Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu: Người giữ cho tiếng cồng chiêng ngân vang mãi

VHO - Là một trong số rất ít người có kinh nghiệm phong phú trong việc diễn tấu cồng chiêng, nghệ nhân ưu tú K’Tiếu ở thôn Duệ (xã Đinh Lạc, Di Linh, Lâm Đồng) vẫn miệt mài với công việc truyền dạy những bài chiêng của dân tộc mình cho các thế hệ với mong muốn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của cha ông…

Gặp già K’Tiếu trong một buổi sáng mà ông khá bận rộn khi đang cùng đội cồng chiêng thôn Duệ tập lại bài chiêng chuẩn bị tham gia cuộc thi Bí thư chi bộ giỏi xã Đinh Lạc. Khi nghe phóng viên bày tỏ ý định muốn tìm hiểu về việc truyền dạy những bài chiêng của mình, già đã vui vẻ đồng ý và hẹn sẽ gặp lại vào buổi trưa ngay sau khi phần thi kết thúc.

Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu: Người giữ cho tiếng cồng chiêng ngân vang mãi - Anh 1

Nghệ Nhân ưu tú K’Tiếu, người có gần 60 năm gắn bó với những bài chiêng của người C’Ho Sre

Đam mê từ khi còn ở rừng

Là một người con của cộng đồng K’Ho Sre, già K’Tiếu sinh ra và lớn lên trên mành đất cao nguyên Di Linh bạt ngàn cà phê. Mặc dù năm nay đã ngoài cái tuổi “xưa nay hiếm”, tuy nhiên đằng sau dáng vẻ ngoài mảnh khảnh cùng nhiều nếp nhăn đã hằn lên trán của một người đàn ông đã có tuổi là niềm say mê bất tận với những nhịp chiêng. Đến nay ông đã có gần 60 năm gắn bó với loại hình nghệ thuật diễn tấu được UNESCO ghi danh là kiệt tác di sản phi vật thể của nhân loại. Trong những dịp lễ hội hay các sự kiện trọng đại của buôn làng, không thể thiếu ông và những bài chiêng ngân vang…

Theo già kể, ngay từ khi còn là một cậu thiếu niên chừng 13, 14 tuổi, đã cảm thấy yêu thích những giai điệu trầm bổng giữa bạt ngàn núi rừng phát ra từ những tiếng chiêng của cha ông, trai tráng thanh niên trong buôn làng mình. Chính vì thế, niềm say mê đối với âm thanh của những chiếc “mâm đồng” ấy cứ ngày càng thấm sâu vào con người cậu thiếu niên đang tuổi mới lớn.

“Trước kia, buôn làng chúng tôi sinh sống nằm sâu trong rừng chứ không phải thị trấn, thị tứ như bây giờ. Ngày ấy, những người đàn ông trong buôn hầu như đều đánh chiêng rất giỏi nhưng họ không được gọi là nghệ nhân, họ thích thì chơi thôi. Rồi những lũ trẻ con như tôi khi thấy những người lớn chơi thì cảm thấy rất thích nên theo xem học lõm và được chỉ lại nên dần dần cũng chơi được những bài chiêng đơn giản. Sau đó, khi đã rành hơn sẽ được chơi với các đội chiêng của buôn làng có số lượng người đông hơn, chiêng nhiều hơn, phối hợp phức tạp hơn. Ở đó, mỗi người sẽ phải đánh lên những tiếng chiêng đã được phân công trong quá trình diễn tấu để phối hợp sao cho ăn khớp với cả đội”, nghệ nhân K’Tiếu chia sẻ.

Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu: Người giữ cho tiếng cồng chiêng ngân vang mãi - Anh 2

Những người theo học tiếng chiêng của ông còn cả phụ nữ, điều mà chưa từng xảy ra trước đây

Đó là những đêm bên đống lửa bập bùng sáng cả góc rừng, những chàng trai cô gái Sre nhảy múa, ca hát đầy vui vẻ cùng nhau, đó là những ngày cả buôn làng quây quần bên những khoảng sân rộng rãi của ngôi nhà sàn trong lễ mừng lúa mới, là những đêm say sưa bên những hũ rượu cần lớn mừng hạnh phúc cho một đôi trẻ nào đó trong buôn vừa thành vợ thành chồng. Và vô số dịp khác nữa đều vang vọng lên tiếng chiêng ở đó.

Tuy nhiên, theo thời gian khi những người lớn tuổi trong buôn mất đi thì cũng là lúc số người còn biết đánh chiêng cứ ít dần. Bên cạnh đó, trong xã hội với xu thế hội nhập như hiện nay, nhiều công nghệ mới như điện thoại, máy tính, âm nhạc điện tử… đã khiến cho trai gái trong buôn không còn mặn mà với những nhịp chiêng của cha ông. Điều đó đã khiến cho già K’Tiếu cảm thấy tiếc nuối và trăn trở không thôi. Với mong muốn gìn giữ và bảo tồn những bài chiêng cho các thế hệ mai sau, già đã không quản ngày đêm miệt mài bắt tay vào việc truyền dạy lại những bài chiêng, cách đánh hay cho nhiều người, nhiều đối tượng trong buôn. Đến nay ông đã có hơn 30 năm thực hiện công việc đáng trân trọng này. Nhờ ông mà đã có hàng trăm người con trong và ngoài buôn làng đã lại biết đánh chiêng.

Chỉ vào bộ chiêng để trong phòng khách, già bộc bạch: “Trước đây khi điều kiện kinh tế còn khó khăn nên để sở hữu một bộ chiêng hoàn chỉnh là điều gần như không thể nên tôi đã đi vận động bà con trong buôn làng mỗi người đóng góp một ít đi mua bộ chiêng về vừa để diễn tấu trong những sự kiện lễ hội quan trọng của buôn làng, đồng thời có phương tiện để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đến nay bộ chiêng đó vẫn còn được chúng tôi gìn giữ và đánh lên khi có lễ hội trong làng. Và trên hết, nhờ có nó đã có nhiều người biết đánh chiêng hơn”.

Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu: Người giữ cho tiếng cồng chiêng ngân vang mãi - Anh 3

Tuy đã ngoài 70 nhưng ông vẫn miệt mài truyền dạy loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc mình cho các thế hệ

Dạy cho phụ nữ để không lo mai một

Theo già K’Tiếu, khoảng những năm 2005, khi chính quyền địa phương thấy ông không những biết biết đánh chiêng mà còn có khả năng dạy lại cho mọi người khác nên đã đề cập đến vấn đề chọn ông làm nghệ nhân truyền dạy lại các bài chiêng nhằm bảo tồn loại hình diễn tấu độc đáo này. Hiện nay, ngoài việc truyền dạy lại thì nghệ nhân còn trực tiếp sáng tác thêm nhiều bài chiêng khác tạo sự phong phú thêm phục vụ cho quá trình diễn tấu.

“Đối với loại âm nhạc của những bài chiêng thì không có hệ thống ký âm mà chỉ là truyền dạy theo kiểu thị phạm và cầm tay chỉ việc cho người học. Chính vì thế, không thể dùng thời gian làm thước đo để định lượng được một người sẽ mất bao lâu thì có thể đánh được một bài chiêng, bởi nó còn liên quan đến yếu tố cảm thụ âm nhạc nhanh hay chậm của mỗi người. Có người tập một vài hôm là đã có thể đánh được rồi, mà cũng có người tập vài tháng mới đánh được. Nhưng thông thường thì trẻ em là những người học nhanh và tiếp thu nhanh nhất. Chính như tôi khi xưa lúc còn trẻ cũng học rất nhanh”, nghệ nhân K’Tiếu cho biết thêm.

Tham gia các lớp học đánh chiêng của già K’Tiếu khá đông thành phần và nhiều thế hệ từ cán bộ văn hóa địa phương đến các thanh thiêu niên niên, người trưởng thành, trong buôn, các em học sinh đang trên ghế nhà trường. Tuy nhiên đặc biệt hơn cả chính là trong số những người theo học chiêng của già còn có cả phụ nữ, điều mà trước đây chưa từng có tiền lệ. Bởi trước đây người K’Ho quan niệm chỉ có đàn ông mới là người đánh chiêng.

Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu: Người giữ cho tiếng cồng chiêng ngân vang mãi - Anh 4

Những nỗ lực và tâm huyết của ông giúp cho nhịp cồng chiêng mãi vang vọng

“Trước đây, việc đánh chiêng trống được mặc định là việc của đàn ông. Có nhiều lúc tôi nghĩ nếu cứ theo truyền thống mà chỉ dạy cho đàn ông không thì cũng sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn bởi người C’Ho nói chung và C’Ho Sre nói riêng là  cộng đồng theo chế độ mẫu hệ. Nghĩa là người phụ nữ sẽ đi bắt chồng và người đàn ông sau khi được bắt làm chồng thì sẽ phải theo về phía bên nhà vợ. Chính vì thế nếu chỉ dạy cho đàn ông không thì khi họ đã có vợ rồi mỗi người ở một buôn sẽ rất khó tập hợp đội chiêng dẫn đến những bài chiêng sẽ dần dần rồi cũng mai một. Chính vì điều đó, trong một lần tôi đã nảy ra ý tưởng là tại sao không truyền dạy lại cho phụ nữ. Thứ nhất họ là những người đi bắt chồng nên sẽ sinh sống ổn định trong buôn làng, thứ 2 những bài chiêng khi có bóng dáng người phụ nữ sẽ trở nên mềm mại và uyển chuyển hơn. Chính vì thế, đây có thể là cách vô cùng hiệu quả để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Thật bất ngờ khi số lượng phụ nữ theo học đánh chiêng lại khá đông tôi không nhớ chính xác nhưng chắc cũng đã có khoảng 40-50 người theo học rồi. Trong đội biểu diễn lúc nào cũng có 1, 2 người là phụ nữ”, nghệ nhân già hồ hởi.

Chính từ những đóng góp to lớn của mình trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy thể loại diễn tấu cồng chiêng, năm 2022, già K’Tiếu đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Ngày 23.5.2023, nghệ nhân tiếp tục đón nhận vinh dự là người duy nhất của tỉnh Lâm Đồng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước. Bên cạnh đó, ông còn nhận được hàng chục Bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền địa phương trong nhiều năm qua.

THÀNH KHIÊM

Ý kiến bạn đọc