Hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến

VHO – Ngày 31.10, Toạ đàm “Hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến” đã diễn ra tại Hà Nội do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) phối hợp với nền tảng du lịch Traveloka tổ chức.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở Du lịch,  các doanh nghiệp lữ hành, và các chuyên gia trong ngành du lịch trong và ngoài nước. Phát biểu tại Hôi thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các địa phương đang từng bước khôi phục ngành du lịch sau tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến - Anh 1

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại chương trình

Ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh, năm 2023 ngành Du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Trong 9 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,9 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt hơn 93,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỉ đồng. “Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo sinh kế người dân, nâng cao dân trí, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế”, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Trước đó, ngày 23.10 vừa qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Quá tải khách tại các trung tâm du lịch và phát triển điểm đến vệ tinh - Việt Nam và Nhật Bản cùng hướng tới du lịch bền vững”. Cùng với Hội thảo “Hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch”, việc quản lý điểm đến tiếp tục được bàn thảo cho thấy nhu cầu của ngành du lịch tiếp tục phục hồi, tăng tốc phát triển, cần tìm giải pháp đối với vấn đề phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu điểm đến tại các địa phương nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam là cấp thiết.

“Quản lý và phát triển điểm đến nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của các bên là những vấn đề được Chính phủ quan tâm trong những năm gần đây. Đặc biệt thu hút sự tham gia của các bên, đẩy mạnh hợp tác công – tư, nâng cao nhận thức, bổ sung thêm nguồn lực cho sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch mỗi địa phương cũng như phạm vi quốc gia”, ông Hà Văn Siêu khẳng định.

Hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến - Anh 2

Các đại biểu thảo luận về việc xây dựng thành công điểm đến

Nhờ sự quan tâm của Chính phủ và sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, hình ảnh Du lịch Việt Nam đang dần trở nên hấp dẫn và thân thiện hơn với khách du lịch. Vị thế du lịch Việt Nam ngày càng in đậm trên bản đồ du lịch thế giới. Ngoài các điểm đến đã khẳng định thương hiệu như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long,… thì các điểm đến mới đang dần khẳng định vị trí và vai trò mạnh mẽ.

Mặc dù kết quả đạt được rất lớn, nhưng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định công tác xây dựng và quản lý điểm đến du lịch còn chưa đồng bộ, năng lực quản lý điểm đến bộ lộ nhiều yếu kém, tự phát… trong quá trình du lịch Việt Nam vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đang tạo sức cạnh tranh so với một số quốc gia trong khu vực.

Tại Toạ đàm, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung liên quan đến hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch, kinh nghiệm quản lý và phát triển điểm đến du lịch quốc tế, những vấn đề chú ý trong liên kết, phối hợp quản lý điểm đến du lịch bền vững của từng địa phương, việc áp dụng các nền tảng du lịch thúc đẩy điểm đến tại các nước trong khu vực…

Ông Wong Soon-hwa, Chủ tịch danh dự Viện Quản lý du lịch Singapore, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ về kinh nghiệm của đất nước này. Singapore đã đạt được một số thành công về du lịch thông minh và chuyển đổi số, chất lượng và mang tính bền vững. Để đạt được điều đó, Singapore đã xây dựng lộ trình phát triển du lịch chất lượng, cùng với đó là kế hoạch triển khai. Giá trị cốt lõi của du lịch chất lượng là đảm bảo phát triển bền vững, có số lượng nhưng phải lưu tâm về chất lượng. “Chúng ta đang sống trong thế giới dễ thay đổi, phức tạp và không dễ dàng bởi sự biến đổi do dịch bệnh, chiến tranh hay biến đổi khí hậu. Do đó, để tồn tại được không phải là người mạnh nhất, thông minh nhất mà là người quản lý được sự thay đổi”, ông Wong Soon-hwa nhấn mạnh.

Hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến - Anh 3

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu và ông lbert đồng sáng lập Traveloka ký biên bản MOU

Các đại biểu cho rằng, khái niệm điểm đến là khái niệm mới, có nhiều cấp độ từ cấp quốc gia, cấp địa phương, cấp doanh nghiệp.  Việt phát triển điểm đến, quản lý ra sao, xúc tiến, quảng bá điểm, vai trò của các bên liên quan như thế nào là vấn đề cần làm rõ. 

Một ví dụ điển hình trong việc quản lý điểm đến là Phú Quốc với số lượng khách năm 2022 tăng gấp đôi so với trước dịch (năm 2019) nhưng hiện nay đang suy giảm khách đáng kể, giảm từ 20% - 40%. Mặc dù, Phú Quốc miễn visa cho khách quốc tế nhưng đa số khách đều hỏi về Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang… và dường như quên mất Phú Quốc. Điều này có thể nguyên nhân từ truyền thông, marketing điểm đến và quản lý điểm đến. Có nhiều thông tin không sáng lắm từ du khách sau khi đến đây, đó là tình trạng chặt chém, phương tiện giao thông công cộng ít ỏi, tour tuyến tại chỗ không xứng với giá, vé máy bay lại cao... “Là một đảo ngọc thì giá cả đắt hơn là đúng nhưng du khách kỳ vọng vào chất lượng dịch vụ, giá trị nhận lại tốt. Có thể số lượng không cao nhưng khách lưu trú dài hơn và chi trả nhiều hơn”, một đại biểu bày tỏ.

Do đó, việc quản lý điểm đến và vai trò marketing cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương; doanh nghiệp đồng hành, không chờ việc kiểm tra mới thực hiện mà phải là thực hiện tốt, đóng vai trò dẫn dắt. Vấn đề rác thải cần đầu tư và tạo nhiều điểm thu gom rác, nâng cao y thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường…

Trong thời đại công nghệ số thì du lịch thông minh đang là nhu cầu của người dân, họ mong muốn chỉ cần 1 chạm có thể thưởng thức du lịch và so sánh với nhiều điểm đến khác nhau. Bà Widya Listyowulan, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ và chính sách công Traveloka chia sẻ, nền tảng Traveloka phát triển dịch vụ điểm đến, booking, thanh toán… với nhiều địa phương tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy xu hướng ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch, khi đến một vùng đất xa xôi, du khách mong muốn có nền tảng công nghệ du lịch để so sánh giá tốt và phù hợp với họ.

Gợi ý cho Việt Nam, ông Wong Soon-hwa cho hay, một điểm đến thành công quan trọng là đảm bảo yếu tố môi trường phát triển bền vững vì không chỉ tốt cho hôm nay mà cho tương lai. Ngoài lợi thế vẻ đẹp tự nhiên, có sản phẩm đa dạng và sự đầu tư hạ tầng cơ sở cần có sự chung tay hợp tác giữa các bên liên quan, gồm nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, vai trò nhiệm vụ của các bên, đặc biệt là vai trò dẫn dắt, quản lý của Nhà nước.

Trong khuôn khổ Toạ đàm đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (VNAT) và Traveloka. MOU này thể hiện quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác công-tư, và cam kết chung lâu dài nhằm thúc tăng trưởng hướng tới sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc