Kiên Giang: Một số ngôi mộ cổ ở lăng Mạc Cửu bị mất

VHO - Thông tin trong những ngày qua, về việc một số ngôi mộ cổ trong lăng Mạc Cửu thuộc nằm trong khuân viên Di tích thắng cảnh núi Bình San bị mất. UBND tỉnh Kiên Giang đang yêu cầu các sở ngành và TP. Hà Tiên báo cáo sự việc.

Kiên Giang: Một số ngôi mộ cổ ở lăng Mạc Cửu bị mất - Anh 1

Di tích thắng cảnh núi Bình San là di tích thắng cảnh quốc gia

Thông tin ban đầu, trong quá trình xây nhà dưỡng lão, có 5 ngôi mộ cổ đã bị mất và di dời sang chỗ khác. Trong số đó, có 3 ngôi mộ cổ còn thấy tấm bia dựng vào vách núi, còn 2 ngôi mộ cổ số đã mất tích. Năm ngôi mộ cổ này ở 2 địa điểm là sau lưng chùa Phù Dung và sau lưng nhà dưỡng lão đang xây dựng.

Hà Tiên là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, với nhiều di tích và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia như di tích lịch sử Nhà tù Hà Tiên, di tích lịch sử văn hóa Núi Bình San, di tích thắng cảnh Thạch Động, Mũi Nai, Đá Dựng và 04 di tích cấp tỉnh như di tích chứng tích chiến tranh chùa Xà Xía, di tích lịch sử văn hóa Đình thần Thành Hoàng, chùa Phù Dung, chùa Tam Bảo.

Du khách khi đến Hà Tiên thành phố biên giới yên bình, ai cũng muốn đến viếng đền thờ và lăng mộ dòng họ Mạc mà khởi đầu là Mạc Cửu, người đã có công khai phá mảnh đất Hà Tiên hơn 300 năm truớc. Khu Di tích lăng Mạc Cửu thuộc quần thể di tích Bình San được xếp hạng là khu danh thắng quốc gia từ năm 1989 nằm trên đường Mạc Cửu dưới chân núi Bình San, thuộc phường Bình San, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Kiên Giang: Một số ngôi mộ cổ ở lăng Mạc Cửu bị mất - Anh 2

Cổng chính Di tích thắng cảnh núi Bình San TP. Hà Tiên

Theo sử sách ghi lại, Mạc Cửu là người Quảng Đông, Trung Quốc, vì không chịu để tóc và theo một số tập tục của nhà Thanh nên đã rời bỏ đất nước đưa gia đình lên thuyền xuôi Nam. Năm 1680, khi đến Hà Tiên, ông đã dừng lại ở đây để xây dựng và phát triển vùng đất này. Đến 8 năm 1708, nhận thấy vị thế rất mạnh của nhà Nguyễn trong cuộc chiến mở mang bờ cõi phía Nam, Mạc Cửu đã dâng vùng đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn và được Chúa Nguyễn là Phúc Chu chấp thuận và phong làm “Tổng trấn Hà Tiên”. Mặc dù đã dâng Hà Tiên cho nhà Nguyễn, nhưng Chúa Nguyễn Phúc Chu vẫn cho Mạc Cửu quyền tự chủ tại vùng đất này, duy trì truyền thống cha truyền con nối như một tiểu vương. Trải qua 7 đời nắm quyền, dòng họ Mạc đã biến vùng đất Hà Tiên hoang sơ thành một trong những địa điểm buôn bán sầm uất nhất trong khu vực.

Khu di tích lăng Mạc Cửu gồm: đền thờ, lăng Mạc Cửu cùng với 59 lăng mộ lớn nhỏ khác là những người thân tộc và gắn bó với sự nghiệp dòng họ Mạc trên vùng đất Hà Tiên. Lăng và đền thờ Mạc Cửu do Mạc Thiên Tích (con trai trưởng của Mạc Cửu) thiết kế, xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi, bên trái là núi Bát Giac; bên phải là Đại Kim Dự.

Di tích thắng cảnh núi Bình San là di tích thắng cảnh quốc gia theo Quyết định số 100-VH/QĐ ngày 21.01.1989 của Bộ Văn hóa nay là Bộ VHTTDL. Báo Văn hóa sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có báo cáo của địa phương về sự việc.

THÁI HÀ-BÌNH AN

Ý kiến bạn đọc