Trùng tu, tôn tạo và khai thác di tích Đình Lâm Sơn ở Nghĩa Hành

VHO - Sáng 31.10, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi tổ chức nghiệm thu công trình trùng tu, tôn tạo, sửa chữa, chống xuống cấp di tích Đình Lâm Sơn ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành.

Trùng tu, tôn tạo và khai thác di tích Đình Lâm Sơn ở Nghĩa Hành - Anh 1

Đình Lâm Sơn là nơi cố kết cộng đồng, bảo tồn những di sản văn hoá vật thể, phi vật thể

Đình Lâm Sơn ở thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh. Theo tài liệu lưu giữ tại đây, ngôi đình được tạo lập vào khoảng thời Gia Long (1802-1820). Đình Lâm Sơn có phụng lĩnh 7 đạo thần sắc của các triều vua phong tặng. Được xây dựng theo hình chữ Đinh gồm một nhà tiền đường, tức đại đình và một nhà hậu cung nối liền nhau. Mặt trước của tòa đại đình là một khoảng sân rộng có hình vuông, các công trình kiến trúc được bố trí xung quanh khoảng sân rộng này. Năm 1969, giặc Mỹ đánh phá tại làng này nên ngôi Đình bị cháy. Đến năm 1973, ngôi Đình được tái lập và xây dựng lại. 

Trùng tu, tôn tạo và khai thác di tích Đình Lâm Sơn ở Nghĩa Hành - Anh 2

Bên trong Đình Lâm Sơn 

Tuy nhiên, trải qua thời gian dài không có điều kiện tu bổ, tôn tạo Đình Lâm Sơn đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đại bộ phận các kết cấu bị mối mọt xâm hại, mái ngói bị bể khiến mưa dột..... Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, đã hỗ trợ kinh phí gần 500 triệu đồng để trùng tu, sửa chữa Đình Lâm Sơn. Đến nay công trình đã được đưa vào sử dụng.

Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của thế hệ sau đối với thế hệ trước. Việc trùng tu, tôn tạo Đình Lâm Sơn góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Trùng tu, tôn tạo và khai thác di tích Đình Lâm Sơn ở Nghĩa Hành - Anh 3

Cổng đình được xây bằng đá ong trường tồn với thời gian

Ông Đoàn Pháp Luật, người trông coi Đình Lâm Sơn chia sẻ: “Đình Lâm Sơn là niềm tự hào của những người dân ở thôn Phước Lâm. Đây là nơi nâng cao tinh thần cố kết cộng đồng, giáo dục con cháu về truyền thống của cha ông và bảo tồn những di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của một vùng đất”.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc