TP.HCM: Công nghiệp văn hóa được định hướng là lĩnh vực đột phá

VHO - UBND TP.HCM vừa phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) TP.HCM đến năm 2030.Theo Đề án, các ngành CNVH được thành phố định hướng là lĩnh vực phát triển nhanh chóng, đột phá trong chiến lược phát triển quốc gia.

TP.HCM: Công nghiệp văn hóa được định hướng là lĩnh vực đột phá - Anh 1

Nghệ thuật biểu diễn là một trong 8 ngành CNVH mũi nhọn của thành phố

Đề án nêu rõ, trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa hiện nay, việc phát triển ngành CNVH trở thành một yêu cầu cấp thiết. Nhiều quốc gia phát triển CNVH ở mức chuyên nghiệp, nhất là ở các nước phát triển, đã áp dụng mô hình văn hóa mở đường cho nhiều hoạt động kinh tế. Các ngành CNVH được coi là một lĩnh vực phát triển nhanh chóng, là trọng tâm và là lĩnh vực đột phá trong chiến lược phát triển quốc gia.

Đề án Phát triển ngành CNVH TP.HCM đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu của từng giai đoạn. 

Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu phát triển, đưa TP.HCM trở thành trung tâm CNVH của cả nước và khu vực. Đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố, gồm quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa. Định hướng và từng bước phát triển các ngành nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.

Giai đoạn 2026-2030, Đề án đặt mục tiêu phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH trên địa bàn thành phố một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố sẽ có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới. Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm CNVH của khu vực Đông Nam Á.

Đề án cũng đề cập việc tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội trong và ngoài nước để phát triển các ngành CNVH của thành phố. Xây dựng thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa vốn là thế mạnh của thành phố, thúc đẩy phát triển các nhóm ngành dịch vụ văn hóa đạt chất lượng, hiệu quả. Trong đó, tập trung phát triển và quản lý nhằm nâng cao tỷ trọng các ngành dịch vụ, xem đây là yếu tố cơ bản để ngành CNVH thành phố phát triển bền vững…

Thực tế có thể thấy, tỷ trọng đóng góp của ngành CNVH đối với GRDP và sự phát triển kinh tế của thành phố ngày càng lớn. Việc lựa chọn loại hình, lĩnh vực trọng tâm và có cơ chế, chính sách phát triển sẽ tạo động lực để các ngành CNVH đóng góp ngày càng lớn hơn và góp phần phát huy giá trị văn hóa trong quá trình phát triển, hội nhập của đất nước.

Đề án cũng đề cập đến việc xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện đại để tạo nền tảng, cơ sở sản sinh ra các sản phẩm văn hóa mang tính công nghiệp, chất lượng cao, phù hợp thị trường. 

Bên cạnh đó, vấn đề xã hội hóa trong phát triển văn hóa cũng được Đề án đề cập. Thành phố sẽ sớm có cơ chế tiếp nhận đề xuất từ doanh nghiệp và đặt hàng sản phẩm phát triển CNVH cho doanh nghiệp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp, đồng thời tạo sự yên tâm, tin tưởng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ổn định và lâu dài. Có cơ chế đặc thù để định hướng ủng hộ, tạo điều kiện, hỗ trợ hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân mang tính đầu tàu, dẫn dắt, tiên phong để phát triển 8 ngành CNVH mũi nhọn của thành phố.

Theo UBND TP.HCM, việc xây dựng Đề án là rất cấp thiết, nhằm khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển một số ngành, lĩnh vực CNVH đang thực hiện và lợi thế của TP.HCM, từ đó nhận diện đầy đủ những tiềm năng, thế mạnh có thể phát triển các ngành CNVH của Thành phố và những hạn chế, thách thức cần phải đối mặt, khắc phục.

KIỀU GIANG

Ý kiến bạn đọc