Sớm hoàn thiện dự thảo Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

VHO- Sáng 31.10 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức buổi họp hội đồng thẩm định nghiệm thu dự thảo Đề án “Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo Bà Kiều Thuý Nga, Vụ trưởng Vụ thư viện (Bộ VHTTDL), mục tiêu của Đề án nhằm phát triển thư viện cơ sở (bao gồm thư viện cấp xã, thư viện cộng đồng, không gian đọc và phòng đọc cơ sở) tại 14 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình theo giai đoạn.

Việc xây dựng, phát triển sẽ dựa trên tích hợp các nguồn lực sẵn có tại cơ sở; đổi mới mô hình, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, linh hoạt, hiệu quả gắn với chuyển đổi số nhằm cung cấp dịch vụ thông tin phù hợp với người sử dụng.

Sớm hoàn thiện dự thảo Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - Anh 1

Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga trình bày báo cáo xây dựng dự thảo Đề án

Người dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng sẽ có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, vùng biên giới, đồng bào DTTS sẽ có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận thông tin. Từ đó, hình thành thói quen đọc sách, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, năng lực sáng tạo, kỹ năng lao động, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một số chỉ tiêu cụ thể được Đề án hướng đến gồm đến năm 2025, 30% thư viện cơ sở được xây dựng dựa trên mô hình hợp nhất các tủ sách, phòng đọc, không gian đọc trên địa bàn, có khả năng cung cấp dịch vụ thư viện phục vụ người sử dụng; đến năm 2030 đạt 50% chỉ tiêu tương ứng, năm 2045 đạt 80% chỉ tiêu tương ứng.

Đến năm 2025, số lượt người sử dụng thư viện cơ sở hằng năm tăng bình quân 5%. Tỷ lệ người dân trên địa bàn sử dụng các dịch vụ thư viện do thư viện cơ sở cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức khác cung cấp đạt từ 10% tổng số dân. Đến năm 2030, tăng bình quân 10% chỉ tiêu tương ứng, đạt 15% tỷ lệ tương ứng; đến năm 2045 tăng bình quân 15% chỉ tiêu tương ứng, đạt 20% tỷ lệ tương ứng…

Cũng theo lãnh đạo Vụ Thư viện, các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong dự thảo Đề án bao gồm tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về vai trò của thư viện cơ sở trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tri thức, hỗ trợ học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc đối với nhân dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Sớm hoàn thiện dự thảo Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - Anh 2

Các thành viên hội đồng cho ý kiến về dự thảo Đề án

Ngoài ra, tiến hành hiện đại hóa, chuyển đổi số và đổi mới phương thức hoạt động của thư viện công cộng cấp tỉnh. Đề án xác định thư viện công cộng cấp tỉnh giữ vai trò nòng cốt trong việc duy trì bền vững hoạt động của thư viện cơ sở. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung ứng sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện tại cơ sở cũng sẽ là một trong những nhiệm vụ được đẩy mạnh thực hiện trong giai đoạn tới.

Theo thông tin từ hội đồng, dự thảo Đề án đã nhận được 22 ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành; 55 ý kiến của các tỉnh/thành phố, địa phương và 9 ý kiến từ các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.

Các ý kiến đều thể hiện sự nhất trí với nội dung của dự thảo Đề án và khẳng định, Đề án đã nêu bật được tính cấp thiết của việc xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trong phát triển mô hình thư viện cơ sở, văn hoá đọc tại những vùng nêu trên.

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL), Chủ tịch hội đồng đề nghị các thành viên thuộc Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp thu các ý kiến đánh giá, đóng góp nhằm nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Đề án.

Mục tiêu đặt ra là nội dung dự thảo phải đảm bảo yếu tố chất lượng theo hướng khoa học, đáp ứng yêu cầu về tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn; đảm bảo điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc