Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để chấn hưng, phát triển văn hóa (Bài 2): Một số đề xuất trọng tâm

VHO- Trước hết, vẫn cần nhắc lại và nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về nội hàm văn hóa và cách triển khai các hoạt động cụ thể. Hình như, đây đó vẫn còn một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện không chuẩn trong nhận thức, đánh giá về thực trạng văn hóa, để từ đó có cơ sở xây dựng chương trình hành động sát hợp.

Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để chấn hưng, phát triển văn hóa (Bài 2): Một số đề xuất trọng tâm - Anh 1

 Bảo vệ độc lập dân tộc - gốc rễ là bảo vệ bản sắc văn hóa Ảnh minh họa

 Nếu cách đây vài năm, ta phê phán tư duy về văn hóa xưa cũ, lạc hậu, thì nay lại xuất hiện biểu hiện cực đoan trong việc đánh giá, thẩm định những chương trình, đề án, mà dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao cho ngành Văn hóa chủ trì, phối hợp xây dựng và triển khai. Xin được nêu vài ví dụ cụ thể. Một trong những vấn đề đang được xã hội quan tâm bàn tán là có biểu hiện “đi xuống” của ngành Thể thao, trong đó có bóng đá là môn “thể thao vua”? Trong đánh giá sự việc, sự kiện, mỗi người có quyền so sánh, nhưng không thể sử dụng phương pháp đó một cách tùy tiện, phi khoa học, phi thực tiễn. Chúng ta thừa nhận nhiệt tình và cống hiến của huấn luyện viên Park Hang-seo là đúng, vì trong thời gian ông huấn luyện, đội tuyển bóng đá nước nhà đã lập nhiều kỳ tích đáng tự hào. Nhưng từ đây lại phê phán gay gắt huấn luyện viên Troussier (người đang thay ông Park Hang-seo) về cách chỉ đạo “có vấn đề” nên đang dẫn đến những thất bại liên tiếp của đội tuyển Việt Nam và U23 từ đầu năm đến nay. Có người cho rằng, sai lầm của ông Troussier là chọn cầu thủ không xứng đáng vào đội tuyển, bảo thủ trong chỉ đạo chiến thuật, thậm chí quá đề cao “cái tôi” của mình… Vậy sẽ giải thích thế nào khi vẫn các cầu thủ nổi tiếng hồi ông Park Hang-seo như Quang Hải, Công Phượng, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh, Văn Toàn, Văn Quyết, Văn Thanh... vừa rồi cũng đã được ông Troussier bổ sung vào đá những trận giao hữu quốc tế, nhưng vẫn không tăng cường được sức mạnh cho toàn đội?

Suy cho cùng, bóng đá gắn với con người, gắn với các tố chất sức khỏe, sự nhanh nhẹn, dẻo dai cùng với kỹ thuật thao tác thành thạo..., nhưng có một yếu tố quan trọng là tuổi tác, một khi tuổi đã cao thì không thể để mãi trong đội tuyển. Vậy chỉ còn cách phải mạnh dạn bổ sung các cầu thủ trẻ, và để lập nên những chiến tích mới, cần có thời gian, không phải chỉ là dăm ba năm, thậm chí lâu hơn thế. Điều này ta cần chia sẻ với ông Troussier. Nhưng đáng tiếc, kiểu tư duy “quy kết một chiều” này cũng đang tác động một số người được mời tham gia xem xét, thẩm định các cơ chế, chính sách khác về văn hóa, cũng thường đặt ra những nhận định có tính suy diễn tương tự, ví như: Vì sao đề nghị “chi tài chính” cho văn hóa lần này tăng vọt lên so với trước nhiều lần như vậy? Tất nhiên, để trả lời câu hỏi này, ngành Văn hóa sẽ trình trước Quốc hội và Chính phủ cơ sở khoa học và thực tiễn để đưa ra con số chi tiêu cho từng hạng mục, chuyên ngành mà Bộ VHTTDL đang phải quản lý rất nhiều lĩnh vực và đầu mối.

