Để K’toang vang xa

VHO - Người Chăm H’roi (còn gọi là Chăm Hời) sống gần gũi với người Bana, Êđê ở các huyện Vân Canh (Bình Định) và Đồng Xuân, Sơn Hòa (Phú Yên), vì thế văn hóa Chăm H’roi có sự giao thoa độc đáo giữa các nền văn hóa khu vực. Theo các nghệ nhân, trong các lễ hội lớn của người Chăm H’roi không thể thiếu hòa tấu cồng 3, chinh 5 và trống đôi (còn gọi trống K’toang).

Hơn hết, trống K’toang là loại nhạc cụ đặc trưng nhất và đang được bà con chú trọng giữ gìn, phát huy trong đời sống văn hóa hiện đại.

Nhịp điệu theo lối đối đáp

Để K’toang và người đánh bộc lộ nét hấp dẫn nhất là hình thức song tấu, tức là đánh theo lối đối đáp. Khi ấy, cả nhạc cụ và người chơi sẽ cùng toát lên cái phóng khoáng, ngẫu hứng, mạnh mẽ và quyến rũ. Các già làng Chăm H’roi ở huyện miền núi Vân Canh kể, ngày xưa, trống K’toang dùng để thử tài giữa trai làng này với làng khác. Người đánh trước để dẫn đường bằng tiết tấu, người đánh sau đáp trả. Sự thắng, bại được mặc định bằng việc người đánh sau có đáp trả hòa hợp với tiết tấu của người đánh trước hay không; hoặc nếu khả năng thẩm âm của người đánh sau không tốt, đánh trùng với nhịp tay của người đánh trước thì xem như thua.

Để K’toang vang xa - Anh 1

Hấp dẫn, đặc sắc với màn đối đáp, giao duyên của nhịp điệp cũng như âm thanh của trống K’toang

Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Ru, 86 tuổi, dân tộc Chăm H’roi trú tại huyện Văn Canh (Bình Định) chia sẻ: Trống K’toang còn hay gọi là trống giao duyên, trống gọi bạn, trống đối thoại… Người Chăm H’roi thường dùng K’toang hòa âm với chiêng ba. Đặc sắc nhất là hình thức song tấu, tức đánh theo lối đối đáp. Khi ấy, cả nhạc cụ và người chơi sẽ cùng toát lên cái phóng khoáng, ngẫu hứng, mạnh mẽ. Hai người chơi đứng đối nhau, vừa nhún nhẩy, hai tay vỗ liên hồi vào hai mặt trống “nói chuyện”. Người Chăm H’roi trò chuyện, cãi vã, hòa giải hay bày tỏ lời yêu cũng bằng tiếng trống K’toang vì lẽ đó.

Theo nghệ nhân ưu tú Lê Văn Ru, một cái trống K’toang nặng khoảng 4kg. Người đánh trống đeo trên người, đôi tay thường xuyên vừa múa và đập vào thành, mặt trống để tạo nên âm thanh chuẩn, bởi thế đòi hỏi một người phải có sức khỏe. Vì vậy, phải là người có đủ sức khỏe, khéo léo, thẩm âm tốt mới có thể múa trống K’toang giỏi.

Bảo tồn âm thanh K’toang vang xa

K’toang vốn dành cho nam giới, nhưng hơn 20 năm trở lại đây, người đánh trống K’toang hay nhất ở miền núi Vân Canh lại là một phụ nữ. Đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Hương (57 tuổi), người làng Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh. Đáng khen hơn, vì tình yêu mãnh liệt với trống K’toang nên bà Hương đã được Chủ tịch nước phong tặng nghệ nhân ưu tú vào năm 2022, với những cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. “Năm 12 tuổi, khi thấy các già làng, nghệ nhân trình diễn thì tôi rất thích. Sau đó, tôi tự tìm tòi, học hỏi rồi được chỉ dạy thêm để tham gia trình diễn”, bà Hương nhớ lại và chia sẻ, đôi nam - nữ nghệ nhân biểu diễn, mỗi người một trống mang vào vai. Họ “tấn - thối” như một đôi võ sĩ trên đấu trường. Họ múa chân, đầu, thân hình theo nhịp trống mà chính đôi tay của họ tạo ra tiết tấu thưa nhặt, dồn dập. Có lúc “gờm” nhau như một cặp gà đá đang thư hùng. Âm điệu ngẫu biến trầm bổng, xếp lên nhau, gợi lên trong trí người nghe sự tưởng tượng những âm điệu róc rách của suối, bập bùng của lửa và mưa nguồn thác lũ của đại ngàn đang đến.

Để K’toang vang xa - Anh 2

Lớp trẻ người Chăm H’roi bắt đầu biết đánh trống K’toang

Còn chị La Thị Huyền Giang (người Chăm H’roi), cán bộ Trung tâm VHTT-TT huyện vân Canh cho hay: Mỗi khi thấy nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Hương đánh trống K’toang, không những tôi mà còn nhiều chị em người Chăm H’roi khác rất phấn khởi. Bởi khi hội đã vượt ngoài giới hạn của gia đình và lôi cuốn được nhiều người, điều mà đồng bào Chăm H’roi cảm thấy lý thú hơn là những cuộc trò chuyện bằng ngôn ngữ động tác và âm thanh. Trên nền nhạc cồng ấm áp, nổi lên tiếng trống K’toang - một loại nhạc cụ mà chúng tôi rất yêu quí. Ở âm điệu, một chàng trai nổi trống K’toang như lời mở đầu, lời chào, lời tỏ tình hay lời thách thức trêu đùa bè bạn.

Ông Lê Thành Nhơn, Trưởng phòng VHTT huyện Vân Canh cho biết: Trống K’toang là một nhạc cụ truyền thống và K’toang rất được xem trọng trong quá trình giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa ở Vân Canh. Thời gian qua, huyện có chủ trương khuyến khích phát triển công tác truyền dạy loại nhạc cụ trống K’toang truyền thống trong cộng đồng người Chăm H’roi. Chưa kể, có chính sách hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn cho lớp trẻ thông qua các khóa học chơi trống; bình xét và đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận nghệ nhân trống K’toang cho những người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát triển loại nhạc cụ độc đáo này. 

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc