Phiên thảo luận với chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” diễn ra vào ngày 16.9 Ảnh: XUÂN TRẦN
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức tại Hà Nội với phiên thảo luận toàn thể 3 với chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để cùng tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số và toàn cầu hóa, tập trung vào các nội dung như hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa, tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; Vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.
Tại phiên thảo luận, Nghị sĩ đến từ Thái Lan nêu rõ, sẽ không thể có được sự phát triển bền vững nếu không có đa dạng văn hóa. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để tận dụng nhân tài, thúc đẩy phát triển, hài hòa giữa các cộng đồng dựa trên bình đẳng. Thái Lan là quốc gia đa dạng văn hóa, Hiến pháp của Thái Lan cũng hỗ trợ cho các cộng đồng phát huy giá trị văn hóa của mình. Thái Lan đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác để đảm bảo giới trẻ, đặc biệt là nghị sĩ trẻ tham gia nhiều hơn; trao quyền hơn nữa cho các nghị sĩ trẻ có thể hợp tác với các đối tác nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các cộng đồng và dân tộc thiểu số.
Nghị sĩ đến từ Indonesia cũng cho biết, quốc gia này có sự đa dạng văn hóa cao, với nhiều dân tộc và hàng trăm ngôn ngữ. Indonesia là một trong những quốc gia đa dạng văn hóa nhất trên thế giới. Sự đa dạng văn hóa, tôn giáo được thống nhất trên nền tảng nguyên tắc: thống nhất trong đa dạng. Tuy có nhiều khác biệt văn hóa, nhưng người dân Indonesia luôn có sự gắn kết, tận dụng tri thức địa phương để giúp quốc gia đạt được sự phát triển. Các mục tiêu phát triển bền vững luôn là một phần trong nền văn hóa, triết lý phát triển của người Indonesia. Dựa trên triết lý đó, Indonesia đã nỗ lực hướng tới các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, duy trì đa dạng sinh học. Những mục tiêu này liên kết chặt chẽ với nhau để mang lại hòa bình, hợp tác cho các quốc gia, khu vực. Indonesia có định hướng rõ ràng trong việc phát triển nền văn hóa, duy trì sự tự do của người dân, đề cao những giá trị văn hóa của khu vực mình. Indonesia cũng có những bộ luật thúc đẩy đa dạng văn hóa, tôn trọng văn hóa của các dân tộc, tiếp tục duy trì, phát triển, tăng cường hơn nữa sự đa dạng văn hóa này.
Theo đại biểu đến từ Bosna và Hercegovina, đa dạng văn hóa là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và đối thoại. Đa dạng văn hóa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế, kể cả ở những nền kinh tế có quy mô nhỏ. Nghị sĩ nước Maroc khẳng định, văn hóa, di sản nhân loại là những thành tố chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa của đất nước Maroc. Nghị viện Maroc cũng quan tâm đến sự phát triển của công nghệ để bắt kịp với tốc độ số hóa; đồng thời vẫn bảo vệ di sản văn hóa của quốc gia, tránh tình trạng toàn cầu hóa, giữ vững vai trò kiến tạo của văn hóa; văn hóa tiếp tục là trụ cột trong quá trình phát triển.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Nghị sĩ đến từ Lào cho biết, hiện Lào cũng đã có những quy định pháp luật để bảo tồn, bảo vệ sự đa dạng văn hóa của đất nước (cụ thể như các ngành du lịch văn hóa, di sản văn hóa…) nhằm duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Lào và khơi dậy lòng yêu nước của thế hệ trẻ. Nghị sĩ này tin tưởng, Hội nghị sẽ là cơ hội để các nghị sĩ trẻ toàn cầu có thể cùng trao đổi kinh nghiệm của mình trong giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, góp phần nâng tầm quan hệ hợp tác giữa các nước phát triển bền vững.
THU SÂM