Mở ra hướng khởi nghiệp

VHO - Những sản phẩm OCOP đa dạng với đặc thù riêng có về tự nhiên, văn hóa, phương thức canh tác độc đáo là cơ hội lớn cho các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi phát triển du lịch nông nghiệp. Đồng thời mở ra hướng khởi nghiệp cho các chủ thể, đặc biệt là lực lượng trẻ đam mê và tâm huyết với lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Mở ra hướng khởi nghiệp - Anh 1

Kinh tế nông thôn khởi sắc

 Quảng Ngãi được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều di sản văn hóa, cảnh đẹp từ miền biển, đồng bằng đến miền núi như: Đảo Lý Sơn, biển Sa Huỳnh, biển Mỹ Khê, biển Khe Hai, núi Thiên Ấn, thảo nguyên Bùi Hui, rừng đước Bàu Cá Cái, thác Trắng, núi Cà Đam, suối thác Trà Bói, khu du lịch Bãi Dừa. Thời gian qua, phát triển du lịch nông thôn được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn và triển khai thực hiện. Điển hình như: Du lịch cộng đồng Bình Thành (huyện Nghĩa Hành); Du lịch trải nghiệm Cánh rừng ngập mặn Bàu Cá Cái (huyện Bình Sơn); Du lịch cộng đồng, trải nghiệm tại xã Đức Tân, Đức Lợi (huyện Mộ Đức); Du lịch trải nghiệm chèo ghe tại rừng dừa nước xã Tịnh Khê, (TP Quảng Ngãi); Du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ (thị xã Đức Phổ),... Đây được coi là hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.Những mô hình du lịch này không chỉ làm thay đổi bộ mặt của nông thôn mà còn tạo ra nhiều giá trị; góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương; tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, đưa kinh tế phát triển theo hướng bền vững.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 2 sản phẩm trong nhóm này được công nhận OCOP cấp tỉnh, đó là làng Gò Cỏ, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) và điểm du lịch Thành cổ Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi).

 Làng Gò Cỏ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào tháng 12/2020. Sau khi trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đầu tiên của nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, làng Gò Cỏ được chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm đầu tư bảo tồn và phát triển. Thông qua Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, người dân ở địa phương được tập huấn kỹ năng xây dựng và quản lý 22 điểm homestay, kinh nghiệm phục vụ du lịch... Những ngôi nhà trong làng được người dân sửa chữa khang trang nhưng vẫn giữ nét hoài cổ với "tường tre, mái lá”.

Mở ra hướng khởi nghiệp - Anh 2

Vật dụng trong nhà được chế tác từ các vật liệu đơn sơ và gần gũi như tre, nứa, gỗ... Bà Bùi Thị Sen, người dân làng Gò Cỏ cho biết, tôi đang nâng cấp lại homestay của gia đình, cải tạo lại vườn, ao nuôi cá để cung cấp thêm dịch vụ, trải nghiệm cho khách du lịch đến lưu trú. Trong đó, có các loại hình như hát bài chòi, hát hố, hát bội, trải nghiệm đan lát, ngồi thuyền câu cá trên đầm, nấu rượu ghè và thưởng thức ẩm thực...

Điểm du lịch Thành cổ Quảng Ngãi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh vào tháng 1/2022. Số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan ngày càng tăng, trong đó có các nhà nghiên cứu, thực tập sinh ngành văn hóa... Ông Võ Văn Diêu, du khách đến từ Thủ đô Hà Nội cho biết, điểm đến Thành cổ Quảng Ngãi hấp dẫn tôi bởi kiến trúc nhà rường cổ Việt và “con đường gốm sứ trên biển” qua hàng nghìn cổ vật quý giá được trục vớt từ con tàu đắm 700 năm tuổi... Gia đình tôi cũng rất thích khi trải nghiệm ẩm thực của Quảng Ngãi như xôi nếp ngự Sa Huỳnh, mắm tiến vua (mắm nhum)...

HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành với 15 thành viên liên kết với 200 hộ dân trong thôn. HTX xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch cộng đồng, mở ra cơ hội cho người dân cải thiện thu nhập và phát triển kinh tế. Từ năm 2022 đến nay, gia đình ông Nguyễn Tấn Thảo (thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) được chính quyền hỗ trợ giống cây ăn quả, phân, thuốc và hỗ trợ kỹ thuật trồng theo hướng hữu cơ. Đồng thời còn được hỗ trợ gìn giữ, phát triển nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm hơn 20 năm nay của gia đình. Với diện tích hơn 7 sào, ông Thảo trồng dâu xen với cây ăn quả, hàng tháng thu hoạch 2 lần, mỗi lần 40 - 45 kg kén tằm, với giá 180 đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình ông thu về trên 8 triệu đồng/tháng.

Mở ra hướng khởi nghiệp - Anh 3

Ông Võ Văn Hoàng ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân chia sẻ, ông được địa phương tạo điều kiện vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội 70 triệu đồng để trồng cây ăn quả. Với diện tích hơn 1 ha, ông trồng cam, quýt, bưởi, mít và mở rộng trồng dâu nuôi tằm. Thu nhập từ cây ăn quả hàng năm của gia đình khoảng 50 triệu đồng, nghề trồng dâu nuôi tằm 100 triệu đồng."Mỗi đoàn khách đến tham quan vườn trái cây HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành trả cho chủ vườn 500.000 đồng. Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, đời sống người dân địa phương đã đổi thay đổi tốt hơn. Từ kết quả đạt được, bà con chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng cây ăn trái cùng các dịch vụ đi kèm để đáp ứng nhu cầu của du khách", ông Võ Văn Hoàng phấn khởi.

Thúc đẩy khởi nghiệp trong nông nghiệp

Theo các chuyên gia, nông thôn nói chung và chương trình OCOP nói riêng chính là mảnh đất ươm mầm phát triển “đội ngũ doanh nhân” khởi nghiệp cho đất nước, đồng thời nâng cao các giá trị cho các sản phẩm bản địa. Đến nay, chương trình OCOP đã thu hút hơn 1.400 chủ thể là hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp tham gia và không ít các chủ thể trong đó là các thanh niên.

Mở ra hướng khởi nghiệp - Anh 4

HTX du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ  thành lập với 37 thành viên, trong đó thành viên của HTX chủ yếu là người dân của làng Gò Cỏ. Tham gia HTX, họ được đào tạo về cách làm du lịch chuyên nghiệp, từ đó tạo ra giá trị kinh tế và phát triển các giá trị văn hóa, du lịch bản địa. Đặc biệt khi HTX liên kết với các địa phương phát triển các tour du lịch, không chỉ người dân ở làng Gò Cỏ được hưởng lợi mà người dân ở những vùng lân cận cũng được hưởng nhiều lợi ích khác như: quảng bá hình ảnh, bán các sản phẩm do mình làm ra, nâng cao kỹ năng làm du lịch.“Mô hình HTX rất đa dạng các loại hình dịch vụ nên cho nhiều cơ hội phát triển. Đây cũng là thành tố quan trọng trong xây dựng chuỗi giá trị và xây dựng nông thôn mới nên sẽ nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt”, Giám đốc Nguyễn Thị Diễm Kiều chia sẻ.

Để khai thác tiềm năng và lợi thế của làng Gò Cỏ và điểm du lịch Thành cổ Quảng Ngãi, chính quyền địa phương và ngành chức năng cùng với Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ. Riêng làng Gò Cỏ được hỗ trợ nguồn lực để đầu tư nâng cấp, bảo tồn và phát triển nhằm nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 5 sao.

Mở ra hướng khởi nghiệp - Anh 5

Ngoài 2 sản phẩm trên, toàn tỉnh còn nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm... cũng có thể trở thành điểm dừng chân cho du khách trong hành trình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nếu được khai thác và phát huy hiệu quả. Đơn cử như Khu bảo tồn văn hóa Làng Teng, ở xã Ba Thành (Ba Tơ); làng Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành); cơ sở sản xuất tranh mo cau về các làng nghề truyền thống ở Quảng Ngãi, phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi); vùng sản xuất nếp ngự Sa Huỳnh, cơ sở chế biến muối Sahu ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ)...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, nhiều điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh đẹp về cảnh quan, lại giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Nếu được đầu tư xây dựng và công nhận sản phẩm OCOP sẽ phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời mở ra hướng khởi nghiệp cho các chủ thể, đặc biệt là lực lượng trẻ đam mê và tâm huyết với lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đây cũng là một trong những mục tiêu của Kế hoạch số 32/KH-UBND  triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Mở ra hướng khởi nghiệp - Anh 6

Việt Nam có trên 50% thanh niên sống ở vùng nông thôn, đây là lực lượng lao động trẻ, có cơ hội tốt trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, để thành công trong khởi nghiệp sáng tạo, việc hợp tác liên kết cùng lập nghiệp từ sản xuất, tiêu thụ theo hướng bền vững được cho là hướng đi hiệu quả giúp rút ngắn khoảng cách giữa ý tưởng và hiện thực

 * Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

ĐÌNH BẢO

Ý kiến bạn đọc