Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng

VHO - Sáng ngày 26.10, Hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng” đã được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) tổ chức tại TP.HCM. Hội thảo là cơ hội trao đổi kinh nghiệm của một số quốc gia về cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Qua đó, đưa ra các đề xuất, giải pháp tại Việt Nam về việc khai thác và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng - Anh 1

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, các Hiệp ước trên môi trường số ra đời đã góp phần giải quyết những thách thức đặt ra bởi công nghệ kỹ thuật số hiện nay, đặc biệt là bảo hộ các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sáng tạo, lưu trữ, phổ biến và sử dụng trên mạng internet. Ngày 17.2.2022 Việt Nam gia nhập và là thành viên của Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT), từ ngày 1.7.2022 là thành viên của Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT). Cũng tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023. Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực thi hành từ ngày 26.4.2023. Để Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP và các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam đã tham gia thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức Hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và trao đổi về các quy định pháp luật và thực tiễn việc thực thi cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Cùng với đó, đây là dịp để trao đổi kinh nghiệm với một số quốc gia về cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng qua đó đưa ra các đề xuất, giải pháp tại Việt Nam từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp về khai thác và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng - Anh 2

Toàn cảnh Hội thảo

Để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục những khó khăn trong việc bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng, đại diện Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Dịch vụ Sconnect Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp đề xuất. Theo đó, thứ nhất cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hộ bản quyền trong môi trường kỹ thuật số. Trong đó, quy định chi tiết về các hành vi vi phạm, chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng. Đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ Internet trong trường hợp bản quyền bị xâm phạm trong môi trường kỹ thuật số. Thứ hai, nâng cao trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các nền tảng trung gian cung cấp dịch vụ trên Internet. Để làm được điều này, Cơ quan nhà nước Việt Nam cần có chế tài và mạnh tay xử lý nghiêm các hành vi không tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam trên chính lãnh thổ Việt Nam của cả các nền tảng trung gian và bên lạm dụng quyền SHTT. Bên cạnh đó, cần phải quy định rõ ràng về trách nhiệm phải công khai một cá nhân chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề pháp lý tại Việt Nam và buộc người này phải tham gia vào giải quyết các vấn đề pháp lý này.

Còn với các tác phẩm âm nhạc, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho rằng, phát triển và cải tiến các giải pháp công nghệ số là một bước quan trọng trong việc bảo vệ quyền tác giả và người sáng tạo. Tại hội thảo, VCPMC cũng đã đề xuất một số kiến nghị về ứng dụng công nghệ số trong việc khai thác và bảo vệ quản quyền âm nhạc trên không gian mạng. Cụ thể, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Bổ sung các chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cụ thể bằng các biện pháp Dân sự, Hình sự, Hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật để dễ dàng áp dụng và xử lý. Bổ sung quy định về trách nhiệm liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dùng xâm phạm bản quyền thì doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm đến đâu, bao nhiêu phần. Đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo có đủ điều kiện tiếp nhận và xử lý các tài liệu, bằng chứng dữ liệu điện tử; kết hợp các công nghệ, phần mềm để xử lý, phân loại dữ liệu, đẩy nhanh quá trình giải quyết hồ sơ đảm bảo tính chính xác và kịp thời. Bên cạnh các giải pháp đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể quyền cũng cần phải chủ động tìm biện pháp để tự bảo vệ mình. Cần bổ sung các phương thức cụ thể để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đại diện tập thể quyền để việc bảo vệ quyền tác giả trên không gian mạng được thực hiện hiệu quả và đồng bộ hóa.

Cũng theo Ths.LS. Võ Trung Tín, Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, tình trạng vi phạm bản quyền tác giả sẽ khó có thể được giải quyết nếu như bản thân chủ thể tác giả không nhận thức và nắm bắt được các quy định của pháp luật thì sẽ khó bảo vệ tác phẩm của mình. Do vậy, cũng cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề vi phạm quyền tác giả. Tại hội thảo, Ths.LS. Võ Trung Tín đã nêu ra các vấn đề cần lưu ý khi khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tại tòa án có thẩm quyền. Cụ thể, có 3 vấn đề chính cần lưu ý khi khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tại tòa án có thẩm quyền đó là việc chủ thể quyền phải chứng minh. Đó là, chứng minh nguyên đơn là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; chứng minh hành vi vi phạm của đơn vị vi phạm; chứng minh thiệt hại của chủ thể quyền do hành vi vi phạm gây ra.

Có thể thấy, việc thực thi bảo hộ bản quyền không chỉ giúp phát triển ngành công nghiệp văn hóa, mà còn giúp khẳng định thương hiệu quốc gia, thể hiện cam kết mà Việt Nam đã ký với quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc