Cơ sở chế tác Thiên cẩu, Lân của anh Nguyễn Hưng
Bộ VHTTDL vừa có quyết định số 228/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự vinh danh này cũng là cơ hội để phục hồi, bảo tồn, quảng bá về nghệ thuật trình diễn dân gian múa Thiên cẩu độc đáo này.
Anh Nguyễn Hưng, chủ cơ sở chuyên chế tác đầu Lân, Thiên cẩu ở xã Cẩm Hà, TP Hội An, có gần 30 năm theo nghề này cho biết, trước đây, thú chơi mùa Trung thu của người Hội An là múa Thiên cẩu-một linh vật truyền thống, sau này mai một dần, chủ yếu chỉ múa Lân vào mùa Trung thu.
Đặc điểm của Thiên cẩu cũng khác với Lân rất nhiều, tập trung ở những điểm như sườn, khung, mắt,...và đặc biệt là ở phần đuôi. Đuôi của Thiên cẩu dài hơn, khoảng tầm 5m, đuôi của Lân tầm 2m. Đầu Thiên cẩu dài, khi chế tác thường phần cằm sẽ chúi thấp hơn, tạo thế đang chồm tới, mắt, mũi, mang của Thiên cẩu to, bành hơn, mắt gần giống mắt cá, vẻ mặt hung dữ hơn. Đầu của con Lân ngước hàm lên trên, cao hơn.
Xưa người Hội An thường chơi múa Thiên cẩu, kỹ thuật, tư thế múa nghiêm ngặt, di chuyển theo thế đứng tấn của võ thuật nhiều hơn. Sau này, múa Thiên cẩu thưa vắng, múa Lân phổ biến hơn.
Thời gian và công sức để chế tác Thiên cẩu dài, phức tạp hơn so với đầu Lân. Ở Hội An không còn nhiều nghệ nhân làm Thiên cẩu, một phần vì loại hình diễn xướng này cũng không còn phổ biến vào Trung thu, đã mai một. Hiếm hoi vài người còn đam mê, yêu thích vẻ đẹp của Thiên cẩu truyền thống như anh Hưng cố gắng giữ nghề, chế tác theo đơn đặt hàng của những đội múa, theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức để phục vụ cho các lễ hội, các hội thi, trưng bày, giới thiệu.
Các công đoạn chế tác Thiên cẩu, Lân hoàn toàn thủ công
Vì chế tác hoàn toàn thủ công nên để làm ra được một chiếc đầu Thiên cẩu, Lân rất mất thời gian, công sức. Đặc biệt, công đoạn vẽ, sơn màu lên những chi tiết của đầu linh vật đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo cũng như cảm xúc của nghệ nhân, người làm nghề. Mỗi một tác phẩm đều mang một thần thái khác nhau, tập trung đặc biệt ở đôi mắt,…Chính vì làm thủ công, nên mỗi đầu linh vật làm ra là một tác phẩm riêng biệt, không hề trùng lắp, na ná mà mang thần thái, cảm xúc khác nhau.
Để chế tác đầu Thiên cẩu, Lân đều phải qua 4 bước chính : tạo khung sườn; dán vải và giấy; vẽ và sơn màu; đắp lông vũ, trang trí hoa văn và viền màu sắc tạo điểm nhấn. Trong đó khó nhất là khâu chế tác khung sườn. Một sản phẩm thần thái, chi tiết đúng với truyền thống, kiểu dáng theo yêu cầu của khách hàng,…phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn đầu tiên này.
Khung sườn được làm bằng nan tre, hoặc mây. Thường thì từ sau Tết Nguyên đán, xưởng đã bắt tay vào các khâu chuẩn bị nguyên vật liệu cho mùa sản xuất Trung thu. Xong phần sườn, sẽ đắp giấy bồi, dán vải, đợi khô hồ thì dán lớp giấy mỏng. Khi lớp giấy đã khô mới đến công đoạn tô vẽ màu các chi tiết mắt, mũi, miệng,…trên đầu linh vật. Mỗi tác phẩm thường mất 3-4 ngày, đối với đầu Lân, Thiên cẩu lớn thì thời gian lâu hơn.
Không chỉ đắt hàng mùa Trung thu, nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của du lịch, các mặt hàng sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương như lồng đèn, mặt nạ,…cũng được nhiều du khách yêu thích mua làm quà lưu niệm, các khách sạn, nhà hàng,…cũng đặt mua trang trí nên các xưởng hầu như có việc, có thu nhập ổn định quanh năm.
Mỗi mùa Trung thu, cơ sở sản xuất và bán được khoảng hơn 600 đầu Lân, Thiên cẩu lớn theo đơn đặt hàng của những “bạn hàng” truyền thống, ngoài ra bán được khoảng 2000 đầu Lân nhỏ; 1000 mặt nạ ông địa. Vào mùa cao điểm, cơ sở có hơn 20 lao động. Qua mùa Trung thu, các cơ sở vẫn duy trì làm mặt nạ truyền thống, đèn lồng để cung cấp cho các cơ sở bán hàng lưu niệm cho du khách, cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng trang trí.
Biểu diễn Thiên cẩu, Lân- Sư - Rồng trên phố cổ Hội An
Anh Nguyễn Hưng chia sẻ, những người chế tác Thiên cẩu, Lân như anh luôn có niềm yêu nghề, đam mê với chế tác linh vật để trình diễn vào Trung thu, lễ hội Nguyên tiêu, Tết,... Đón nhận tin vui lễ hội Tết trung thu Hội An vừa được là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, những nghệ nhân chế tác linh vật, nghệ nhân biểu diễn Thiên cẩu đều hào hứng, vui mừng vì đây là cơ hội để giới thiệu và quảng bá một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, đặc trưng của trung thu Hội An.
Trải qua nhiều biến thiên, trong đời sống hiện đại ngày nay, các phong tục cổ truyền gắn liền với tín ngưỡng, với hình thức lễ hội dân gian này vẫn được bảo lưu, thực hành. Một trong những hoạt động thu hút sự tham gia của cộng đồng và kéo dài hàng tuần trước Tết Trung thu chính là múa Thiên cẩu, Lân- Sư- Rồng cùng với ước vọng tâm linh về sự tẩy trần, chúc phúc, tiêu trừ bệnh tật, đuổi tà, cầu mưa thuận gió hòa của người dân Hội An. Mỗi dịp Trung thu, có vài chục đội múa, mỗi đoàn có ít nhất từ 15-50 người đi múa, biểu diễn ở các phố, phường.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cùng các đơn vị liên quan đã tham mưu UBND TP Hội An thực hiện nhiều biện pháp nhằm phục hồi loại hình múa linh vật dân gian độc đáo này của địa phương như các hoạt động tuyên truyền, giáo dục di sản học đường , nghiên cứu và in ấn xuất bản, tổ chức các hội thi múa Thiên cẩu, Lân thường niên cho các câu lạc bộ võ đường, các trường học,… Gây dựng lại lực lượng Ttrình diễn nghệ thuật dân gian múa Thiên cẩu, nghệ nhân am hiểu cách chế tạo đầu linh vật thiên cẩu nhằm đẩy mạnh truyền dạy kỹ năng, các bài múa Thiên cẩu, kỹ thuật chế tác đạo cụ, linh vật…
THU HOÀI