Bộ VHTTDL đã chủ động, nỗ lực vượt khó, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận
VHO - Phát biểu tại buổi làm việc của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội với Bộ VHTTDL về công tác văn hoá, thể thao và du lịch vào chiều 10.10 tại Hà Nội, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chủ động, nỗ lực vượt khó, chuyển trọng tâm từ tư duy làm văn hoá sang quản lý Nhà nước về văn hoá, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đồng chủ trì buổi làm việc là các Uỷ viên BCH Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.
Cùng tham dự có các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục: Phan Viết Lượng, Nguyễn Thị Mai Hoa; các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thuỷ, Đoàn Văn Việt cùng đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ; các đơn vị, cơ quan chức năng của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục và Bộ VHTTDL.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đồng chủ trì buổi làm việc
Năm bản lề để tăng tốc, hoàn thành các nhiệm vụ
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023, dự kiến chương trình công tác năm 2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, nhìn một cách tổng thể, 3 lĩnh vực VHTTDL đã hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành năm 2023.
Theo Bộ trưởng, lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng toàn ngành nhân Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hoá toàn quốc năm 2023 và kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hoá. Trong thư, Tổng Bí thư đã dành thời gian phân tích những kết quả toàn ngành đạt được, đồng thời động viên toàn ngành cần tiếp tục phấn đấu, hoàn thành những nhiệm vụ mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặt ra cho toàn ngành.
Với tinh thần dù có khó khăn cũng “không chùn chân, mỏi gối”, Bộ VHTTDL nói riêng và toàn ngành VHTTDL nói chung đã xác định năm 2023 là năm bản lề để tăng tốc, hoàn thành các nhiệm vụ. Tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nguồn lực và với quyết tâm cao nhất, Bộ VHTTDL đã bám sát yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm tăng cường, thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định Bộ VHTTDL đã có nhiều nỗ lực trong hoàn thành các nhiệm vụ
Cụ thể đối với công tác xây dựng thể chế, thời gian qua, Bộ đã chủ động triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; tham mưu Chính phủ ban hành 3 Nghị định, 1 Nghị quyết, ban hành theo thẩm quyền 10 Thông tư. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định Chương trình Tổng thể quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2023-2025…
Đến hết năm 2023, Bộ sẽ hoàn thiện, trình Chính phủ 11 Nghị định (trong đó có 5 Nghị định quy định chi tiết các Luật) và ban hành theo thẩm quyền 5 Thông tư. Những con số này đã cho thấy Bộ VHTTDL đã có nhiều nỗ lực, đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, nhất là chuyển tư duy từ làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá. Từ đó, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Một điểm sáng khác trong lĩnh vực văn hoá được Bộ trưởng nêu rõ là việc tổ chức các sự kiện văn hoá đã có trọng tâm, trọng điểm, gắn liền với những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Các sự kiện vinh dự được đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhận được sự hưởng ứng của nhân dân. Bên cạnh đó, các sự kiện văn hoá cấp tỉnh, cấp vùng cũng được quan tâm, thường xuyên tổ chức nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, phát huy sức mạnh mềm của văn hoá.
Theo Bộ trưởng, trong xây dựng môi trường văn hoá, toàn ngành đã coi việc toàn dân đoàn kết, xây dựng môi trường văn hoá trong khu dân cư làm gốc. Việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước được Bộ chú trọng. Qua đó, xây dựng được môi trường văn hoá lành mạnh, phát huy được các giá trị văn hoá của dân tộc. Không chỉ xây dựng môi trường văn hoá trong khu dân cư, việc xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí, văn hoá doanh nghiệp cũng được Bộ VHTTDL chú trọng, phối hợp triển khai thực hiện theo hướng nói không với tính hình thức.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu tại buổi làm việc
Đối với các lễ hội, ngay từ đầu năm, Bộ VHTTDL đã phát hiện được nhiều điểm nghẽn trong công tác quản lý nhà nước về lễ hội. Bộ đã phối hợp với địa phương để đưa công tác quản lý lễ hội diễn ra bài bản, quy củ; đi theo hướng lễ hội là của nhân dân, do dân. Bộ VHTTDL và địa phương giữ vai trò quản lý lễ hội.
Về thể thao, Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ đã xác định thể thao quần chúng làm nền tảng để phát triển thể thao thành tích cao. Bộ VHTTDL đã nỗ lực áp dụng công nghệ thông tin nhằm hướng dẫn các bài tập rèn luyện sức khoẻ đến người dân, tích cực đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Thể thao thành tích cao có nhiều điểm sáng khi liên tiếp trong 2 kỳ SEA Games 31 và 32, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành vị trí Nhất toàn đoàn. Tại sân chơi châu lục như Asian Games 19 vừa diễn ra tại Trung Quốc, dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã nỗ lực vượt khó, đạt chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ và Bộ VHTTDL đặt ra.
Về lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng cho biết phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là nhiệm vụ được Bộ VHTTDL và toàn ngành dồn lực thực hiện. Nhờ những nỗ lực, Việt Nam được nhiều tổ chức du lịch quốc tế đánh giá là có nhiều điểm đến hấp dẫn.
Vừa qua, Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đặc biệt nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, du lịch Việt Nam đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Trong 9 tháng qua, Việt Nam đã đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế và 93 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536.500 tỉ đồng. Những kết quả đạt được của du lịch là nhờ triển khai hiệu quả nhiều nhóm giải pháp.
Về gia đình, Bộ đã tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc 20.3, hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28.6.
Tạo sự chuyển biến mạnh về ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và nhân dân về văn hoá
Một trong những nhiệm vụ khác được Bộ VHTTDL quan tâm là đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách ngành VHTTDL. Theo đó, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch thông tin tuyên truyền về công tác VHTTDL năm 2023. Kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến kịp thời các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về VHTTDL; thông qua công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và nhân dân về văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trên tinh thần thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận toàn ngành đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Trong đó, dù rất nỗ lực nhưng một số lĩnh vực của văn hoá vẫn chưa có Luật hoặc Pháp lệnh điều chỉnh như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm… Một số lĩnh vực thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh như lĩnh vực văn học. Hiện tại, Bộ VHTTDL đang nỗ lực trình Chính phủ dự thảo Nghị định về hoạt động văn học.
Một điểm nghẽn khác được Bộ trưởng chỉ rõ là khó khăn trong xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao. Theo Bộ trưởng, Bộ VHTTDL đang quản lý 12 nhà hát. Vì cơ sở vật chất còn hạn chế, các nhà hát gặp không ít khó khăn trong bảo tồn, phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Một số địa phương chưa quan tâm thực hiện quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Nhiều thiết chế trung tâm văn hóa ở các tỉnh đã xuống cấp. Tại thành phố mang tên Bác, chúng ta chưa có thiết chế văn hoá, thể thao xứng tầm. Bên cạnh đó, chưa có thiết chế thể thao mang tầm quốc tế, gây khó khăn trong công tác huấn luyện, tổ chức thi đấu.
Trong thể thao, Bộ trưởng cho rằng cần nhìn nhận rằng hiện nay, việc đầu tư cho công tác phát triển thể dục thể thao còn một số hạn chế. Đầu tư hiện nay hầu hết là đầu tư về chế độ ăn cho VĐV mà thiếu đi chiến lược đầu tư tổng thể. Đặc biệt, muốn phát triển thể thao thành tích cao, một trong những yếu tố mang tính quyết định là phát triển kinh tế thể thao. Tuy nhiên, hiện kinh tế thể thao phát triển vẫn chưa xứng với tiềm năng.
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa
Về du lịch, Bộ trưởng cho hay Bộ đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc tham mưu Chính phủ tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Một số địa phương có dấu hiệu buông lỏng quản lý điểm đến; chưa tập trung phát triển sản phẩm du lịch để tạo thương hiệu.
Ngoài ra theo Bộ trưởng, việc thu hút nhân tài vào ngành VHTTDL gặp không ít khó khăn. Hiện Bộ VHTTDL chỉ quản lý cán bộ, công chức đang làm việc tại Bộ. Tại các địa phương, đang xuất hiện thực trạng chuyển dịch nhân lực từ môi trường công sang môi trường tư. Do đó, vấn đề nguồn nhân lực trong ngành cần được quan tâm hơn nữa.
Bộ VHTTDL đã đạt được nhiều đổi mới, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận
Về ý kiến của thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VHGD Phan Viết Lượng cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, Bộ VHTTDL đã quan tâm, có nhiều đổi mới, tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao. Chỉ đạo thực hiện đầy đủ và đạt kết quả tích cực các nhiệm vụ; đồng thời, tập trung, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thực tiễn và một số nhiệm vụ có tính chiến lược, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Bùi Hoài Sơn
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng Bộ VHTTDL đã triển khai các nhiệm vụ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Góp ý riêng cho lĩnh vực gia đình, bà Hoa nhấn mạnh, cần triển khai tích cực các văn bản, thông tư hướng dẫn để các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sớm đi vào cuộc sống; đẩy mạnh truyền thông về giá trị của gia đình Việt Nam và cần đưa nội dung này vào dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ VHTTDL trong việc thực hiện kế hoạch năm 2023 cũng như cách thức triển khai kế hoạch năm 2024. Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về việc chuyển đổi tư duy từ làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá là xu hướng lớn trên thế giới. Nếu làm tốt chủ trương này, lĩnh vực văn hoá chắc chắn sẽ phát triển trong thời gian tới. Góp ý cho một số lĩnh vực cụ thể, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, Bộ VHTTDL cần đẩy mạnh việc truyền thông chính sách; triển khai tốt hơn chiến lược phát triển văn hóa, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, đặc biệt là xây dựng các thương hiệu quốc gia về văn hóa; quan tâm nhiều hơn đến chính sách và quản lý văn hóa số, nghệ thuật số; xây dựng các định mức kinh tế-kỹ thuật; bộ chỉ số thống kê về văn hóa, để có đánh giá xác thực về đóng góp của ngành văn hoá vào nền kinh tế chung của cả nước.
Cũng đánh giá cao kết quả đã đạt được và chia sẻ cùng Bộ VHTTDL những khó khăn, thách thức, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa mong muốn Bộ sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc bảo tồn, tu bổ di tích quốc gia, đặc biệt là các di sản thế giới; nâng cao năng lực cạnh tranh của lĩnh vực du lịch; phối hợp với các bộ ngành liên quan trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghệ thuật.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ VHTTDL Lê Hồng Phong
Trả lời câu hỏi của bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nêu các con số sinh động về các chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã để lại những tác động sâu rộng, Diễn đàn kinh tế thế giới đã thay đổi việc xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh thành năng lực phát triển du lịch với 5 nhóm thành phần, 17 chỉ số trụ cột và 112 chỉ số thành phần. Về 5 nhóm chỉ số chính, Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá chỉ số năng lực phát triển du lịch Việt Nam xếp thứ 52/117 quốc gia. Tuy nhiên do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên 112 chỉ số thành phần đánh giá sự phát triển của du lịch liên quan đến các ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh mong muốn sự chung tay, góp sức của các ngành, lĩnh vực khác để du lịch Việt Nam phát triển xứng với tiềm năng.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ VHTTDL Lê Hồng Phong cũng thông tin, dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá đã có riêng một mục về gia đình; về định mức kinh tế kỹ thuật, Bộ có 79 dịch vụ công, hiện Bộ đang ráo riết hướng dẫn các đơn vị thực hiện.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao nỗ lực của Bộ VHTTDL khi đã có chuyển biến từ tư duy làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá. Nhiều nhiệm vụ đã được Bộ tập trung triển khai bao gồm xây dựng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đề án. Bộ cũng luôn thể hiện trách nhiệm, tinh thần cầu thị trong việc xử lý các vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, Bộ VHTTDL đã có sự chủ động trong triển khai các nhiệm vụ bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hoá; kiểm kê, bảo tồn di sản văn hoá vật thể, phi vật thể trong cộng đồng các DTTS; xây dựng môi trường văn hoá cơ sở, môi trường văn hoá trong học đường được Bộ chủ trì, phối hợp triển khai hiệu quả; hoạt động quảng bá văn hoá Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế cũng đạt được nhiều dấu ấn; ngành du lịch đã duy trì đà tăng trưởng cao, đạt kết quả khả quan về số lượng khách, tổng thu từ khách du lịch; các hoạt động thể thao quần chúng tiếp tục được Bộ VHTTDL đẩy mạnh với hình thức phong phú, đa dạng, hướng đến nhiều đối tượng. Bộ cũng đã tập trung phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ ở sân chơi khu vực và châu lục.
Toàn cảnh buổi làm việc
Trong năm 2024, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ VHTTDL cùng toàn ngành cần nỗ lực hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó, Bộ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể để đề xuất, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa; thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, huy động nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, thể thao cho mọi người. Bộ VHTTDL cũng cần quán triệt, yêu cầu các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế để tạo thương hiệu, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
THU SÂM – ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN