Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài cuối): Quyết vươn tầm trong thế kỷ của đại dương

VHO- Cơn sóng lừng mùa biển động đã khiến hành trình từ Vân Đồn ra Cô Tô (Quảng Ninh) mất gần 2 giờ mới đưa chúng tôi đến hòn đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc. Phía trước, từng đoàn khách đang hướng về phía Cột cờ Tổ quốc, lá cờ đỏ sao vàng tung bay đầy kiêu hãnh trong sóng gió lộng Biển Đông.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài cuối): Quyết vươn tầm trong thế kỷ của đại dương - Anh 1

Tượng Bác Hồ được dựng tại vị trí hạ cánh của máy bay trực thăng chở Người ra thăm đảo năm xưa

Thuở xưa dấu chân của người Việt cổ đã hằn in trên đảo, trải qua muôn cuộc bể dâu, những giá trị văn hóa giữa trùng khơi vẫn bền bỉ ngưng đọng và lan tỏa để hun đúc nên “sức mạnh mềm” trên hòn đảo ngọc, làm nên sức mạnh giúp người dân bám biển, giữ đảo quê hương hòa nhịp trong thế kỷ của đại dương.

Dấu chân ngàn năm đi mở cõi

Chìa bàn tay cứng cáp đón chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Cô Tô Nguyễn Việt Dũng hào hứng, giờ đây Cô Tô thực sự đã trở thành hòn đảo ngọc giữa biển trời Đông Bắc. Mỗi ngày có rất đông du khách ra thăm, đặc biệt vào dịp hè. “Tiềm năng phát triển du lịch của Cô Tô có đặc thù riêng bởi được hun tạo từ những giá trị văn hóa ngàn năm, xác lập và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc…”, ông Dũng nói.

Huyện đảo Cô Tô có lịch sử hình thành, phát triển tự lâu đời gắn với quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc. Tên cổ của Cô Tô là Chàng Sơn (Núi Chàng), nằm cách xa đất liền. Những hiện vật khảo cổ học được phát hiện trong lòng đất đảo hiện đang được lưu giữ tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, nhiều di vật, hiện vật được tìm thấy có từ thời kỳ đồ đá, đồ đồng đã minh chứng sắc lẹm quá trình phát triển liên tục của con người cự tụ, quần sinh trên hòn đảo.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài cuối): Quyết vươn tầm trong thế kỷ của đại dương - Anh 2

Đền thờ Bác Hồ, không gian trang nghiêm và linh thiêng giữa biển đảo muôn trùng sóng vùng Đông Bắc

Các phát hiện dấu tích văn hóa phong phú trên hòn đảo với 8 địa điểm là di chỉ văn hóa thời tiền sử, 5 địa điểm chứa đựng hiện vật thời phong kiến, gắn liền với hoạt động của thương cảng Vân Đồn. Những dấu tích văn hóa từ thủơ “ngàn năm đi mở cõi” của người xưa cho thấy hoạt động giao thương, trao đổi buôn bán giữa các vùng khác nhau trên vùng ven biển và hải đảo nước ta đã có từ lâu đời, và ở thương cảng Vân Đồn vẫn đang hiện hữu những câu chuyện “đêm đêm rì rầm trong tiếng đất”, vọng nói về.

Thế nên hòn đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc đang kể cho thế hệ hôm nay những thông điệp thẳm sâu trong lớp trầm tích văn hóa ngàn năm. Vết chân người Việt cổ từ xa xưa, giữa trùng khơi đã đắp tạo nên những “bảo tàng sống”, nơi lưu dấu nguồn cội, tình yêu và niềm tự hào về chủ quyền lãnh thổ. Tiếp nối mạch nguồn ấy, Bí thư Huyện ủy Cô Tô xúc động chia sẻ, một trong những dấu mốc thiêng liêng là sự kiện Bác Hồ ra thăm Cô Tô vào ngày 9.5.1961. Ngày Người ra đảo, quân và dân vùng biển đảo Cô Tô đã khắc sâu trong tâm khảm.

Cô Tô cũng là hòn đảo vinh dự được Bác đồng ý cho dựng tượng đài của Người lúc sinh thời. “Sự kiện Bác Hồ ra thăm đảo và tượng đài của Người hiện diện trên vùng đảo Cô Tô thể hiện tầm nhìn xa rộng, tư duy chiến lược của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị thế của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tượng đài của Người chính là hồn thiêng sông núi, là cột mốc lịch sử vượt qua năm tháng, khẳng định đanh thép chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam trên Biển Đông…”, Bí thư Huyện ủy Cô Tô Nguyễn Việt Dũng tự hào.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài cuối): Quyết vươn tầm trong thế kỷ của đại dương - Anh 3

Bí thư Huyện ủy Cô Tô Nguyễn Việt Dũng

“Sự kiện Bác Hồ ra thăm đảo và tượng đài của Người hiện diện trên vùng đảo Cô Tô thể hiện tầm nhìn xa rộng, tư duy chiến lược của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị thế của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tượng đài của Người chính là hồn thiêng sông núi, là cột mốc lịch sử vượt qua năm tháng, khẳng định đanh thép chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam trên Biển Đông…”

(Bí thư Huyện ủy Cô Tô Nguyễn Việt Dũng)

 

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài cuối): Quyết vươn tầm trong thế kỷ của đại dương - Anh 4

Cột cờ Tổ quốc thiêng liêng mang vóc dáng Ba Đình lịch sử tại huyện đảo Cô Tô

Đảo tiền tiêu khắc ghi lời Bác

Theo lời của Trưởng phòng VH&DL huyện Cô Tô Nguyễn Hải Linh, chúng tôi tìm gặp bà Trần Thị Trác, nhân chứng lịch sử hiếm hoi năm xưa đã được gặp Bác Hồ khi Người đến thăm huyện đảo. Trong hơn 60 năm, quãng thời gian gần ôm trọn một cuộc đời, bà Trác ngày nào cũng nhớ về khoảnh khắc thiêng liêng ấy.

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhiều thứ đã không còn nhớ nữa, nhưng lạ thay, ký ức về vị Cha già dân tộc thì bà vẫn nhớ như in. “Ngày ấy tôi 19 tuổi, là nữ dân quân trên đảo được chọn tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho buổi đón Bác. Đêm trước ngày Bác ra, tôi không tài nào ngủ được, thao thức chờ trời sáng. Bao mong chờ, cuối cùng người dân đảo Cô Tô xa xôi cũng đã được tận mắt thấy Người bằng xương, bằng thịt…”, bà Trác rưng rưng. Ký ức về sự ấm áp của Người khi đến với Cô Tô không chỉ được những nhân chứng lịch sử như bà Trác lưu giữ mà đó còn là hình ảnh khắc sâu trong nỗi nhớ thương của đảo.

“Tôi nhớ mãi lời Người căn dặn: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”, bà Trác nhớ lại. Những lời của Bác qua tháng năm vẫn mãi vang vọng, như kim chỉ nam để mỗi người dân trên đảo cùng nỗ lực, cố gắng vượt sóng gió đưa Cô Tô vươn mình phát triển.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài cuối): Quyết vươn tầm trong thế kỷ của đại dương - Anh 5

Bà Trần Thị Trác (giữa)- nhân chứng lịch sử chia sẻ với PV Văn Hoá khoảnh khắc thiêng liêng được gặp Bác Hồ khi Người đến thăm huyện đảo

Chị Nguyễn Thị Mến, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Cô Tô cùng chúng tôi đến thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụm di tích có ý nghĩa quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân huyện đảo này nằm ở khu vực trung tâm, hướng ra Biển Đông. “Khu di tích lịch sử Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô là Khu di tích quốc gia đặc biệt, nơi ghi lại sự kiện Bác Hồ ra thăm đảo. Tại đây có các điểm di tích: Tượng đài và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích Dốc Khoai, di tích Đồng Muối và Nhà trưng bày lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với người dân Cô Tô, khu di tích là điểm đến có ý nghĩa đặc biệt trong hành trình tìm về nguồn cội…”, chị Mến chia sẻ. Là công trình có ý nghĩa đặc biệt, Tượng đài Bác Hồ do nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng đồng nghiệp thực hiện từ năm 1968. Tượng Bác và bia ghi dấu sự kiện được dựng ngay tại vị trí hạ cánh năm xưa của máy bay trực thăng chở Người ra thăm đảo. Liền kề là Đền thờ Bác, không gian trang nghiêm và linh thiêng giữa biển đảo muôn trùng sóng.

Cùng với cụm di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử Hồ Chí Minh, từ tháng 4.2022, Cô Tô có thêm một công trình đặc biệt ý nghĩa: Cột cờ Tổ quốc có tỉ lệ 1:1 với cột cờ tại Quảng trường Ba Đình. Cột cờ được xây dựng tại điểm cao nhất của đảo với 188m so với mực nước biển. Bí thư Huyện ủy Cô Tô cho biết, Cột cờ Tổ quốc thiêng liêng mang vóc dáng Ba Đình lịch sử, là trái tim và tình yêu của Hà Nội dành cho biển đảo Cô Tô. Hình ảnh cột cờ hiện diện giữa đảo tiền tiêu chính là điểm tựa tinh thần để quân, dân huyện đảo vững vàng tiến bước.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài cuối): Quyết vươn tầm trong thế kỷ của đại dương - Anh 6

PV Văn Hoá tại Di tích lịch sử cấp tỉnh Trận đánh Đồn Cao (Cô Tô, Quảng Ninh)

Cô Tô cũng là địa danh lưu dấu những dấu mốc đồng hành cùng lịch sử dân tộc qua nhiều di tích quan trọng được giữ gìn, bảo vệ và phát huy. Trên đường Ký Con nằm ngay trung tâm thị trấn, chúng tôi được nghe kể chiến tích hào hùng của Đại đội anh hùng trong trận đánh di tích Đồn Cao. Nằm trên đồi cao 160 mét so với mực nước biển, ở phía Đông đảo Cô Tô lớn, nay là Đồi Khí tượng và Truyền thanh, trải qua thời gian, các dấu tích của trận đánh năm xưa nay đã phai mờ, chỉ còn lại nền móng, bể nước, hầm ngầm, bờ kè đá, giao thông hào bị bao phủ bởi rêu phong và cây rừng.

Đến Đồn Cao, chúng tôi được biết đây là di tích lịch sử ghi lại trận đánh ác liệt giữa Đại đội Ký Con và quân Pháp trú tại Đồn Cao. Trận đánh đêm 13.11.1945 vô cùng ác liệt, 17 chiến sĩ của ta hy sinh, 22 chiến sĩ bị bắt và 12 chiến sĩ trở về căn cứ an toàn. Ghi nhận chiến công và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Đại đội Ký Con, năm 2000, Chủ tịch nước tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại đội. Năm 2007, di tích Đồn Cao được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ký Con cũng được đặt tên cho con đường ở trung tâm thị trấn Cô Tô để tưởng nhớ những chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, góp phần giải phóng huyện đảo. “Với những giá trị văn hóa đậm sắc màu biển đảo, những di tích lịch sử qua các cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền và diện mạo đổi thay mỗi ngày trên hòn đảo tiền tiêu, Cô Tô đang phát triển mạnh mẽ dựa trên nền tảng vững chắc, là nơi hội tụ những dòng chảy văn hóa biển, với những cột mốc vĩnh cửu, trường tồn nơi đầu sóng ngọn gió”, Bí thư Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.

Khát vọng giữa trùng dương

Thỉnh hồi chuông ngân vọng giữa biển khơi, Đại đức Thích Khai Từ, trụ trì chùa Trúc Lâm Cô Tô phóng tầm mắt ra biển, nhỏ nhẹ, với vị trí quan trọng của hòn đảo tiền tiêu, chùa Trúc Lâm Cô Tô là cột mốc văn hóa tâm linh vô cùng ý nghĩa. Hơn 80% dân số theo đạo Phật trên đảo từ lâu đã ấp ủ nguyện vọng được xây dựng một ngôi chùa thờ Phật làm nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trên đảo.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài cuối): Quyết vươn tầm trong thế kỷ của đại dương - Anh 7

Đại đức Thích Khai Từ, trụ trì chùa Trúc Lâm Cô Tô cho biết, ngôi chùa là cột mốc văn hoá tâm linh vô cùng ý nghĩa trên đảo Cô Tô

“Trong dòng chảy văn hóa Phật giáo vùng ven biển Đông Bắc, nổi bật với Thiền phái Trúc Lâm được khởi lập bởi các vị vua nhà Trần, chùa Trúc Lâm Cô Tô là công trình văn hóa, tôn giáo có ý nghĩa quan trọng khẳng định nền văn hóa độc lập của dân tộc Việt Nam, tính chủ quyền lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Việc khởi dựng một ngôi chùa thờ Phật trên đảo Cô Tô góp phần khẳng định chủ quyền, củng cố an ninh, chính trị tôn giáo vùng biên giới, hải đảo”.

 (Đại đức Thích Khai Từ, trụ trì chùa Trúc Lâm Cô Tô)

“Trong dòng chảy văn hóa Phật giáo vùng ven biển Đông Bắc, nổi bật với Thiền phái Trúc Lâm được khởi lập bởi các vị vua nhà Trần, chùa Trúc Lâm Cô Tô là công trình văn hóa, tôn giáo có ý nghĩa quan trọng khẳng định nền văn hóa độc lập của dân tộc Việt Nam, tính chủ quyền lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Việc khởi dựng một ngôi chùa thờ Phật trên đảo Cô Tô góp phần khẳng định chủ quyền, củng cố an ninh, chính trị tôn giáo vùng biên giới, hải đảo. Chùa Trúc Lâm Cô Tô đi vào hoạt động cũng đã tạo điểm du lịch ấn tượng cho huyện đảo, cải thiện đời sống tinh thần của người dân nơi đây”, Đại đức Thích Khai Từ nói. Cùng với chùa Trúc Lâm Cô Tô, huyện đảo cũng đã khởi công xây dựng chùa Trúc Lâm đảo Trần từ tháng 10.2022.

Đảo Trần là hòn đảo nhỏ có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về an ninh quốc phòng biên giới biển quốc gia, cách đảo Cô Tô lớn 45 km về phía Đông Bắc, là đảo xa đất liền Việt Nam nhất của tỉnh Quảng Ninh. Khi hoàn thành, chùa Trúc Lâm đảo Trần được xem là cột mốc tâm linh ở cửa biển vùng Đông Bắc, là nơi để các hộ dân trên đảo thực hành đời sống tâm linh tín ngưỡng, yên tâm sinh sống và bảo vệ biển đảo quê hương.

Chiều xuống, tản bộ trên đảo khá thú vị. Với thế mạnh phát triển du lịch, Cô Tô đang có nhiều khởi sắc, đổi thay. Vẳng vang đâu đó, chúng tôi nghe thanh âm của quan họ Bắc Ninh, chèo Thái Bình, ngọt ngào mùi đất… Đáp lại ánh mắt ngạc nhiên, chị Mến cười nói, Cô Tô không chỉ đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế, du lịch mà còn trở thành vùng đất quy tụ những giá trị văn hóa từ các vùng miền. Người đất liền ra đảo, yêu đảo và những giá trị bản sắc họ gánh gồng từ những miền quê như Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… đã tạo nên sắc màu văn hóa đa dạng trên đảo tiền tiêu.

Ra khơi vào lộng, cái cảm giác lênh đênh sóng nước, với những điểm đến, những câu chuyện trên hòn đảo ngọc như con sóng trào dâng xúc cảm. Trước mắt chúng tôi, những con người quả cảm, những người dân trong các chuyến ra vùng đảo xa đầy sóng gió đã gánh theo bản sắc quê hương, để rồi ở nơi này, họ chính là những cột mốc biên cương vĩnh cửu. “Những bước chuyển mình mạnh mẽ đó được phát huy trên nền tảng những giá trị di sản quý báu mà cha ông để lại. Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, chúng tôi luôn xác định, những đường biên về chính trị, kinh tế, văn hóa không chỉ khẳng định chủ quyền đất nước, bản sắc văn hóa, mà còn củng cố cơ sở pháp lý, ý thức về sự toàn vẹn của chủ quyền quốc gia”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Việt Dũng cho hay.

Những cột mốc chủ quyền vĩnh cửu (Bài cuối): Quyết vươn tầm trong thế kỷ của đại dương - Anh 8

Hải đăng Cô Tô được xây dựng từ thế kỷ XIX

“Văn hóa còn thì dân tộc còn…”, lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đang thấm đẫm giữa trùng khơi Tổ quốc, như càng nhân lên vô vàn ý nghĩa. Trên những dặm dài hải lý mà chúng tôi đã trải nghiệm, giữa những câu chuyện về từng vùng đất, con người can trường trong sóng gió; những giá trị văn hóa ở mỗi vùng biển đảo luôn hiện hữu như những cột mốc vĩnh cửu giữa trùng khơi. Từ Cô Tô đến Côn Đảo, từ Cồn Cỏ tới Lý Sơn, hay trên con đường huyền thoại “đường Hồ Chí Minh trên biển”…, những cột mốc chủ quyền không chỉ tạo dựng đường biên vững chãi mà còn là điểm tựa, là sức mạnh để những hòn đảo tiền tiêu càng thêm kiên cường, mạnh mẽ, khẳng định niềm tin, lý tưởng cống hiến vì Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió.

Những chuyến hải trình vừa qua của chúng tôi vẫn chưa thấm vào đâu so với bờ biển dài hơn 3.260 km, khoảng 3.500 hòn đảo lớn nhỏ của Tổ quốc, nhưng đằng đẵng thời gian gần nửa tháng ấy, chúng tôi càng nhận thức sâu sắc hơn Nghị quyết 09-NQ/TW “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Bởi ở đó, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng phong phú của biển đảo…”. Nghị quyết 36-NQ/TW về “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

 Để hiện thực mục tiêu đó, văn hóa biển đảo chính là những cột mốc tưởng là vô hình nhưng rất hiện hữu với sự vĩnh cửu tự muôn đời, là động lực đưa những vùng biển đảo phát huy tiềm năng, dựa trên những nền tảng văn hóa được vun đắp tự ngàn xưa để hôm nay tạo thành thế mạnh, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đặng nâng tầm và hòa trong nhịp đập của thế kỷ đại dương.

Ghi chép của THU TRANG - THÚY HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc