Không để tình trạng sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc nhưng không thực chất

VHO - Chiều nay 5.11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Giáo dục 2023 với chủ đề "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục Đại học". Hội thảo do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Bẫy chất lượng trung bình cản trở sự phát triển của GDĐH

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Giáo dục đại học (GDĐH) có sứ mạng phát triển con người thế hệ mới, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Đầu tư cho GDĐH là đầu tư cho phát triển, mang lại hiệu quả trực tiếp và lợi ích lâu dài cho người học và gia đình (lợi ích riêng/lợi ích tư) cũng như cho cả nền kinh tế và toàn xã hội (lợi ích chung/lợi ích công).

Không để tình trạng sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc nhưng không thực chất - Anh 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, GDĐH sẽ chưa thể có bước chuyển biến mạnh nếu không kịp thời có cơ chế, chính sách tài chính đột phá

Qua mười năm thực hiện Luật GDĐH 2012, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết số 29), đặc biệt từ khi triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34), GDĐH nước ta đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế và kỳ vọng của xã hội.

Trong giai đoạn phát triển mới, GDĐH có cơ hội mở rộng quy mô khi nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao của nền kinh tế cũng như nhu cầu và khả năng chi trả cho học tập của người dân ngày càng tăng, nhưng cũng đứng trước thách thức rất lớn phải đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và bảo đảm công bằng xã hội trong điều kiện các nguồn lực còn rất hạn hẹp. Một trong những quan điểm phát triển chủ đạo đó là lấy chất lượng đào tạo, hiệu quả hoạt động và công bằng xã hội làm nền tảng để từng bước mở rộng quy mô, điều chỉnh hợp lý cơ cấu đào tạo, gia tăng cơ hội tiếp cận GDĐH cho mọi người dân, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Trong giai đoạn vừa qua, GDĐH đã có những bước phát triển tích cực cả về quy mô và chất lượng, nhất là từ khi triển khai tự chủ đại học theo Nghị quyết 77/2014/NQ-CP của Chính phủ và Luật số 34. So với 10 năm trước đây, số lượng sinh viên tăng xấp xỉ 40%, trong khi số lượng giảng viên tăng khoảng 30%, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng hơn 2 lần và số công bố khoa học quốc tế trên một giảng viên tăng hơn 5 lần. Việc số lượng sinh viên nhập học đại học tăng khá trong vài năm gần đây, sau một giai đoạn đi xuống, đã cho thấy sự gia tăng trở lại niềm tin của người học và xã hội về chất lượng đào tạo. Số liệu tổng hợp khảo sát tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của các cơ sở GDĐH cũng cho thấy sự cải thiện chất lượng đào tạo trên diện rộng. Những kết quả đạt được từ công tác tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu khoa học có nguyên nhân chính từ việc đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học, tạo ra động lực lớn cho cả hệ thống GDĐH.

Không để tình trạng sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc nhưng không thực chất - Anh 2

Toàn cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, những kết quả đạt được vừa qua cũng đã vô hình trung tạo ra một quan niệm khá phổ biến, cho rằng với việc đẩy mạnh tự chủ đại học, huy động các nguồn lực xã hội hóa, tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các cơ sở GDĐH công lập với tư cách là các đơn vị cung cấp sự nghiệp công lập hoàn toàn có khả năng gia tăng nguồn thu từ xã hội, mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo mà không cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Thực tế là, việc đẩy mạnh tự chủ đại học gắn với tự chủ tài chính theo quan niệm tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư đã tạo ra một sự mất cân đối lớn về cơ cấu lĩnh vực và trình độ đào tạo, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao ở nhiều lĩnh vực then chốt, nhất là nhân lực khoa học, công nghệ. Việc các cơ sở GDĐH phải tăng học phí để bù đắp chi phí trong khi thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính hiệu quả cho người học dẫn tới thu hẹp cơ hội học đại học chất lượng cao đối với những nhóm đối tượng yếu thế. Doanh nghiệp, người học và xã hội mặc dù chưa hẳn hài lòng với cơ cấu và chất lượng đào tạo, nhưng những nguy cơ nêu trên chưa thực sự được quan tâm, nhìn nhận, đánh giá ở mức độ nghiêm trọng và cấp bách. Tự chủ đại học đã phát huy hiệu quả nhưng đã đến giới hạn, GDĐH sẽ chưa thể có bước chuyển biến mạnh nếu không kịp thời có cơ chế, chính sách tài chính đột phá. Đó chính là cái bẫy chất lượng trung bình của GDĐH, một trong những điểm nghẽn lớn nhất đang cản trở sự phát triển của GDĐH.

Trong 2.000 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc, chỉ có 100 em đạt yêu cầu

Bàn về chất lượng nguồn nhân lực trình độ đại học, Phó Giám đốc Học viện Viettel (Tập đoàn Viễn thông quân đội - Viettel), đại tá Dương Xuân Phượng “tiết lộ” thông tin: Có tới 2.000 hồ sơ là các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ứng tuyển, nhưng Tập đoàn chỉ tuyển được 100 em. Qua đó, cho thấy chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học trong nước vẫn còn chưa thực chất.

 Ông Phượng cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Viettel là kỹ thuật điện tử, viễn thông; chế tạo, sản xuất kinh doanh công nghiệp, công nghệ cao, vì thế đội ngũ nhân sự chủ chốt ở Tập đoàn và đơn vị trực thuộc hầu hết phải có 2 bằng đại học là bằng về  kỹ thuật và kinh tế. Bằng kỹ thuật để hiểu gốc của sản phẩm; bằng kinh tế để quản trị kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, do là doanh nghiệp quân đội nên đội ngũ lãnh đạo chỉ huy phải có thêm một bằng nữa về chỉ huy tham mưu quân sự.

Đối với Vietel, đội ngũ nhân sự chủ chốt về cơ bản tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Những người này thường có văn bằng 2 hoặc thạc sĩ kinh tế ở các trường ĐH: Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Thương mại và Học viện Tài chính. Trong đó, 1/4 nhân sự chủ chốt tốt nghiệp tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Không để tình trạng sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc nhưng không thực chất - Anh 3

Phó Giám đốc Học viện Viettel cho biết, trong 2.000 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, chỉ có 100 em đạt yêu cầu

Mặc dù đánh giá “chất lượng đào tạo của các trường ĐH của chúng ta là rất tốt, rất ổn", nhưng theo ông Phượng, cái "rất tốt, rất ổn" nói trên chỉ dành với một số trường ĐH hàng đầu ở Việt Nam. Còn trên hệ thống chung, qua thực tế tuyển dụng nhân sự của Viettel cho thấy chất lượng đào tạo của các trường ĐH hiện nay còn nhiều bất cập, trong đó nổi bật vấn đề khoảng cách giữa nội dung đào tạo tại trường ĐH và thực tế làm việc tại doanh nghiệp.

Dẫn chứng về việc chất lượng GDĐH của Việt Nam còn “lý thuyết”, ông Phượng cho biết: "Chúng tôi đã khảo sát nhanh hơn 100 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đang tham gia chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent (những người được lựa chọn từ gần 2.000 hồ sơ) và kết quả cho thấy, 3/4 các em tự nhận xét những gì mình được học chỉ đáp ứng được dưới 75% yêu cầu công việc, chỉ 2% cho rằng với những gì mình được trang bị có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu. Tỉ lệ này là khá tương đồng với nhận định của các cán bộ Viettel được giao hướng dẫn, kèm cặp. Kết quả này phản ánh thực trạng thiếu và yếu kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm (đây là những kỹ năng mà trường ĐH ít đào tạo, doanh nghiệp mất trung bình 4 - 6 tháng để đào tạo bổ sung".

Ông Phượng cũng nêu một thắc mắc về việc, những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp các loại khá, giỏi, xuất sắc rất cao, có khi lên đến 99%, trong khi năng lực thực tế không cách biệt quá nhiều so với các thế hệ sinh viên tốt nghiệp trước đây (trước đây ngay cả những sinh viên tốt nghiệp loại trung bình nhưng khi được tuyển dụng vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc). "Hiện tượng một sinh viên tôt nghiệp loại xuất sắc nhưng không thể đáp ứng được 70% yêu cầu công việc không phải là trường hợp cá biệt", ông Phượng nêu ý kiến.

Từ thực tế trên, ông Phượng cho rằng các trường cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo sát với thực tế doanh nghiệp, cần đào tạo theo "tín hiệu thị trường". Các cơ quan quản lý cần tạo sự linh hoạt, chủ động cho các trường ĐH trong việc thay đổi, cập nhật nội dung đào tạo gắn liền với yêu cầu của doanh nghiệp. Thay vì đặt ra câu hỏi đến trường "học được kiến thức gì?" thì cần hỏi "học xong có thể làm được gì?".

Minh chứng bằng việc cuộc tuyển chọn sinh viên tham gia chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent, Tập đoàn nhận được 2.000 hồ sơ, gồm những em tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, nhưng qua kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp thì chỉ có 100 em đạt yêu cầu, ông Phượng đề nghị: “Bộ GD&ĐT cần phải có cách thức nào đó để kiểm soát tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc đúng thực chất. Đặc biệt, các trường ĐH cần rà soát, xem xét lại tiêu chí đánh giá sinh viên. Đừng để như hiện nay, tràn lan sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi nhưng không thực chất”.

HOÀNG HƯƠNG, ảnh: HỒNG ÁNH

Ý kiến bạn đọc