Tuyển sinh đại học năm 2023: Điểm trúng tuyển không có nhiều xáo trộn

VHO - Ngày 22.8, Bộ GD&ĐT đã kết thúc lọc ảo, sau khi tăng thêm hai ngày so với kế hoạch để các trường có thêm thời gian hoàn thành việc xét tuyển. Hàng loạt trường đã ngay lập tức công bố điểm chuẩn, trong đó có những ngành điểm trung bình lên đến 9,8 điểm/ môn.

Công nghệ thông tin vẫn giữ ngôi đầu bảng

Ngành Khoa học máy tính (IT1) của Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay vẫn đầu bảng, với điểm chuẩn 29,42, tức trung bình 9,8 điểm/ môn. Năm 2022, ngành IT1 không dành cho thí sinh xét tuyển theo phương thức kết quả thi tốt nghiệp, mà chỉ ưu tiên xét theo phương thức tài năng, kết quả thi đánh giá tư duy. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho thí sinh có học lực xuất sắc, nhưng ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện dự thi đánh giá tư duy, nên năm nay ĐH Bách Khoa Hà Nội đã dành chỉ tiêu cho xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp. Vì vậy, điểm chuẩn đã đẩy lên mức rất cao, tới 29,32/30 điểm đối với IT1.

Tuyển sinh đại học năm 2023: Điểm trúng tuyển không có nhiều xáo trộn - Anh 1

Công nghệ thông tin vẫn giữ ngôi đầu bảng

Điểm trúng tuyển cao gần tuyệt đối, nên đã xảy ra một sự hy hữu, đó là hai trong ba thủ khoa khối A00 (Toán – Lý – Hoá) đã trượt nguyện vọng 1 ngành IT1 của ĐH Bách Khoa. Đó là Thí sinh Nguyễn Mạnh Thắng (cựu học sinh Trường THPT chuyên Bắc Giang) và Nguyễn Mạnh Hùng (cựu học sinh Trường THPT Trưng Vương, Hưng Yên) là thủ khoa tổ hợp A00, đều cùng đạt tổng điểm thi tốt nghiệp THPT là 29,35. Cả hai đều đăng ký NV1 vào IT1 của ĐH Bách khoa Hà Nội, và với điểm chuẩn cao ngất ngưởng năm nay của ngành này, hai thủ khoa A00 chỉ đỗ NV2 vào ngành Kỹ thuật máy tính (IT2) của cùng ĐH Bách khoa Hà Nội, với điểm chuẩn ngành này là 28,29 điểm.

Cùng với công nghệ thông tin đang trở nên ngày càng hot bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì năm nay ngành Sư phạm Lịch sử cũng có điểm trúng tuyển rất cao. Điểm chuẩn ngành này của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là 28/30 điểm, có thấp hơn năm 2022, nhưng vẫn thuộc top ngành điểm chuẩn cao, trung bình hơn 9,3 điểm/ môn. Lý do, năm nay ngành này của Trường chỉ có 68 chỉ tiêu, tuyển sinh theo 5 phương thức, trong đó đã có 16 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia đăng ký theo phương thức xét tuyển sớm.

Cùng điểm chuẩn 28 điểm, ngành Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Thái Nguyên cũng giữ ngôi đầu bảng trong thứ tự xếp hạng các các ngành của Trường.

Một số ngành nằm trong top ngành hot năm 2022 có biểu hiện hạ nhiệt, như ngành Truyền thông đa phương tiện (tổ hợp C15) của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hạ từ 29,25 điểm năm 2022 xuống còn 28,68 điểm năm 2023. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) năm ngoái có tới ba ngành có điểm xét tuyển gần tuyệt đối là Đông phương học, Hàn quốc học, Quan hệ Công chúng với điểm chuẩn 29,95, thì năm nay ngành Quan hệ Công chúng vẫn giữ ngôi vị đầu bảng, nhưng điểm chuẩn ở mức 28,78 (tổ hợp C00). Như vậy, năm nay Trường đại học KHXH&NV Hà Nội không có ngành nào vượt ngưỡng 29 điểm.

Việc tổ chức đăng ký xét tuyển có nhiều điểm mới

Có thể nói, năm nay, việc tổ chức đăng ký xét tuyển vào đại học có một số điểm mới trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn đã rút kinh nghiệm từ năm 2022.

Trước tiên, đó là việc thực hiện chủ trương chuyển đổi số, năm 2023 là năm Bộ GD&ĐT tích hợp vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh các nguồn dữ liệu phục vụ xét tuyển từ kết quả thi THPT đến kết quả học tập THPT, học bạ, dữ liệu thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học, 2 Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm, các trường năng khiếu... tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh xét tuyển vào các trường đại học.

Tuyển sinh đại học năm 2023: Điểm trúng tuyển không có nhiều xáo trộn - Anh 2

Việc tổ chức đăng ký xét tuyển năm nay có nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký

Tiếp đó là việc xác nhận kết quả thi, điều kiện ưu tiên, đối tượng ưu tiên năm nay cũng dựa trên dữ liệu kết nối với Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Thí sinh năm nay không phải đi xin các xác nhận của các địa phương mà các em có thể xem trực tiếp trên đó và các địa phương cũng sẽ duyệt các khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên trên đó.

Điểm mới thứ ba và quan trọng nhất là năm nay, thí sinh không phải lựa chọn phương thức xét tuyển. Điểm này năm ngoái có một số khó khăn là các em nhầm lẫn khi chọn một ngành mà trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khác nhau hay nhiều tổ hợp xét tuyển. Năm nay Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các kênh thanh toán, các ngân hàng để rà soát hệ thống, chuẩn bị hạ tầng kết nối và thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển vào đại học (thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia với 17 kênh thanh toán trực tuyến chính của cả nước). Để đảm bảo an toàn, thuận lợi, tránh hiện tượng quá tải trong quá trình thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến, Bộ GD&ĐT phân chia lịch thanh toán trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ đăng ký xét tuyển theo các tỉnh/thành phố (nơi thí sinh đã nộp hồ sơ) thành 6 cụm.

Đặc biệt, nhờ tối ưu hóa các dữ liệu sử dụng để xét tuyển của thí sinh khi chỉ cần đăng ký theo ngành đào tạo, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển có sự gia tăng tích cực đáng ghi nhận trên toàn hệ thống, đáng mừng đối với cả thí sinh và cả đối với các cơ sở đào tạo.

Kết quả bước đầu cho thấy điểm trúng tuyển của các trường, xét ở mặt bằng chung, là khá tương đồng với kết quả năm 2022. Đa số các trường ghi nhận tích cực về số lượng thí sinh trúng tuyển với mức điểm chuẩn mà các trường đã xác định, căn cứ theo chỉ tiêu đào tạo và dữ liệu nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển.

HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc