Chủ trương đã có, tại sao chậm triển khai?
Sau Nghị quyết số 33, tháng 4.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Như vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng công nhân, người lao động.
Các đại biểu tham gia Toạ đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động”
Công nhân là đối tượng được mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Nhưng hiện nay, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách về phát triển nhà ở xã hội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Như việc quy quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, trong đó có công nhân khu công nghiệp…
Điều đáng nói là, theo quy định, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại một hoặc từ 5 ha trở lên tại các đô thị loại 2 và loại 3 phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra phần lớn các dự án đều không bố trí 20% quỹ đất theo quy định; nếu có thì cũng không đủ diện tích. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc bắt buộc tất cả các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị từ loại III trở lên phải dành “quỹ đất 20%” làm lộ rõ những bất cập, hạn chế của chính sách so với thực tiễn.
Vậy làm thế nào để thực thi hiệu quả chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân? Tại buổi Toạ đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động” do Báo Kinh tế & Đô thị, Quỹ AFV, Tổ chức AAV tổ chức mới đây, bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu quốc hội cho rằng, chúng ta đã có chủ trương nhưng tại sao lại trì trệ, chưa thực thi được. Cần đánh giá kỹ nguyên nhân để chỉ ra trách nhiệm mới có phương hướng. Không chỉ xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động mà cần chú ý đến chất lượng nhà ở, khi được trao trách nhiệm thì phải trách nhiệm đến cùng. Ngoài ra, phải minh bạch kế hoạch thực hiện, nếu chần chừ là để dân lao động, lực lượng làm ra của cải cho xã hội đang phải vật lộn với cuộc sống của mình. Nếu không thì tiêu chí chúng ta đặt ra cũng sẽ về 0.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, khi trình Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đến năm 2030 là đã tính đến tính khả thi cho việc thực hiện. “Đồng thời Đề án nêu rất nhiều giải pháp quy hoạch, đất đai, vốn để đầu tư và chúng tôi kỳ vọng vào Đề án. Chính sách nhà ở xã hội đã có từ lâu nhằm hỗ trợ cho người yêu thế, người thu nhập thấp có chỗ ở, ổn định, an toàn, có thể là thuê hoặc mua. Tuy nhiên, đây là Đề án lớn với 1 triệu căn hộ và nguồn vốn cho Đề án dự tính khoảng 850 nghìn tỉ đồng, tương đương khoảng 34 tỉ USD cho đến năm 2030, nghĩa là mỗi năm trung bình tiêu 5 tỉ USD đồng, nếu không huy động nguồn lực thì rất khó”, ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.
Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê
Với tư cách là chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, trong đó có lao động nữ thì đảm bảo cuộc sống an toàn, ổn định cũng là trách nhiệm của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Vì thế, năm 2017, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; giao Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao… Và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hoàn thành 5 khu nhà 5 tầng thí điểm tại Hà Nam, đi vào hoạt động từ năm 2021 với 244 căn hộ cho người lao động thuê với giá từ 1 triệu – 2,2 triệu đồng/căn hộ.
Khu nhà ở công nhân tại Hà Nam do Tổng LĐLĐ Việt Nam quản lý, điều hành. Ảnh: Bảo Hân
Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, với thành công của Đề án 655 này, tại Đề án xây dựng một triệu căn hộ cho người lao động thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, Thủ tướng đã giao Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp thực hiện. “Có chỗ ở an toàn, ổn định là nhu cầu cần thiết, chính đáng của người lao động và cũng là trách nhiệm của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đã có 36 tỉnh, thành bố trí quỹ đất cho TLĐ, trong đó có 20 tỉnh có quỹ đất trống có thể triển khai được ngay với gần 2.000 căn. Cùng với đó, TLĐ có sẵn nguồn vốn trích từ Quỹ Công đoàn để đầu tư. Tuy nhiên do cơ chế, quy định của pháp luật nên chưa thực hiện được”, ông Nghĩa cho hay.
Theo Trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn, hiện nay đang vướng mắc một số quy định luật trong Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó, chưa có điều, khoản nào quy định giao cho TLĐ quản lý nhà ở; TLĐ cũng chưa có chức năng chủ đầu tư. Vì vậy, TLĐ đang báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, từ đó trình Quốc hội và xin ý kiến đại biểu Quốc hội để khắc phục những bất cập này. Nếu Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh bất động sản sửa đổi cho phép TLĐ tham gia đầu tư, cho thuê, quản lý thì chắc chắn đó là một trong những tín hiệu đáng mừng cho TLĐ và người lao động. “Khi luật có hiệu lực, TLĐ có thể bắt tay triển khai ngay và khoảng 1,5 năm sau, người lao động sẽ có nhà ở”, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam thông tin.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Đặng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G, cho rằng, việc xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân là vấn đề rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu bức thiết cho công nhân. "Nhà ở cho công nhân phải được nâng cao chất lượng, thể lụp xụp mãi được. Nhà 5 tầng không có thang máy là không công bằng với họ, trong khi họ là lực lượng tạo ra sản phẩm cho xã hội nên cũng phải tạo môi trường, nơi ở đảm bảo chất lượng sống cho công nhân với đầy đủ các thiết chế", Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G nói.
Tuy nhiên ông Đặng cũng cho biết, với chính sách hiện nay, các doanh nghiệp không mặn mà với việc xây dựng nhà ở xã hội. Bởi vì nếu bán thì nhiều người không có đủ tiền mua, còn cho thuê thì phải 10 năm mới thu hồi vốn. Trong khi đó, cơ chế cho vay vốn của ngân hàng chỉ ưu đãi giảm cho doanh nghiệp 1 – 2% so lãi suất cho vay trên thị trường. Như vậy, doanh nghiệp đi vay trong một thời gian dài (10 năm) nhưng không được đảm bảo về khoản vay ổn định trong dài hạn mà chỉ ít hơn trên thị trường, nghĩ là lãi suất cho vay tăng, thì doanh nghiệp xây nhà ở xã hội cũng chịu tăng lãi suất vay vốn.
Nói về lãi suất cho vay, ông Nguyễn Mạnh Hà phân tích thêm, theo Đề án, giá mỗi căn nhà khoảng 500 triệu gồm đất, giải phóng mặt bằng… thì lãi vay khoảng 40 triệu/năm, và trung bình mỗi tháng 3 triệu. Nếu tính các chi phí quản lý khác thì giá cho thuê là 5 triệu/tháng mới có thể bù đắp đc. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hợp lý để tháo gỡ các vướng mắc trong việc triển khai. Đồng thời, có chính sách tương tự cho tư nhân để có thể huy động hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội trong việc xây dựng nhiều nhà ở an toàn, chất lượng cho công nhân, người lao động thu nhập thấp, trong đó có lao động nữ.
QUỲNH HOA