Chờ cha 60 ngày​​​​​​​ và mãi mãi...

VHO- Chị Phạm Thị Liên nhớ lời căn dặn của chồng là ngư dân Nguyễn Ngọc Pháp trước khi chia tay ra Trường Sa câu mực “sẽ về sớm để kịp giúp vợ sinh con”. Cậu con trai lẩm nhẩm tính 60 ngày là cha ở Hoàng Sa, Trường Sa quay về. Nhưng lần này, con số đếm không biết bao nhiêu ngàn ngày nữa! Mới đây, nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến thăm hỏi gia đình chị Liên và các ngư dân gặp nạn.

Chờ cha 60 ngày​​​​​​​ và mãi mãi... - Anh 1

Cậu bé Dũng vẫn tiếp tục đếm ngày cha đi Trường Sa trở về

 Trong ngôi nhà của vợ chồng chị Liên (39 tuổi) tại thôn Trung Toàn, xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) có một lá bùa màu đỏ dán trên ngưỡng cửa. Đời người, ai cũng cầu may, nhưng với chị Liên, chồng làm nghề câu mực khơi, một trong những nghề rủi ro nhất trên biển cả, nên chị luôn lo lắng căn dặn anh đủ chuyện, và thêm lá bùa này để cảm thấy vững tâm.

Nhưng sau cái đêm ngày 16 rạng sáng ngày 17.10.2023, chị sụp đổ và làng chài nổi cơn sóng dữ với tin tức hai tàu câu mực QNa 90129 TS và QNa 90927 TS bị gió lốc đánh chìm, 15 ngư dân chết và mất tích tại vùng biển Trường Sa.

Ở miền Trung có hai làng biển còn làm nghề câu mực khơi ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và huyện Núi Thành (Quảng Nam). Anh Nguyễn Ngọc Pháp từng từ Quảng Nam chạy ngược vào Quảng Ngãi câu mực, vì đội tàu trong này rất nổi tiếng. Ngư dân đi biển về và chuyến nào cũng tự “phong cấp” cho các chàng trai câu mực, đó là thợ nhất, thợ nhì, thợ ba. Anh Pháp luôn đứng vị trí hàng đầu, mỗi đêm trung bình một ngư dân câu được 100 kg mực tươi thì anh được tới 150 kg.

“Ngôi đầu bảng” của anh Pháp là chất xúc tác để anh và cô gái làng chài xã Bình Chánh bén duyên và nên vợ nên chồng từ cuối năm 2006. Chị Liên còn khám phá ra lai lịch “rái cá” của anh từ thời còn nhỏ, suốt đêm lẫn ngày lặn lội ra sông, ra biển bắt cá, có khi đu lên cây ngủ, chờ cá sông bơi vào lờ để xuống mở nắp, kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Gần đây, cha và anh vợ của Pháp lại ngược Quảng Nam và luôn đi cùng con rể ra khơi trên chiếc tàu bám biển Trường Sa. Trong chuyến đi biển định mệnh cuối cùng, chỉ có ông Phan Văn Nga là cha vợ đi cùng con rể. Vụ tai nạn xảy ra, anh Pháp mất tích, còn ông Nga sống sót, nhưng trong lòng đau đớn tột cùng vì con gái từ nay mất chồng, các cháu ngoại mất cha.

Chị Liên mất chồng khi bụng đã vượt mặt và chỉ còn hơn tháng nữa là đến ngày sinh nở. Hai cậu con trai đang học lớp 11 và lớp 4, cả nhà khấp khởi chờ đón cô “công chúa” sắp ra đời, nhưng niềm vui không trọn. Ông Huỳnh Văn Hiệp, một người hàng xóm đến chia buồn tâm sự: “Không ai cần cù như vợ chồng cháu Liên, mùa nắng thì xuống tàu đi câu mực, mùa mưa thì chạy gần bờ đi lưới giã cào, vợ ở nhà may vá quần áo ngoài chợ…”.

Ngư dân làm nghề câu mực khơi mỗi năm 9 tháng bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Gần đây, họ đã phát triển được loại tàu cá thân vỏ dài gần 30 mét, chịu được sóng lớn, vì vậy có ngư dân đi biển 4 phiên, tính ra mỗi năm chỉ ở nhà với gia đình được hơn 1 tháng, còn phần lớn thời gian là những đêm ngày lênh đênh trên sóng nước.

Khoảng 7-10 năm trở về trước, năm nào làng chài câu mực cũng xảy ra những vụ tai nạn rải rác do trôi thúng, úp thúng, bị tàu vận tải đè… khiến ngư dân mất tích. Mỗi khi nghe tin dữ, làng biển lại thảng thốt, lặng lẽ thở dài. Thầy cúng tới làm lễ u hồn ấp nấm, đắp ngôi mộ gió, dưới cát là một hình nhân!

Đêm ven biển lộng gió, bà Huỳnh Thị Lập từ Bình Chánh chạy ra chăm sóc con gái, đón chồng, nhận thi thể con rể. Cậu bé Phạm Văn Dũng, cháu ngoại của bà mới học lớp 4 nên vẫn vô tư: “Cháu đang đếm 60 ngày là ba sẽ về”. Bà Lập rơi nước mắt nhìn cháu, vì giờ đây số ngày sẽ là mãi mãi…

Xã Bình Chánh, quê hương của bà từng xảy ra đại nạn cơn lốc năm 1991 khiến 71 ngư dân không bao giờ trở về. Bà thấu hiểu chuyện ở làng chài, đàn ông là trụ cột, ngôi nhà thiếu vắng người chồng, người cha, phần đời còn lại của người đàn bà chông chênh như con thuyền mất lái. 

Trung tuần tháng 10 vừa qua, hai tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam mang ký hiệu QNa 90129 TS và QNa 90927 TS đã bị lốc xoáy đánh chìm ở quần đảo Trường Sa khiến 13 ngư dân mất tích, 2 người xác định đã chết. Lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư cùng nhiều tàu cá của bà con tổ chức tìm kiếm, sau nhiều giờ đã đưa được thi thể và các ngư dân trên tàu bị nạn vào bờ.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc