Việc thay đổi tên Luật Căn cước không làm phát sinh chi phí cho người dân
VHO - Sáng 25.10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội thành lập Ban Kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong phiên họp sáng 25.10
Sau nội dung liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước. Theo đó về tên gọi của dự thảo Luật và tên gọi của thẻ căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước và cho rằng: việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo Luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.
Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuyển Điều này về Chương III (Điều 30), đổi tên Chương III thành “Thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước” và bổ sung, chỉnh lý Điều 5 “Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước”, chỉnh sửa toàn diện Điều này như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể, rõ hơn về người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước
Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để triển khai Đề án 06, thì việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết; đồng thời dự thảo Luật quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong các trường thông tin quy định tại Điều này có 07 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp nếu các trường thông tin này chưa có hoặc chưa đầy đủ.
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước; việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuyển nội dung đoạn 2 khoản 3 Điều 22 sang Điều 33, theo đó chỉ quy định khi phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin trên thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử; không yêu cầu phải so sánh, đối chiếu thông tin trong mọi trường hợp.
Toàn cảnh phiên họp
Thảo luận về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, về tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo luật. Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga tán thành tên gọi Luật Căn cước, vì tên gọi này thể hiện đầy đủ các chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án luật, bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo luật.
Đại biểu cũng cho rằng, tên gọi Luật Căn cước cũng thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, đáp ứng nhu cầu quản lý căn cước ở nước ta. Việc thay đổi tên thẻ cũng đảm bảo tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo đại biểu, việc sửa đổi tên Luật cũng hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho Hộ chiếu đi lại giữa các nước trong khu vực. Nếu để tên thẻ là thẻ Căn cước công dân thì chưa đảm bảo tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của quốc tế, có thể phát sinh khó khăn nhất định khi dùng thẻ ở các quốc gia khác, hoặc dùng thẻ với mục đích hội nhập quốc tế.
Điều 46 của dự thảo Luật quy định rằng, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp. Quy định về căn cước công dân, chứng minh nhân dân tại các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước được cấp theo quy định của Luật này. Đại biểu cho rằng, việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh thêm thủ tục, chi phí đổi thẻ đối với người dân, làm tăng chi ngân sách nhà nước.
Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng với phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong phiên họp sáng 25.10
Trả lời phỏng vấn bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQG tỉnh Đồng Nai cho biết, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Việc thay đổi tên Luật không làm thay đổi tính chất của giấy tờ và các quy định liên quan đến việc xác định nhân thân của một con người, 1 cá nhân.
Việc đổi tên Luật và tên thẻ không làm phát sinh chi phí, không dẫn đến việc bắt người dân phải thay đổi, phải đi làm lại căn cước. Ngay trong dự thảo Luật, điều 46 quy định thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân được cấp đổi sang thẻ căn cước khi có yêu cầu.
Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31.12.2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Quy định về căn cước công dân, chứng minh nhân dân tại các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước được cấp theo quy định của Luật này. “Việc thay đổi này nhằm tạo ra một cơ chế tự động, tránh phát sinh về thủ tục, chi phí cho người dân và phù hợp với xu thế chung của thế giới”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.
THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN