Tìm lại văn hóa nguồn cội tộc người Ơ Đu

VHO- Thời gian qua, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ cho đồng bào Ơ Đu, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An), nhờ đó, văn hóa của tộc người nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị riêng biệt. Thế hệ trẻ người Ơ Đu không chỉ được học hành đầy đủ mà còn là những “truyền nhân” lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc ít người nhất Việt Nam…

Tìm lại văn hóa nguồn cội tộc người Ơ Đu - Anh 1

 Tái hiện Lễ hội đón tiếng sấm của người Ơ Đu (Ảnh: Trung tâm VHTT huyện Tương Dương)

Nơi duy nhất có đồng bào Ơ Đu sinh sống

Ngược miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi ghé thăm bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, nơi duy nhất của cả nước có đồng bào Ơ Đu sinh sống, được thấy, được nghe về những điều mới mẻ trong nếp nghĩ, cách làm của cộng đồng dân tộc ít người nhất Việt Nam. Năm 2006, kể từ khi hàng ngàn hộ dân sống trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ phải rời vùng đất định cư bao đời để đến nơi ở mới, nhường chỗ phát triển điện lưới quốc gia, theo dòng người di dời ấy, 400 người con Ơ Đu đã về tạo lập cuộc sống mới ở xã Nga My. Già làng Lo Văn Bằng cho biết: “Ngày đó, thực hiện chủ trương làm Nhà máy thủy điện, người Ơ Đu ta lên đây ở. Con em trong bản có điều kiện học hành thuận lợi hơn, đi lại dễ dàng hơn, có xe ô tô vào tận nơi. Nhưng mà nhớ bản cũ lắm! Thỉnh thoảng ta cũng ngồi thuyền quay về, nhưng tất cả đã ngập chìm trong nước của lòng hồ rồi”.

Ơ Đu theo tiếng Thái có nghĩa là “Thương lắm”. Người Ơ Đu trong quá khứ có ngôn ngữ riêng, dân số đông đúc, đời sống phồn thịnh trong một lãnh thổ rộng lớn, bao gồm vùng thượng nguồn hai con sông Nậm Nơn, Nậm Mộ và một phần nước bạn Lào. Nhiều địa danh ở vùng Tương Dương ngày nay còn mang đậm thanh âm của tiếng Ơ Đu, minh chứng tổ tiên họ đã từng khai phá và sinh sống lâu đời.

Mặc dù cuộc sống khắc nghiệt, nhưng tộc người này có những nét văn hóa đặc sắc với quan niệm về vũ trụ, tín ngưỡng, cách tính thời gian riêng… Người Ơ Đu không dùng lịch thông thường mà theo tiếng sấm. Đối với họ, bắt đầu năm mới, bắt đầu vụ gieo trồng là khi có tiếng sấm đầu tiên vang rền trên bầu trời. Sấm nghĩa là năm mới đến. Sấm nghĩa là mùa gieo trồng bắt đầu... Tiếng sấm có mặt trong tất cả mọi sinh hoạt, nghi lễ và theo suốt cuộc đời người Ơ Đu từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi. Trong những tập tục cổ xưa nhất, lễ mừng tiếng sấm năm mới là lễ hội thiêng liêng nhất trong năm của người Ơ Đu.

Tộc người Ơ Đu trở nên ít dần, còn chưa đầy 455 nhân khẩu; các phong tục tập quán cũng bị đồng hóa theo phong tục của tộc người Thái và Khơ Mú. Thống kê cho thấy, chỉ còn 4 người biết nói tiếng mẹ đẻ và cũng chỉ nói được khoảng 70-78%, đó là các cụ Lo Văn Nhoong, cụ Lo Văn Nghệ, già bản Bằng và cụ Lô Văn Hậu. Điều đáng buồn là chữ viết của họ cũng không còn. Để bảo tồn đúng bản sắc của người dân tộc Ơ Đu, UBND huyện Tương Dương và tỉnh Nghệ An đã tổ chức cho cán bộ văn hóa cùng một số giáo viên, nhà nghiên cứu đi sao chép và thu băng những tiếng nói, lời kể của các bậc cao niên để lưu truyền cho con cháu biết đúng tiếng và hiểu được cội nguồn, bản sắc văn hóa của tộc người.

Tìm lại văn hóa nguồn cội tộc người Ơ Đu - Anh 2

 Khung cửi dệt truyền thống của bà con Ơ Đu

Đời sống mới ở vùng tái định cư

Sau khi thủy điện Bản Vẽ ra đời, có 73 hộ dân của tộc người Ơ Đu sống rải rác ở hai bờ sông Nậm Nơn (thuộc huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An) được đưa ra khỏi lòng hồ về nơi tái định cư, từ đó bà con có nhà cửa khang trang, đất đai màu mỡ và được hướng dẫn tăng gia sản xuất...

Trưởng bản Văng Môn Lương Thị Lan phấn khởi cho biết: “Ngày trước dân bản ở trong rừng, trong khe khổ lắm. Bây giờ ra vùng tái định cư cái gì cũng có, nào là nhà cửa, sân vườn, ruộng nương, nào là lợn gà chăn thả từng đàn, có ti vi để xem, có loa đài để nghe nhạc, đặc biệt Internet đã được về đến tận bản, con em được đến trường học chữ… Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, người Ơ Đu đã có con đường rải thảm nhựa từ thị trấn Hòa Bình vào tận bản Văng Môn. Cán bộ khuyến nông - khuyến lâm vào tận bản để hướng dẫn, bây giờ bà con Ơ Đu đã sản xuất đúng quy trình, không còn bản năng như trước nên vụ mùa đạt năng suất, không còn lo từng bữa đói. Dân bản ưng bụng lắm!”.

Những năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành, triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có cộng đồng người Ơ Đu. Trước sự mai một và nguy cơ biến mất những giá trị văn hóa độc đáo của tộc người ít nhất này, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào. “Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơ Đu” với nhiều chương trình phát triển sản xuất, đời sống, văn hoá, giáo dục… đã và đang được triển khai. Hiện người Ơ Đu ở bản Văng Môn được đầu tư khung cửi để phát triển nghề dệt may truyền thống; mở các khóa học tiếng Ơ Đu; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, hỗ trợ đội văn nghệ của bản hoạt động sôi nổi.

Ông Lương Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, để khôi phục lại nét đẹp văn hóa nơi thâm sơn cùng cốc này không hề đơn giản. Những người già trong bản cố gắng “gạn đục, khơi trong”, truyền dạy lại cho con cháu phong tục, tập quán của dân tộc mình; những lớp học ngôn ngữ Ơ Đu ở Văng Môn được liên tục mở ra. Với di sản còn lại chỉ trên dưới 200 từ vựng, sự mất mát văn hóa này không chỉ riêng của người Ơ Đu, mà còn là tổn thất rất lớn trong kho tàng ngôn ngữ các dân tộc Việt Nam.

Theo lãnh đạo địa phương, nhiều người Ơ Đu đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, hiện có 13 người đã được bố trí công việc ổn định tại cơ quan Nhà nước. Còn khó khăn, vất vả lắm; một số hộ nghèo, không có ruộng nên con em phải đi làm ăn xa, tuy vậy so với trước đây, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi nhiều. Hy vọng rằng, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền và sự cố gắng vươn lên của mỗi người dân, cộng đồng người Ơ Đu ở xã Nga My sẽ ngày càng phát triển, góp phần vào sự đa dạng, đậm đà bản sắc của văn hóa các dân tộc Việt Nam. 

 PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc