tạo đầu máy xe lửa tạm hoãn, những chiếc xe lửa đang có hiện tại “ra sức thi đua” vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực… chi viện cho chiến trường miền Nam.
Chiếc đầu máy xe lửa mang số hiệu 141-179 đã có thời gian được đặt làm tượng đài đầu máy tại Quảng trường ga Vinh và dự kiến sẽ được đưa về Bảo tàng Hà Nội trưng bày để tiếp tục lan tỏa những giá trị lịch sử của Hà Nội một thời.
Những chiếc đầu máy mang tên Tự lực nói chung và chiếc đầu máy 141-179 nói riêng không chỉ là dấu mốc cho thành quả nghiên cứu, mà nó còn thể hiện ý chí tự lực, tự cường, sự nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ nhân viên ngành Đường sắt Việt Nam nói riêng và cả nước trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước nói chung.

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc