Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

04 Tháng Mười Hai 2023

Những tình nguyện viên dưới đáy biển

Thứ Hai 02/10/2023 | 10:30 GMT+7

VHO- Phong trào chèo SUP, nhặt rác, cắt lưới ma bảo vệ sinh tồn của san hô tự nhiên đang là xu hướng được các bạn trẻ Đà Nẵng nắm bắt, và nhiều đội nhóm đã được hình thành góp phần hiệu quả trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường biển.

 Đội nhóm tình nguyện “nhặt rác, cứu san hô” tại Đà Nẵng

Là “thầy giáo” của hàng trăm học viên môn bơi lặn, môn thể thao chèo SUP kết hợp nhặt rác bảo vệ biển, anh Đào Đặng Công Trung (quận Sơn Trà) được nhắc đến như một trong những người tiên phong, lan tỏa phong trào này.

Yêu biển theo cách riêng của mình

Từ một người có “đam mê” đi lang thang nhặt vỏ lon nước, rác thải do du khách bỏ lại dọc trên bán đảo Sơn Trà, từ tháng 6.2023, anh Trung đã thành lập nhóm Da Nang Free Diving. Sau 3 tháng hoạt động, nhóm của anh thu hút số lượng người tham gia lên tới hơn 2.000 người, có cả thợ lặn chuyên và không chuyên. Họ gặp nhau ở điểm chung mong muốn bảo vệ san hô và đa dạng sinh học dưới đáy biển. Mục tiêu của nhóm đến năm 2050 không có rác thải xả ra môi trường và không còn người phải đi nhặt rác.

Phạm vi hoạt động của Da Nang Free Diving là khu vực Hòn Sụp, bãi Nam và quanh bán đảo Sơn Trà để nhặt rác và gỡ lưới ma, trung bình mỗi buổi nhóm của anh Trung thu dọn khoảng 10 kg rác thải, đỉnh điểm có ngày lên tới 250 kg/ buổi. Chủ yếu hoạt động ở biển Đà Nẵng nhưng khi có dịp nhóm cũng tới Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Kỳ Co, Eo Gió để phối hợp, tuyên truyền cho người dân về bảo vệ môi trường biển. “Dưới đáy biển có hàng trăm loài san hô khác nhau, có loại thân cứng, có loại thân mềm, lại có loại thân cỏ. Sự sống của san hô có thể ví như một khu rừng nguyên sinh dưới đáy biển, đồng thời nó giống như “ngôi nhà” để các loại hải sản cư trú. Mỗi năm san hô chỉ phát triển tầm 1 cm và rất dễ bị tác động bởi ngoại cảnh, nếu không nhanh chóng có biện pháp bảo vệ thì vấn đề ô nhiễm nước, rác, lưới ma, dây thừng, ngư cụ của ngư dân, sự dẫm đạp, tàn phá của con người cũng khiến cho loại sinh vật quý hiếm này có nguy cơ bị tàn diệt”, anh Trung cho biết.

Chung lý tưởng như anh Đào Đặng Công Trung, anh Huỳnh Hoài Thanh (CLB SUP Đà Nẵng) cho biết, công việc cho thuê SUP hiện tại của anh khởi nguồn từ việc nhặt rác tự do. Từ năm 2018, anh Hoài Thanh đã có sở thích lên bán đảo Sơn Trà nhặt rác. Mỗi lần mang về túi rác to cực quá, anh nảy ra ý định thuê ghe, kết bè ra vớt rác. Một ngày khi xem YouTube anh Thanh phát hiện thấy có SUP rất tiện dụng nên đặt mua từ nước ngoài về, từ đó chiếc SUP vừa là dụng cụ thể thao vừa là phương tiện chở rác của anh. Phong trào chơi SUP lan rộng, hiện nay anh Thanh sở hữu khoảng 70 chiếc, anh vừa cho thuê vừa “tranh thủ” tuyên truyền chèo SUP dọn rác ngoài biển. “Lặn biển cắt lưới ma nhìn thì uyển chuyển nhưng không hề dễ, người tham gia phải có sức khỏe, không bị bệnh tim mạch, bơi lặn tốt. Trong khi lặn cắt lưới phải kiểm soát hơi thở và sức khỏe của mình, đừng ráng cắt đến lúc hết hơi. Mỗi hơi lặn chỉ cắt được một đến 2 mắt lưới, cụm lưới to thì phải cần 5 người cắt, tốc độ cắt từ từ mỗi ngày một ít…” anh Thanh kể.

Theo chân anh Hoài Thanh chỉ thời gian ngắn nhưng Bùi Minh Huy (du học sinh) đã dành cả thời gian mùa hè được nghỉ để lặn biển cắt lưới cho san hô. Huy cho biết, mấy tháng hè có lưới to nhiều nên cắt được nhanh, giờ đáy biển còn lại những mắt lưới “xương xẩu” mắc rất sâu trong rạn, phải cắt cẩn thận, chỉ cần kéo mạnh tay là san hô gẫy. Hiện Huy cũng có nhóm khoảng 5-6 bạn cùng đam mê tham gia tích cực vào việc lặn biển cắt lưới: “Đây là hoạt động có chọn lựa, nhiều bạn trẻ muốn tham gia và học cắt lưới nhưng không phải ai cũng làm được, vì còn tùy thuộc vào kinh nghiệm bơi lặn, thao tác, kỹ năng dưới nước. Việc đi cắt lưới dọn rác là để bảo vệ khu vực chơi của chính mình, khi mình bắt tay làm thì sự tuyên truyền của mình đối với du khách cũng có trọng lượng hơn là mình cứ nói mà không làm gì hết”.

Thu hút sự vào cuộc của cộng đồng, xã hội

Hoạt động của những đội nhóm nhặt rác tự nguyện là cách tuyên truyền tốt nhất đối với người xung quanh. Theo đánh giá của những người như anh Đào Đặng Công Trung, anh Huỳnh Hoài Thanh, Bùi Minh Huy, hiện nay đa phần người dân và du khách tham quan rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường điểm đến. Họ tự giác chuyển biến tư duy và thay đổi hành động có lợi cho cuộc sống, môi trường.

Bùi Minh Huy nhận xét, ý thức của những người tham gia kinh doanh và tham quan du lịch càng ngày được nâng cao. Cơ quan chức năng như Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL) với các hộ kinh doanh SUP cũng có biện pháp hạn chế sự xâm hại của mọi người với tài nguyên biển, san hô như cắm biển giới hạn, khuyến cáo bằng nhiều phương cách. Anh Hoài Thanh kể: “Hoạt động bảo vệ môi trường của nhóm thu hút được nhiều nhà tài trợ nhưng chúng tôi chỉ nhận đồ ăn ủng hộ cho mỗi buổi dọn, nước tự chuẩn bị. Thậm chí có một cửa hàng tự nguyện cung cấp miễn phí bao túi cho nhóm, cứ nói cần túi đựng rác là họ cho bao nhiêu cũng có. Ngoài ra khi có chiến dịch, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng hỗ trợ ca nô để chở rác, phân công lực lượng đi theo cứu hộ lúc cần”.

Anh Đào Đặng Công Trung khẳng định, hoạt động của các đội nhóm rất cần sự phối hợp của cơ quan chức năng để đúng quy định, đảm bảo an toàn. Bất kỳ hoạt động nào dù là tốt cũng không nên tự phát mà cần sự vào cuộc của cơ quan chủ quản, để họ kịp thời nắm bắt tình hình, hỗ trợ khi cần kíp, phía người tham gia cũng cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật: “Mỗi khi có hoạt động, nhóm nòng cốt của team (gồm các thợ lặn lâu năm có nhiều kinh nghiệm) sẽ xin ý kiến, cùng khảo sát và lên kế hoạch với Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. BQL sẽ tạo điều kiện, hướng dẫn để hoạt động. Chúng tôi mong muốn các phong trào tình nguyện dọn rác ngày càng lớn mạnh, triển khai đồng bộ có hiệu quả không chỉ ở Đà Nẵng mà trên toàn quốc, nâng cao ý thức của tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ môi trường”. 

 NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Mười Hai 2023»
T2T3T4T5T6T7CN
27
28
29
30
1
2
3
4
5678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2023 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top