Nghệ thuật tạc tượng gỗ nhà mồ độc đáo của đồng bào DTTS Tây Nguyên

VHO - Nghệ thuật tạc tượng gỗ nhà mồ của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên không chỉ là biểu hiện tâm linh, tín ngưỡng của “vạn vật hữu linh” hoang sơ, mà còn là nghề thủ công độc đáo của đồng bào các DTTS Êđê, Ba na, Jrai, Xê đăng…

Nghệ thuật tạc tượng gỗ nhà mồ độc đáo của đồng bào DTTS Tây Nguyên - Anh 1

Nghệ nhân đẽo tượng gỗ nhà mồ

Ngày nay, bên cạnh việc coi tượng gỗ nhà mồ như một biểu tượng tâm linh, đồng bào các DTTS Tây Nguyên còn dùng tượng vào việc trưng bày, trang trí trong nhà dài, nhà rông, nhà mồ.

Tạc tượng gỗ nhà mồ là một hoạt động văn hóa dân gian đậm dấu ấn nghệ thuật của đồng bào các DTTS Tây Nguyên. Nghệ thuật này đã gắn với đời sống của đồng bào các DTTS nơi đây từ lâu đời. Những bức tượng gỗ được tạc, đẽo mộc mạc, đơn sơ, thể hiện nhiều sắc thái đời sống của con người, của thiên nhiên hoang dã, luôn mang đến cho người xem những ấn tượng khó quên về vùng đất đại ngàn.

Nói về nghệ thuật tạc tượng nhà mồ, già làng Rơ Châm Đo, làng Kép Ping, xã Ia Mnông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho biết: Những pho tượng gỗ nhà mồ đều mang lối điêu khắc đơn giản, mộc mạc, như: “Người phụ nữ bồng con”, “Người đàn ông vác rìu” hay các loại chim muông, hoa lá…là sự mô tả chân thực về cuộc sống nương rẫy, săn bắn, tập tục, tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các tộc người ở Tây Nguyên.

Bằng những công cụ thô sơ như rìu, dao, đục… mà những khúc gỗ tưởng chừng như vô tri, vô giác, dưới đôi tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú của những người nghệ nhân đã trở thành những vật có hồn. Mỗi tác phẩm đều mang một cảm xúc, dáng vẻ khác nhau, vừa ẩn chứa hồn thiêng như toát lên cốt cách, núi rừng Tây Nguyên.

 Không chỉ dừng lại ở đó, những pho tượng nhà mô còn là những tác phẩm mang đậm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, nghề thủ công độc đáo, chứa đựng giá trị truyền thống vô cùng qúy giá cần được gìn giữ và phát huy.

Trong khi đó, nghệ nhân Rơ Châm Khir, làng Kênh, xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, cho rằng: Trong số các loại tượng gỗ thì tượng nhà mồ có lâu đời nhất và độc đáo nhất. Tượng nhà mồ được các nghệ nhân làm ra để dùng trong lễ bỏ mả, thể hiện qua cuộc chia tay cuối cùng giữa người sống và người chết, để tiễn những linh hồn về thế giới những người đã khuất. Sau lễ bỏ mả, tượng nhà mồ cũng nằm lại nghĩa địa cùng thời gian, mưa nắng nên mới có tên gọi là tượng gỗ nhà mồ.

Nghệ thuật tạc tượng gỗ nhà mồ độc đáo của đồng bào DTTS Tây Nguyên - Anh 2

Nghệ nhân đo, vẽ  hình thành ý tưởng cho bức tượng gỗ

Trong số những bức tượng nhà mồ, hình tượng được sử dụng chủ đạo là hình người ngồi ôm mặt trong dáng vẻ buồn bã. Đây được coi là hình tượng cổ nhất trong các loại tượng gỗ dân gian ở Tây Nguyên. Kế tiếp là loại tượng hình người mẹ địu con trên lưng hoặc bế con trên tay hoặc hình chim thú, thể hiện đời sống gắn với thiên nhiên của đồng bào Tây Nguyên. Ngoài ra những bức tượng mang yếu tố phồn thực cũng thường được tạc đẽo để chôn xung quanh những ngôi mộ.

Mặc dù được tạo nên một cách ngẫu nhiên, tùy theo cảm hứng của người tạc, nhưng mỗi bức tượng gỗ khi đã được tạo nên đều có ý nghĩa riêng của nó. Các nghệ nhân họ minh họa, khắc họa những hình tượng ví dụ như Ka Ra Kôm - chống hai tay vào cằm, nghĩa là những người đó luôn luôn mong đợi, nhớ thương những người đã chết, bỏ mình ra đi. Còn tượng ôm con đều mô tả nỗi buồn khi người chồng mất đi, người mẹ luôn tìm chồng, chờ chồng.

 Ở những ngôi nhà mồ to đẹp, bề thế trước đây, cây gỗ dùng để tạc tượng thường được làm bằng loại gỗ tốt, những bức tượng gỗ này có thể tồn tại mấy chục năm dù trải qua mưa nắng.

 Khi những cây gỗ tốt hiếm dần, tượng nhà mồ chủ yếu được tạc bằng những cây gỗ tạp nên nhanh bị mối mục hơn. Đáng lưu ý, gần đây, khi diện tích rừng ở Tây Nguyên bị thu hẹp, tại nhiều buôn làng trong vùng, bà con khó có thể tìm ra cây gỗ quý để tạc tượng nhà mồ.

Loại hình văn hóa này đang đứng trước nguy cơ mai một và mất đi ở nhiều buôn làng, nơi mà loại hình nghệ thuật độc đáo này được sản sinh ra. Gần đây, trong nỗ lực bảo tồn những nét văn hóa độc đáo ở Tây Nguyên, trong đó có nghệ thuật tạc tượng nhà mồ, các tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông đã tích cực phối hợp tổ chức các sự kiện liên hoan văn hóa và các cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian.

Tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên là một loại hình nghệ thuật độc đáo, nằm trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc