Đây là số liệu được đưa ra tại toạ đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động” do báo Kinh tế & Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức ngày 24.9 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại toạ đàm
Phát biểu khai mạc toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho biết, buổi toạ đàm vừa có tính thời sự vừa có ý nghĩa lý luận sâu sắc. Với sự tham gia của các diễn giả đến từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản, doanh nghiệp… sẽ cung cấp thêm các luận cứ để giải quyết những vấn đề đang đặt ra về nhà ở cho người lao động.
“Thông qua ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia ở các lĩnh vực sẽ mang đến nhiều góc tiếp cận khác nhau, cũng như những vướng mắc để từ đó góp phần tháo gỡ, cũng như thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các chính sách về phát triển nhà ở cho công nhân, đảm bảo cho người lao động có chỗ ở an toàn”, ông Nguyễn Thành Lợi nói.
Theo ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ các Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam, nhu cầu về chỗ ở, nhà ở cho công nhân, đặc biệt là chỗ ở an toàn đã được các cơ quan, tổ chức từ cấp Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương tích cực đặt ra trong nhiều năm qua.
"Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân vừa qua lại một lần nữa cho chúng ta thấy rõ tình trạng nhà ở thiếu an toàn tồn tại tràn lan, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… hoặc các tỉnh thành có các khu công nghiệp quy mô lớn. Viêc tồn tại nhà ở thiếu an toàn về điều kiện phòng cháy chữa cháy, xây dựng… sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc khó có thể lường trước", ông Tạ Việt Anh nói.
Rõ ràng, nếu không có giải pháp khắc phục loại bỏ tình trạng nhà ở xã hội không đảm bảo an toàn thì tính mạng, của cải của người lao động sẽ còn bị đe dọa bởi những hiểm họa khôn lường, mà cháy nổ chỉ là một nguy cơ.
Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu, cụ thể đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2, mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.
Trước thực tế này, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" nhằm giải quyết bài toán thiếu chỗ ở và nhà ở của công nhân. Tại toạ đàm, các chuyên gia đã đưa ra bức tranh tổng thể liên quan đến nhà ở xã hội hiện nay từ quỹ đất, đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân hiện nay, nguồn vốn, lãi suất…
Đồng thời nêu những ý kiến đóng góp từ pháp lý đến thực tiễn nhằm tháo gỡ vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, góp thêm tiếng nói góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.
Q.HOA