Lan tỏa sản phẩm OCOP để gắn kết phát triển du lịch

VHO - Bình Định đang nỗ lực nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu, đồng thời đưa sản phẩm OCOP vào phục vụ du lịch. Việc làm này nhằm tăng giá trị sản phẩm OCOP và kết nối trực tiếp từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng cũng như phục hồi, duy trì, phát triển nhiều ngành nghề truyền thống văn hóa và tạo ra sản phẩm OCOP mang tính đặc thù để phát triển du lịch.

Nhiều OCOP gắn sao

Thời gian qua, triển khai, thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến nay có trên 200 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Thời gian qua tỉnh đã và đang đẩy mạnh gắn kết phát triển các sản phẩm OCOP với du lịch nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng đồng hành với các doanh nghiệp, để cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP có chương trình giới thiệu, kết nối các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chung tay nỗ lực triển khai thực hiện và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực trong việc gắn sản phẩm OCOP trong phát triển du lịch. 

Hoài Ân là vùng đất trung du được mệnh danh là “thủ phủ cây ăn quả” của tỉnh Bình Định. Hơn 7 năm qua, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhờ xác định đúng hướng, cách làm phù hợp, huyện Hoài Ân là địa phương điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giờ đây, đi qua những vùng trồng nông sản như: Bưởi da xanh, dừa xiêm, mít Thái, trà Gò Loi, heo thịt, gà ta thả vườn… mang thương hiệu đặc trưng Hoài Ân và đã vươn xa khắp đất nước.

Lan tỏa sản phẩm OCOP để gắn kết phát triển du lịch - Anh 1

Nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường (huyện Phù Cát, Bình Định), là một sản phẩm OCOP độc đáo hút khách thường xuyên đến tham quan, trải nghiệm

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết: Đến nay, Hoài Ân đã có 5 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Ngoài ra, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Hoài Ân đã có 14 sản phẩm được UBND tỉnh Bình Định cấp chứng nhận OCOP và 28 sản phẩm đăng ký giao dịch trên sàn thương mại điện tử của tỉnh. Trong đó một sản phẩm OCOP tiểu biểu phải kể đến như: Nhang trầm hương, bưởi da xanh, chè Gò Loi, chè nụ hoa hòe, mật ong dú, nem chả Ngọc Liễu... “Các sản phẩm nông nghiệp huyện được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, được phân phối thông qua các đại lý, cửa hàng trên nhiều tỉnh thành của cả nước. Đó là cách để sản phẩm OCOP đến gần với khách du lịch nhiều hơn trong thời gian tới”, ông Khúc chia sẻ.

Thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh này cũng tổ chức quảng bá sản phẩm OCOP tại các chương trình, sự kiện lớn về du lịch trong nước như: Trưng bày giới thiệu tại gian hàng du lịch Bình Định trong Hội chợ du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội; Lễ hội văn hóa ẩm thực 3 miền Bắc – Trung – Nam năm 2023… Các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP đã được nhiều du khách quan tâm, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, Sở Du lịch Bình Định đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng khả năng gắn kết với ngành du lịch như: Tổ chức khảo sát và phát triển sản phẩm tại làng hoa Bình Lâm (Tuy Phước), làng rau Thuận Nghĩa (Tây Sơn), Yuki farm - Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn)...

Bàn cách để OCOP hút khách

Nhằm tạo thêm điểm đến cho du khách và quảng bá các món ăn, các sản phẩm du lịch địa phương, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn thông tin: Chúng tôi đã tổ chức hoạt động 3 phố ẩm thực, 1 điếm bán hàng ẩm thực lưu động và 1 điểm bán hàng chuyên bán sản phẩm OCOP với mục tiêu gắn hoạt động kinh doanh kết hợp với quảng bá sản phẩm ẩm thực, OCOP của địa phương. Như vậy, để thành phố biển Quy Nhơn có thêm điểm đến, không gian mang nét văn hóa ẩm thực địa phương, thu hút được du khách khi đến nơi đây du lịch.

Để phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được thị hiếu du khách, thì lãnh đạo Sở Công thương Bình Định chỉ ra, thời gian tới, để phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng cần nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, phấn đấu nhiều sản phẩm đạt 5 sao để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, ứng dụng các giải pháp số (công nghệ 4.0) trong sản xuất, thương mại sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực cho OCOP và bán hàng.

Lan tỏa sản phẩm OCOP để gắn kết phát triển du lịch - Anh 2

“Thủ phủ cây ăn quả” của huyện Hoài Ân có nhiều kiện để phát triển du lịch cộng đồng

Đề xuất phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch Bình Định trong thời gian tới, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định đề nghị: Chúng ta nên thử nghiệm và nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP, các tuyến phố OCOP; bố trí trưng bày sản phẩm OCOP tại các điểm dừng nghỉ dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các điểm du lịch. Bên cạnh đọ, phát triển các điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khách sạn, điểm du lịch trong toàn tỉnh để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

Trong khi đó, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết: Các ngành, địa phương nên đôn đốc, lan tỏa việc đưa sản phẩm OCOP vào các khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh, đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, tạo cơ hội gắn kết du lịch giữa các địa phương và tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm OCOP. Cùng đó, các sở, ngành liên quan hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm thuộc chương trình OCOP.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc