Đảm bảo cuộc sống khi về già
“Phụ nữ tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - vì cuộc sống an nhàn lúc tuổi già” là mô hình của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, Quảng Nam trong công tác vận động hội viên tham gia BHXH tự nguyện. Sau khi ra đời từ tháng 8.2021, chỉ 4 tháng sau đã có 162 chị em tham gia BHXH tự nguyện.
Chị Trần Thị Duyên Hồng tìm hiểu thông tin về BHXH tự nguyện
Đến nay đã có hơn 300 chị em trên tổng số 726 chị em trong xã tham gia BHXH tự nguyện, không chỉ mua cho bản thân mà các chị em còn mua cho chồng, bố mẹ… giúp tỉ lệ bao phủ BHYT đã lên tới trên 95%. Ngay từ năm đầu tiên ra đời mô hình, Hội LHPN của xã đã lồng ghép nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền về chính sách BHYT, BHXH tự nguyện trong các cuộc họp để chính sách này được tiếp cận với người dân nhiều hơn.
Từ mô hình này, qua các buổi tuyên truyền lồng ghép trong nhiều cuộc họp, các chị em và nhân dân trong xã biết tới chính sách và quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện nhiều hơn. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần chị em trong xã đã hiểu được quyền lợi lâu dài khi tham gia BHXH nên, dù kinh tế còn nhiều khó khăn, chị em trong xã đều cố gắng tích cóp để mua.
Chị Trần Thị Duyên Hồng (28 tuổi, thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước) cho biết chị bán hàng ăn nên chị đã mua BHXH tự nguyện cho cả 2 vợ chồng. 6 tháng sau, càng hiểu hơn về quyền lợi cũng như yên tâm vào Quỹ BHXH của Nhà nước nên chị đóng tiền cho cả bố, mẹ. “Bố mẹ em năm nay 50 tuổi, và rất ủng hộ việc tham gia BHXH. Nhìn những người đi lĩnh lương hưu hằng tháng, bố mẹ em nghĩ rằng sau này cũng được lĩnh lương hưu nên vui lắm. Nếu hiểu biết từ trước em cũng mua cho bố mẹ từ lâu rồi”, chị Hồng chia sẻ.
Cũng ở thôn Tiên Tráng, chị Nguyễn Thị Hà cho hay, nhà chị có 3 chị em, nhưng do bố mẹ không có lương hưu nên hiện nay, các chị em trong nhà mỗi tháng phải đóng góp một khoản để chăm sóc bố mẹ tuổi già. Vì chỉ đi làm thuê, và làm nông là chính nên thu nhập không ổn định, tháng nào làm ít, lương ít thì khoản đóng góp trở nên rất áp lực. Chính vì thế, để cuộc sống khi về già không phụ thuộc vào con cháu, các con mình không phải áp lực nếu phải chăm sóc bố mẹ, chị Hà đã mua BHXH tự nguyện cho hai vợ chồng. “Tôi hiểu được rằng nếu hiện tại mình đóng BHXH thì khoảng 20 năm sau có thể ngừng đóng và khi tuổi già không còn sức lao động, được nhận lương hưu để trang trải cuộc sống. Vì vậy tôi đã tham gia BHXH tự nguyện để sau này về già các con không phải lo lắng cho tôi nữa”, chị Hà nói.
Đến nay khoảng 50% chị em xã Tiên Hà tham gia BHXH tự nguyện là tỉ lệ cao nhất trong huyện dù họ phần lớn là lao động phi chính thức, thu nhập bấp bênh, chủ yếu từ nông nghiệp, hoặc trồng rừng, làm thuê với số tiền khoảng 2 -3 triệu đồng/tháng.
Mong càng có nhiều chị em tham gia BHXH tự nguyện
Chị Đinh Thị Lợi, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Hà cho biết, để có được con số này, các Trưởng Chi hội phụ nữ, các nhân viên đại lý thu phải rất sát cánh cùng người dân, cùng chị em để giải đáp các thắc mắc, và giải quyết quyền lợi cho họ. Bản thân là nhân viên đại lý thu BHYT, BHXH nên không chỉ tham gia tuyên truyền tại các cuộc họp, hội nghị của thôn, xã mà cứ cách 1 – 2 ngày chị Lợi lại truyền tải các nội dung tuyên truyền lên trang facebook cá nhân hoặc của Hội phụ nữ để dần dần các chị em đọc, tìm hiểu.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Hà Đinh Thị Lợi (bên phải) giải thích về BHXH tự nguyện cho chị em
“Vì thu nhập của người dân còn khó khăn nên không phải ai muốn mua là cũng mua được. Họ phải tìm hiểu cặn kẽ mới bỏ tiền mua. Đặc tính của chị em là người này nói chuyện cho người kia, vì thế chỉ cần 1 – 2 chị em hiểu, 1 - 2 chị em tham gia BHXH là sẽ có thêm nhiều chị em tham gia”, chị Đinh Thị Lợi cho hay.
Một trong những khó khăn khi vận động chị em tham gia BHXH tự nguyện là từ tháng 1.2022, quy định thu nhập theo chuẩn nghèo đa chiều tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng/tháng nghĩa là mức đóng của người dân cũng tăng lên gấp đôi. Chính vì thế, đây cũng là nguyên nhân khiến số chị em tham gia BHXH sụt giảm. Để cùng chị em hội viên vượt qua giai đoạn khó khăn này, chị Lợi động viên họ không vội vàng rút BHXH một lần, mà cứ để đó, khi nào có tiền thì đóng tiếp. Với một số chị em, chị Lợi bỏ tiền túi của mình để tạm ứng đóng thay, khi có tiền thì họ hoàn trả lại.
Để người dân tin tưởng, chị Lợi luôn sẵn sàng trả lời, giải đáp mọi thắc mắc, nhu cầu của bà con. Nếu nội dung nào chị chưa hiểu cặn kẽ thì lên BHXH huyện hỏi để về giải thích cho bà con. Năm 2022 là năm kinh tế có khó khăn nên nhiều người buộc phải tạm dừng đóng, thậm chí có người chốt sổ để nhận BHXH một lần chị cũng sẵn sàng làm thủ tục giấy tờ cho họ.
“Mọi vấn đề không liên quan đến bảo hiểm mà họ cần giúp thì mình cũng phải cố gắng hết sức để giúp. Mình phải nhiệt tình thì chị em mới yên tâm. Với những người vì khó khăn muốn rút BHXH 1 lần tôi cũng giải thích, tuyên truyền để họ không rời khỏi hệ thống BHXH. Một số người thì tiếp tục ở lại nhưng một số người vẫn muốn rút thì tôi hỗ trợ mọi thủ tục để họ rút một cách nhanh chóng, dễ dàng. Từ đó, họ thấy là Quỹ BHXH của Nhà nước thì vẫn lấy được tiền chứ không phải như tin đồn là “vỡ Quỹ”. Và họ cũng hiểu nếu họ không đóng vẫn được hưởng chứ không như Bảo hiểm nhân thọ nếu không đóng là mất”, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Hà bật mí.
Cán bộ BHXH huyện Tiên Phước tuyên truyền chính sách an sinh xã hội cho lao động phi chính thức trên địa bàn
Nhằm hỗ trợ cho chị em tham gia, Hội LHPN xã Tiên Hà đã trích 12% từ kinh phí hoạt động để tặng cho mỗi người đóng BHXH tự nguyện trong vòng 12 tháng. Bên cạnh đó, còn tặng heo đất để kêu gọi chị em mỗi ngày tiết kiệm 10.000 đồng, khi đó hằng tháng, hằng quý, hằng năm đập ra có 1 khoản đóng. “Mong muốn của chị em là mức đóng được ổn định, và số năm đóng giảm đi để họ có thể yên tâm ở lại hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước. Như thế sẽ càng nhiều chị em tham gia BHXH tự nguyện, yên tâm khi về già”, chị Lợi bày tỏ.
Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trong đó, bổ sung nhiều quy định mới nhằm giảm điều kiện đóng – hưởng trợ cấp BHXH, lương hưu. Cụ thể, Điều 71 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm BHYT… Người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu.
Như vậy, khi quy định này được Quốc hội thông qua sẽ là tin mừng cho lao động phi chính thức, bởi thông thường vì không có thu nhập ổn định nên phải đợi con cái lớn, đi làm ổn định thì các chị em mới nghĩ đến tuổi già của mình. Khi đó, họ cũng đã ngoài 40 tuổi. Do vậy, quy định này sẽ mở ra cơ hội cho nhiều chị em tham gia BHXH tự nguyện, từ đó sẽ có nhiều chị em được hưởng trợ cấp xã hội hoặc lương hưu khi về già. Đồng thời, góp phần giảm số người hưởng BHXH 1 lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.
QUỲNH HOA