Quảng Nam: Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức
VHO - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025 (gọi tắt Kế hoạch).
Cán bộ địa phương tìm hiểu mô hình DLCĐ tại làng Cao Sơn, huyện miền núi Bắc Trà My, Quảng Nam
Kế hoạch nhằm mục đích triển khai thực hiện nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) theo Đề án số 10 (ngày 30.3.2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; qua đó, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho đội ngũ CBCCVC thường xuyên tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.
Giữ gìn, phát huy giá trị ngôn ngữ - tiếng nói, chữ viết của các DTTS, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh; góp phần thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, công tác dân tộc và bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống, tích cực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.
Đối tượng áp dụng là CBCCVC công tác tại địa bàn các huyện miền núi của tỉnh; công tác tại các Sở, Ban, ngành trực tiếp tham mưu công tác dân tộc, chính sách dân tộc; thường xuyên tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS; công tác tại các Sở, Ban, ngành, địa phương được phân công tham gia công tác tổ chức bồi dưỡng tiếng DTTS, đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng DTTS.
Các chỉ tiêu, nhiệm vụ đến năm 2025, có 02 tiếng DTTS có dân số đông, định cư tại chỗ trên địa bàn tỉnh được biên soạn tài liệu để phục vụ công tác bồi dưỡng CBCCVC.
Hoàn thành ít nhất hai lớp bồi dưỡng tiếng DTTS cho CBCCVC.
Phấn đấu có hai cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh có Đề án bồi dưỡng tiếng DTTS được cấp thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia bồi dưỡng tiếng DTTS theo quy định.
Xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia giảng dạy tiếng DTTS đối với các ngôn ngữ được lựa chọn bồi dưỡng.
Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện nội dung Kế hoạch; xét cử CBCCVC tham gia các khoá bồi dưỡng; tổ chức mở các lớp bồi dưỡng; quản lý công tác bồi dưỡng và đánh giá chất lượng học tập của CBCCVC theo quy định.
KHÁNH CHI