Phát triển du lịch nông nghiệp bằng các sản phẩm đặc trưng

VHO -Với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, điều kiện khí hậu lý tưởng, là tỉnh đứng đầu miền Bắc về diện tích cây ăn quả, cùng những mảng màu văn hóa đặc trưng, riêng biệt của 12 dân tộc anh em cùng sinh sống đã đem lại cho Sơn La những nét độc đáo trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phát triển du lịch nông nghiệp bằng các sản phẩm đặc trưng - Anh 1

 Những năm qua, Sơn La đã hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch gắn nông nghiệp, nông thôn với các loại hình du lịch trang trại nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa, nghỉ cộng đồng hoặc hoạt động trải nghiệm làm nông nghiệp… Trong đó, điểm nhấn nổi bật là các lễ hội du lịch kết hợp quảng bá sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương, như Ngày hội hái quả, hội chè cao nguyên tại huyện Mộc Châu; Ngày hội nhãn tại Sông Mã, xoài tại Yên Châu, lễ hội cafe… Qua đó, du khách có dịp trải nghiệm tham quan vườn mận, đồi chè, hái xoài… và thưởng thức trái cây ngay tại vườn. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian của người dân địa phương.

Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM, tỉnh Sơn La đã tập trung huy động, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư các công trình hạ tầng, như: Các tuyến đường giao thông trục chính, đường nội bộ, điện, nước sạch... Các huyện, thành phố đã chủ động bố trí vốn đầu tư và kêu gọi xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường bộ, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện cơ bản được nhựa hóa, đường giao thông nông thôn, các tuyến đường bản, tiểu khu từng bước được bê tông hóa. Bố trí ngân sách địa phương sửa chữa, cải tạo đường giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch, bản du lịch. Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các hệ thống điện chiếu sáng, trồng hoa hai bên các tuyến; hỗ trợ hệ thống thu gom, xử lý rác thải...

Bên cạnh đó, Sơn La đã hỗ trợ được 2 sản phẩm du lịch đạt OCOP 4 sao, là điểm du lịch cộng đồng Ngọc Chiến, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La và điểm du lịch Pha Đin Top, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu. Gạo nếp tan Ngọc Chiến là sản phẩm gạo nếp đã được đồng bào dân tộc Thái xã Ngọc Chiến, huyện Mường La trồng từ nhiều đời nay. Đây là giống gạo nếp có những đặc tính quý như gạo trắng trong, hạt bầu bóng, chất lượng gạo dẻo, mùi hương thơm dịu, vị gạo ngậy bùi. Ngày nay, giống lúa đặc sản này đã trở thành sản phẩm hàng hóa, khẳng định chất lượng và có giá trị trên thị trường, giúp người nông dân có thu nhập ổn định. Xã Ngọc Chiến đã quy hoạch vùng trồng

 và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân theo hướng sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị, tạo sản phẩm đặc trưng, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Xã Ngọc Chiến hiện có 250 ha, với năng suất bình quân từ 4 - 4,5 tấn/ha. Đến nay, sản phẩm gạo nếp tan Ngọc Chiến không chỉ là sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh mà vẻ đẹp của những cánh đồng lúa nơi đây còn tương hỗ cho du lịch cộng đồng phát triển. Hằng năm nhân dân các dân tộc nơi đây đều tổ chức Lễ hội mừng cơm mới nhằm khẳng định nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Theo Sở NN&PTNT Sơn La, đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, thế mạnh của từng địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Do vậy, Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM đang được các địa phương triển khai, nhân rộng.

Phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bền vững. Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 30 điểm khai thác các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng, mô hình trải nghiệm du lịch vườn sinh thái.

Để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp và được công nhận theo quy định của Luật Du lịch, tỉnh Sơn La đã xây dựng và triển khai Kế hoạch Số: 232/KH-UBND ngày 27.9.2023 về Thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2023-2025. Từ đó sẽ tạo đòn bẩy cho du lịch của tỉnh trong định hướng chiến lược phát triển, trên cơ sở khai thác thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của địa phương và hình thành những sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo và hấp dẫn; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho các cộng đồng địa phương, góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tri thức bản địa, sản phẩm địa phương. Theo đó mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; các huyện, thành phố có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá. Phấn đấu các huyện, thành phố có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh. 

ĐÌNH BẢO

Ý kiến bạn đọc