Hai là, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, văn hóa là việc của mọi Ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội, do vậy, phải huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người. Chúng ta đều thấy rõ sự bất cập trong việc đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm văn hóa, thực thi các hoạt động hằng ngày vừa qua, nhưng không thể ngày một ngày hai là chấm dứt ngay được thực trạng đó, là hoàn thiện ngay theo đúng yêu cầu quy hoạch và đào tạo cán bộ. Vì vậy, theo tôi, cần phải xây dựng một lộ trình phù hợp, không thể nóng vội, “đốt cháy giai đoạn” trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm văn hóa. Mặt khác, trong những trường hợp cụ thể, khi đã phát hiện một số cán bộ đã được rèn luyện trong thực tiễn hoạt động văn hóa, khẳng định rõ năng lực, phẩm chất thì cần phải giao cho họ những cương vị công tác tương xứng để họ có điều kiện phát huy hết năng lực, sở trường…

Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để chấn hưng, phát triển văn hóa (Bài 2): Một số đề xuất trọng tâm - Anh 2

 Hát Xoan (Phú Thọ) thuộc tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, một dấu ấn văn hóa thời kỳ bình minh dựng nước, giữ nước vẫn lưu truyền đến ngày nay Ảnh Internet

Ba là, sự nghiệp chấn hưng, phát triển văn hóa nước ta được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật. Đã đến lúc cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò cấp ủy và chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo, thực hiện cụ thể, khắc phục nhanh tình trạng “khoán trắng”; hoặc khi sơ kết, tổng kết thì mang nặng hình thức, đối phó, hoặc khoa trương…

Bốn là, một trong những nét đẹp của văn hóa con người Việt Nam là “trong cái khó ló cái khôn”, vì vậy, cần khơi dậy được truyền thống yêu nước, ý thức đại đoàn kết dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, cả nước chung tay vực dậy lĩnh vực tinh thần là nền tảng xã hội này. Thiết nghĩ, những phong trào đã có, như “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào “xã hội hóa văn hóa”; phong trào “liên kết gia đình - nhà trường - xã hội” trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh..., nếu được tổng kết bài bản, sẽ là cơ sở quan trọng tạo ra bước chuyển mới trong các hoạt động văn hóa. Trước tình hình hiện nay, yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng thiết lập môi trường văn hóa lành mạnh; sự rà soát, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách để thích hợp tình hình mới; tăng cường phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị xã hội để ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt là nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao rất nhiều ngành trong những năm qua đã xây dựng được các tiêu chí về văn hóa, như văn hóa công an, văn hóa giao thông, văn hóa doanh nhân, văn hóa báo chí…, nhưng đến nay ít ngành tiến hành tổng kết bài bản, do đó sức lan tỏa chưa rộng rãi. Đặc biệt trong văn hóa học đường, đang xuất hiện tình trạng đáng báo động - đó là vấn nạn một số cô giáo, thầy giáo bạo hành học sinh. Rồi trong đợt xem xét phong hàm giáo sư, phó giáo sư, xuất hiện nạn khai man các bài báo quốc tế, nạn “đạo văn”… Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng đã đến lúc cần khẩn trương xây dựng các tiêu chí cụ thể của “văn hóa liêm chính” đi kèm các chế tài xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực đó. Theo tôi, “văn hóa liêm chính” này nên được quan tâm xây dựng và chỉ đạo sát sao, sẽ là cơ sở quan trọng để tất cả các ngành, các địa phương giáo dục và rèn luyện cán bộ trong mọi lĩnh vực, có sức lay động lòng tự trọng và ý chí tiến lên của mỗi người trên từng vị trí công tác. Không có “chiếc đũa thần” nào thay thế sự nỗ lực chủ quan của từng cá nhân, từng cộng đồng cùng hợp sức ngăn chặn các hành vi phi đạo đức để mở đường thúc đẩy văn hóa phát triển.

Thực hiện tốt những nội dung nêu trên, chính là nhân tố quyết định việc triển khai thành công ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 24.11.2021: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. 

 Cần nhấn mạnh thêm, với việc nêu rõ 7 đặc tính của con người Việt Nam, mà Văn hóa có nhiệm vụ tham gia bồi đắp, qua thực tiễn chống đại dịch Covid-19, chống bão lũ, thiên tai, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây, chúng ta càng thấu hiểu sức mạnh của Văn hóa trong việc khơi gợi lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, tình người trong hoạn nạn, thương đau; và nhờ vậy thắp sáng niềm tin và hy vọng của toàn dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn đó là minh chứng sinh động về “sức mạnh mềm” lớn lao của Văn hóa, mà Nghị quyết 33 đã nhìn nhận, phân tích ở tầm chiến lược, là “điểm tựa” rất quan trọng để thúc đẩy Văn hóa phát triển.

 

PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc