HSSV dân tộc thiểu số các trường VHTTDL: Dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn

VHO - “Giao lưu HSSV dân tộc thiểu số tiêu biểu các trường VHTTDL khu vực phía Nam” lần thứ VIII năm 2023 đang diễn ra tại Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM với nhiều hoạt động đặc sắc. Tham gia giao lưu là hơn 300 HSSV tiêu biểu, có nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện, đến từ 12 cơ sở đào tạo của ngành VHTTDL tại khu vực phía Nam.

Tại chương trình, các bạn đã thể hiện sức trẻ năng động, sự nhiệt huyết và tinh thần đoàn kết, tự hào về các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó cũng chia sẻ tâm tư về ngành học mà mình đang theo đuổi... Văn hóa đã ghi nhận chia sẻ của các gương tiêu biểu trong chương trình Giao lưu năm nay.

Quách Hạ Văn: Chàng trai Mường đang học Kỹ sư môi trường rẽ lối sang nhạc cụ dân tộc

Quách Hạ Văn sinh năm 1999, dân tộc Mường, hiện là sinh viên năm nhất ngành Sáo trúc, khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện TP.HCM. Văn cho biết trước đây em đã tốt nghiệp trung cấp 4 năm ngành Sáo trúc, sau đó thi tiếp bậc Đại học với mong muốn được đào tạo chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, khi bước chân vào TP.HCM, em là sinh viên ngành Kỹ sư môi trường, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), đến năm thứ hai trường này thì em rẽ lối sang thi vào ngành Sáo trúc của Nhạc viện. 

HSSV dân tộc thiểu số các trường VHTTDL: Dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn - Anh 1

“Không hiểu sao em rất mê bộ môn Sáo trúc, nên từ nhỏ em mày mò học, không nghĩ sẽ có duyên với ngành học này nên em dự tuyển vào Trường ĐH Bách khoa. Thế rồi vì quá yêu thích nhạc cụ dân tộc, em đã tìm thầy dạy, và sau đó quyết định thi vào Nhạc viện TP.HCM. Khi biết tin thi đỗ, em đã mạnh dạn rẽ lối từ Kỹ sư môi trường sang học Sáo trúc”, Văn bày tỏ và cho biết mong muốn sau này sẽ được trở thành nghệ sĩ trình diễn nhạc cụ dân tộc cho đồng bào mình và đông đảo khán giả khác. 

“Nếu không có duyên trở thành nghệ sĩ, em mong muốn làm thầy dạy nhạc cụ, vì hiện tại em cũng tham gia mở các lớp dạy sáo trúc tại các trung tâm âm nhạc”, Văn nói thêm.

Chia sẻ về việc tham gia chương trình giao lưu HSSV dân tộc thiểu số, chàng trai Mường cho biết đây là lần thứ hai được tham gia, lần trước là khi đang học trung cấp năm cuối. “Em rất vui và tự hào khi được tham gia chương trình giao lưu, đối với em mỗi lần như vậy là được gặp gỡ nhiều bạn bè, qua đó được giao lưu, bồi dưỡng kiến thức và học hỏi rất nhiều từ các bạn. Trong quá trình học tập ở trường những năm qua, em đã được thầy cơ quan tâm, động viên, đó chính là động lực để em phấn đầu nhiều hơn nữa”, Văn cho biết. 

Được biết, vì học chuyên ngành nhạc cụ dân tộc, nên Quách Hạ Văn được hưởng chế độ giảm 70% học phí và 40% hỗ trợ ưu đãi nghề toàn khóa học. Trong chương trình giao lưu năm nay, Văn vinh dự được nhận học bổng Vừ A Dính.

Ka Thuyên: Mong muốn có thêm những thư viện miễn phí vùng dân tộc thiểu số

Đây là lần đầu tiên Ka Thuyên tham gia hoạt động “Giao lưu HSSV dân tộc thiểu số tiêu biểu các trường VHTTDL khu vực phía Nam”. Nữ sinh viên cho biết em rất vui và hạnh phúc vì tại đây em được gặp gỡ, giao lưu, hòa nhập với rất đông các bạn HSSV dân tộc thiểu số đến từ các trường bạn. 

HSSV dân tộc thiểu số các trường VHTTDL: Dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn - Anh 2

Ka Thuyên là người dân tộc Mạ, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, là sinh viên khoa Xuất bản phát hành, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Em là 1 trong 28 HSSV tiêu biểu được nhận học bổng Báo Người lao động trao tặng.

Theo Ka Thuyên, tại chương trình Giao lưu năm nay, em ấn tượng nhất là chương trình tọa đàm bàn về các chính sách hỗ trợ dành cho HSSV dân tộc thiểu số ngành VHTTDL diễn ra vào sáng ngày 3.11. “Qua đây, em được hiểu hơn những chương trình, chính sách ưu đãi, chế độ ưu tiên trong giáo dục - đào tạo của Đảng và Nhà nước đối với HSSV dân tộc thiểu số của ngành VHTTDL. Em xin cảm ơn  Đảng và Nhà nước, cám ơn Bộ VHTTDL và các thầy cô đã dành sự quan tâm đặc biệt đến cho các bạn HSSV dân tộc thiểu số như chúng em”, Ka Thuyên bày tỏ.

“Em đang theo học ngành xuất bản phát hành, tuy nhiên ở vùng nông thôn của em thì các hoạt động về sách còn rất ít, không có các cửa hàng sách hay thư viện. Vì thế em mong muốn, các nhà xuất bản cũng như các đơn vị tài trợ có thể giúp đỡ những vùng như huyện Đạ Tẻh, có thêm các thư viện miễn phí để các bạn trong vùng nông thôn cũng như các bạn dân tộc thiểu số có điều kiện thể tìm đến những tài liệu, những cuốn sách mới với kiến thức hay hơn, bổ ích hơn. Đặc biệt, góp phần mở rộng, nâng cao kiến thức xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật… của các bạn trẻ nơi đây”, nữ sinh dân tộc Mạ bày tỏ tâm tư.

Phương Minh Đạt: Tự hào là một thành viên trong ngôi nhà chung văn hóa dân tộc Việt Nam

Sinh năm 2003, là nam sinh dân tộc Hoa, hiện đang học khoa Đồ hoạ, Trường CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai với thành tích học tập xuất sắc. Đạt là 1 trong 28 gương tiêu biểu được trao học bổng Vừ A Dính tại chương trình giao lưu năm nay.

HSSV dân tộc thiểu số các trường VHTTDL: Dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn - Anh 3

Đạt cho biết em sinh ra và lớn lên ở thành phố Biên Hoà, nhà gần trường nên vừa học, em vừa có thể đỡ đần được cho gia đình. “Sau khi tốt nghiệp trung cấp ngành Công nghệ thông tin tại Trường Cao đẳng kĩ thuật Đồng Nai, em cảm thấy bản thân mình không định theo ngành Công nghệ thông tin lâu dài nên đã quyết định vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Bởi không những đây là ngôi trường gần nơi em sống mà hơn hết là có đào tạo ngành Thiết kế đồ hoạ, là ngành nghề em thực sự mong muốn theo học”, Đạt chia sẻ.

Sau hơn 3 năm gắn bó với mái trường này, Phương Minh Đạt cho hay cảm thấy bản thân đã thay đổi vượt bậc, từ một người có nỗi sợ giao tiếp, lo lắng khi được thầy chỉ định làm lớp phó của lớp, nhờ các thầy cô mà em vững vàng với lựa chọn của mình, tự tin trong học tập và rèn luyện tác phong. “Sự tự tin của em càng được bồi đắp khi được vinh dự chọn tham gia ngày hội giao lưu HSSV dân tộc thiểu số các trường VHTTDL, qua đây, em tự hào bản thân là một thành viên trong ngôi nhà chung văn hóa dân tộc Việt Nam, để có thể cùng các bạn tô nên bức tranh sắc màu đa dạng”. 

T.TRANG - H.HẠNH 

Ý kiến bạn đọc